Ảnh: VGP |
Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 chiều cùng ngày (5/11) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp diễn ra trong bối cảnh chúng ta đã sắp đi hết chặng đường của năm 2019, đất nước ta có nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị Trung ương 11, kỳ họp Quốc hội, đồng thời thời gian vừa qua cũng xảy ra một số vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là vụ 39 người thiệt mạng tại Anh.
Mở đầu phiên họp Chính phủ hôm nay, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân gia đình các nạn nhân; Chính phủ cam kết sẽ nỗ lực làm hết sức mình để chia sẻ nỗi đau thương, mất mát to lớn này.
Đây vụ việc rất đau lòng, gây bàng hoàng cho người thân, gia đình các nạn nhân cũng như nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Ngay khi sự việc xảy ra, từ Nhật Bản, ngày 25/10, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan làm rõ nguyên nhân, điều tra, có biện pháp cần thiết phối hợp với phía Anh trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc. Vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trực tiếp họp với các cơ quan về các biện pháp xử lý tiếp theo. Ngày 3/11, Bộ Ngoại giao đã cử Thứ trưởng Tô Anh Dũng, Bộ Công an cũng cử đoàn cán bộ sang Anh, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trực tiếp trao đổi với phía Anh. Danh tính các nạn nhân sẽ được sớm công bố chính thức.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, nhất là Hà Tĩnh, Nghệ An và các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ để xử lý, trước hết động viên thân nhân ở địa phương bằng các biện pháp thích hợp nhằm bù đắp nỗi đau của gia đình các nạn nhân và hỗ trợ trong khả năng. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng làm hết sức mình để bảo hộ công dân, đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các công việc cần thiết, trong phạm vi có thể để phối hợp với phía Anh sớm xác minh danh tính những người thiệt mạng, đưa họ về với quê hương và sớm hoàn tất điều tra vụ việc, nghiêm trị những người phải chịu trách nhiệm.
Đây cũng là bài học kinh nghiệm cần thiết trong công tác quản lý bởi chúng ta khẳng định đây là vụ việc di cư bất hợp pháp. Việt Nam luôn lên án mạnh mẽ tội phạm loại này, kêu gọi các nước cùng chung tay đấu tranh, ngăn chặn, đồng thời rất mong người dân nâng cao nhận thức để không bị dụ dỗ tham gia.
Một sự kiện quan trọng vừa qua là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị ASEAN lần thứ 35, đây là một hội nghị rất quan trọng vì Việt Nam sẽ làm Chủ tịch ASEAN trong năm 2020. Hội nghị đã kết thúc rất thành công, mang lại hiệu quả và uy tín cho ASEAN và Việt Nam. Đây là một thắng lợi ngoại giao, đặc biệt các nước quan tâm ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Tại các sự kiện trong Hội nghị, nhất là tại cuộc gặp với phía Trung Quốc, phía Việt Nam đã nêu rất rõ quan điểm của Việt Nam, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo theo luật pháp quốc tế, Việt Nam quyết tâm, kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông.
Cũng ngay tại mở đầu phiên họp, Thủ tướng biểu dương các bộ ngành, địa phương và đồng bào trong vùng thiên tai đã tích cực phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra và yêu cầu các bộ ngành, địa phương có liên quan chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão và diễn biến phức tạp.
Về tình hình kinh tế-xã hội, trong bối cảnh các tổ chức quốc tế đều cho rằng nền kinh tế thế giới đang xuất hiện hiện tượng "4 thấp", đó là tăng trưởng thấp, thương mại-đầu tư thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp, điều này sẽ có thể dẫn đến "trì trệ kéo dài" và sẽ chuyển sang "suy thoái", các tổ chức quốc tế tiếp tục nhận định lạc quan về phát triển kinh tế của Việt Nam.
Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, với những điểm nổi bật như:
(1) Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá, khẳng định cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang phát huy hiệu quả tích cực. Lâm nghiệp phát triển ổn định (sản lượng gỗ khai thác tăng 4,6%); chăn nuôi bò và gia cầm phát triển tốt (đàn bò tăng 2,4%, gia cầm tăng 11,5%).
(2) Khu vực công nghiệp tiếp tục có bước phát triển mạnh (IIP tăng 9,5%); ngành chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện tăng mạnh (lần lượt tăng là 10,8% và 9,9%); đặc biệt ngành khai khoáng tăng trưởng trở lại sau nhiều năm tăng trưởng âm (tăng 1,2% cùng kỳ năm trước giảm 2,3%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ (sắt, thép tăng 42,8%; xăng, dầu tăng 33,2%; tivi tăng 16,4%; điện thoại thông minh tăng 16%).
(3) Thị trường thương mại ổn định, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao đạt 11,8%. Thu hút khách quốc tế tiếp tục tăng khá, đạt gần 14,5 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ (tháng 10 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt người).
(4) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát và giữ ở mức thấp. CPI bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 2,48% so với bình quân cùng kỳ; CPI tháng 10/2019 tăng 2,79% so với tháng 12/2018 và tăng 2,24% so với cùng kỳ.
(5) Kim ngạch xuất khẩu tăng khá, đạt trên 217 tỷ USD, tăng 7,4%. Khu vực trong nước tăng 16,2%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,9%; tỷ trọng xuất khẩu của khu vực trong nước chiếm 30,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất siêu 7 tỷ USD.
(6) Đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ đà phát triển tốt; vốn FDI thực hiện đạt 16,2 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ các năm từ trước đến nay; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,8 tỷ USD, tăng 70,5%. Cả nước có 114,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 34,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 24,8% so với cùng kỳ.
(7) Đời sống dân cư được cải thiện, nhất là ở khu vực nông thôn nhờ kết quả từ Chương trình xây dựng nông thôn mới cùng với kết quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Cả nước có 68.000 lượt hộ thiếu đói, giảm 33,8%. Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt chúng ta đã tổ chức rất tốt Ngày vì người nghèo (17/10), đẩy mạnh phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, thông qua Chương trình này đã ủng hộ cho Quỹ vì người nghèo 877 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình tháng 10 và 10 tháng cũng nổi lên một số vấn đề tồn tại, hạn chế sau:
- Dịch tả lợn châu Phi có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng nông nghiệp trong năm 2019; đồng thời nhiều mặt hàng nông sản giá xuống thấp; xuất khẩu nông sản tăng về sản lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm.
- Chỉ số IIP 10 tháng tăng 9,5%, thấp hơn mức tăng 10,3% cùng kỳ năm 2018, động lực tăng trưởng này có dấu hiệu giảm tốc.
- Mặc dù xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng, những chúng ta lưu ý rằng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước tăng 7,4%, thấp hơn mức tăng 21,8% của 10 tháng năm 2017 và 15,3% của 10 tháng năm 2018.
- Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhưng tỷ lệ thực hiện và tốc độ tăng giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019 (vốn Trung ương giảm 19,3% so với cùng kỳ, Bộ Giao thông vận tải giảm 31,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 56,0%...). Một vấn đề khác chúng ta phải rất lưu ý trong thời gian tới và phải thúc đẩy là tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm giảm 15,2% so với cùng kỳ.
- Môi trường đầu tư kinh doanh bị đánh giá là chậm được cải thiện, sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, có 26.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 34.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 34,8% và 13.500 doanh nghiệp giải thể…
- Phát sinh nhiều vấn đề xã hội, môi trường, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ thời gian tới, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tiền tệ và tín dụng, giải ngân vốn đầu tư công, nông nghiệp, công nghiệp – thương mại, giao thông vận tải, du lịch và dịch vụ, văn hóa, xã hội, môi trường, xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất từ nay đến cuối năm, kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để phấn đấu hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội Quốc hội giao (dự kiến, có 5 chỉ tiêu vượt).
Quan trọng là chúng ta cần phải giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như hiện nay, thậm chí hơn nữa; điều này đòi hỏi phải tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới; tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách vĩ mô và phải được vận dụng một cách khéo léo, linh hoạt. Đồng thời, cần sớm xây dựng các phương án ứng phó với những tình huống xấu của kinh tế thế giới có thể xảy ra, không để bị động bất ngờ; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường. Do đó, cần sớm nghiên cứu xây dựng phương án kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, xuất khẩu.
Các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố cần phải quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục cắt, giảm điều kiện đầu tư kinh doanh một cách thực chất hơn nữa, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Sang năm 2020, chúng ta cần phải làm việc mạnh mẽ việc này hơn nữa, trên tất cả các lĩnh vực; đây phải trở thành một cuộc cách mạng thực sự để Việt Nam chúng ta trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, một đất nước đổi mới sáng tạo và có tính cạnh tranh cao.
Từ ngày 06-08/11/2019, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ tổ chức chất vấn tại Hội trường. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ theo dõi, nắm bắt những vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm để chuẩn bị nội dung trả lời; đặc biệt lưu ý đến việc thực hiện những cam kết, lời hứa đã nêu tại các kỳ họp trước. Chúng ta phải chủ động trao đổi, cung cấp thông tin với đại biểu Quốc hội, phóng viên báo chí để kịp thời định hướng dư luận, giải tỏa những vấn đề nóng, đang được dư luận và nhân dân quan tâm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo. Ảnh: VGP |
PV Hiếu Công (Zing.vn): Trước kia Trung Quốc thường cài cắm hình ảnh đường lưỡi bò vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam vào các sản phẩm mang tính học thuật như bản đồ. Nhưng hiện nay họ lại cài cắm vào các sản phẩm như phim ảnh, đồ dùng học tập và thậm chí cả đồ dùng ô tô. Xin hỏi Chính phủ có cần cơ quan để rà soát, tránh việc họ tuyên truyền thông tin sai trái vào thế hệ trẻ Việt Nam hay không?
Vừa qua có một số chủ xe sang có được biển số đẹp, người tiêu dùng có thắc mắc có phải biển số đẹp thì về tay xe sang hay không? Quy trình cấp biển số cho xe sang như thế nào? Có cần đấu giá biển số xe đẹp để tăng thu ngân sách? Bộ Công an nghĩ gì về vấn đề này?
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ: Liên quan đến việc Trung Quốc cố tình cài cắm bản đồ có hình ảnh đường lưỡi bò vào sản phẩm phim ảnh, Bộ VHTT&DL đã xử lý việc vi phạm này liên quan đến tổ chức, cá nhân, trong đó có xử lý Hội đồng thẩm định phim và trách nhiệm của cá nhân đứng đầu. Không để tiếp diễn những vụ việc như vậy, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan liên quan trong Bộ, trong đó có các đơn vị liên quan đến các hoạt động nghệ thuật, đặc biệt Cục Điện ảnh, phải kiện toàn lại nhân sự đối với các bộ phận liên quan đến rà soát về mặt nội dung, cấp phép phim, tăng cường trách nhiệm, có thêm những công cụ hiện đại để rà soát…
Chúng tôi cũng quán triệt cán bộ trong ngành VHTT&DL phải tăng cường tinh thần cảnh giác, trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ. Chúng tôi cũng kiện toàn lại toàn bộ Hội đồng duyệt phim quốc gia; tới đây, ngoài việc thành lập Hội đồng theo quy định hiện hành, chúng tôi cũng xác định đối với những trường hợp cụ thể có thể phải mời thêm chuyên gia ở các lĩnh vực cùng phối hợp và hỗ trợ cũng như tham vấn cho Hội đồng trên các lĩnh vực.
Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ lâu dài và quan trọng nên đã giao cho các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu để xây dựng công cụ, kỹ thuật hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước đối với các hành vi vi phạm. Chúng tôi giao cho Trung tâm Công nghệ thông tin của Bộ VHTT&DL phối hợp với các bộ, ngành để có thể rà soát được các hình ảnh cũng như âm thanh, lời thoại trong phim.
Chúng tôi cũng đề nghị các công ty, doanh nghiệp liên quan đến việc nhập khẩu các sản phẩm văn hoá nói chung, điện ảnh nói riêng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không thể phó thác trách nhiệm cho các cơ quan thẩm định.
Như vậy, sẽ có nhiều cơ quan cùng phối hợp, rà soát nội dung, hy vọng tới đây những sự việc đáng tiếc như bộ phim hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ" sẽ được chấn chỉnh.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: Đối với việc quản lý biển số xe, hiện nay Bộ Công an đang thực hiện Thông tư số 15 năm 2014 về trình tự đăng ký biển số xe trên địa bàn Việt Nam. Ở các địa phương chúng ta đều tổ chức bấm số ngẫu nhiên trên internet, kết quả được đông đảo công dân đồng tình. Thực tiễn ở ngoài xã hội, có nhiều xe taxi, xe của công ty môi trường… lại có biển số rất đẹp vì bấm số ngẫu nhiên.
Hiện nay, theo nguyện vọng và yêu cầu, chúng tôi đang dự thảo Đề án xin ý kiến các bộ, ban, ngành, địa phương để tổng hợp đề xuất đấu giá biển số. Kết quả như thế nào chúng tôi sẽ thông tin.
PV Thành Chung (báo Tri thức trẻ): Vừa rồi hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trong giáo trình của ĐH Kinh doanh và Công nghệ và đã được sử dụng trong thời gian dài, nhưng không bị phát hiện. Xin hỏi Bộ GD&ĐT xử lý việc này như thế nào?
Liên quan đến việc Đại úy Lê Thị Hiền có hành vi lăng mạ nhân viên hàng không, Công an TP. Hà Nội trả lời báo chí là đã có báo cáo Bộ Công an về việc này. Xin được hỏi về việc xử lý của CA TP. Hà Nội đối với Đại úy Lê Thị Hiền?
Được biết cuối kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế. Tổng thư ký Quốc hội cho biết đang chờ Chính phủ trình nhân sự thay thế. Xin hỏi nhân sự sắp tới của Bộ Y tế sẽ được bổ nhiệm như thế nào?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Điều 36 Luật Giáo dục dại học có nêu: Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình giáo dục đại học để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập.
Bộ GD&ĐT đã có Thông tư về việc biên soạn, sử dụng giáo trình có ghi rõ Hội đồng thẩm định giáo trình lựa chọn giáo trình để đưa lên Hiệu trưởng trường xem xét, quyết định. Do đó, trách nhiệm của việc này đầu tiên thuộc về Hội đồng thẩm định giáo trình và Hiệu trưởng trường đại học.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Đại học Kinh doanh và Công nghệ dừng ngay việc sử dụng giáo trình này; yêu cầu Trường thực hiện thẩm định lại toàn bộ giáo trình đang lưu hành, đồng thời tiến hành xem xét kiểm điểm và kỷ luật các cá nhân liên quan đúng theo quy định.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Liên quan đến việc này, gần đây một số sản phẩm, ấn phẩm, phim ảnh, ô tô, phần mềm, sách giáo khoa… có hình ảnh “đường lưỡi bò” là việc ta phải suy nghĩ. Chúng tôi rất cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã phản ánh việc này.
Thẩm định phim ảnh để đưa ra công chúng là trách nhiệm của Bộ VHTT&DL. Nếu thẩm định không đúng, để xảy ra sơ suất đưa ra công chúng những hình ảnh như vậy thì trách nhiệm là Bộ VHTT&DL.
Còn đối với ô tô nhập khẩu theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, kiểm tra theo lô. Đây là cải cách để tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu. Nhưng trước hết, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có vấn đề xảy ra. Việc hoàn thiện thể chế, quy định Bộ Tư pháp cũng đã đề xuất với Chính phủ vì từ trước đến nay không xảy ra những việc tương tự.
Bộ GD&ĐT cũng có trách nhiệm khi kiểm duyệt giáo trình.
Chúng ta phải khuyến cáo người dân khi dùng sản phẩm nước ngoài vì không thể để xảy ra việc phát tán những sản phẩm có “đường lưỡi bò” tràn lan trên lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta phải cảnh giác cao độ.
Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng để có giải pháp ứng phó kịp thời với những vấn đề này.
Trong chương trình kỳ họp Quốc hội thứ 8 có thực hiện quy trình miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến để đảm nhiệm chức vụ mới là Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương.
Với trách nhiệm của Chính phủ và theo Luật Tổ chức Chính phủ, khi chưa có kỳ họp Quốc hội, thẩm quyền của Thủ tướng sẽ giao quyền Bộ trưởng. Thủ tướng sẽ trình Quốc hội để Quốc hội giao chức danh Bộ trưởng. Vừa qua, Bộ Chính trị đã phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, chịu trách nhiệm toàn diện các hoạt động của Bộ Y tế trước Trung ương. Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã họp về việc bổ nhiệm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế trên cơ sở ý kiến của Bộ Nội vụ. Chính phủ đang thực hiện lựa chọn, trước mắt đợi Quốc hội miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng đã sau đó mới thực hiện các quy trình tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: Công an Hà Nội cho biết căn cứ vào quy định của Bộ Công an dự kiến sẽ hạ cấp bậc hàm từ Đại úy xuống Trung úy đối với bà Lê Thị Hiền. Hiện bà Hiền đã được điều động đến bộ phận không trực tiếp tiếp dân.
Căn cứ vào các quy định hiện hành, Bộ Công an đang giao cho các cơ quan của Bộ xác định những hành vi và các quy định xử lý, sau đó sẽ có quyết định xử lý.
PV Vũ Quyên (Kênh truyền hình VOV): Tại kỳ họp trước đã có câu hỏi về việc 9 người bỏ trốn ở Hàn Quốc đi nhờ máy bay chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội, hiện Bộ Công an đã tìm được người bỏ trốn hay chưa, danh tính những người này đã được công bố chưa?
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: Chúng tôi đã thông tin trong cuộc họp lần trước, cơ quan điều tra đã phối hợp với các cơ quan khác để điều tra vụ việc này. Hiện nay đã có 3 công dân về nước, còn 6 công dân. Cơ quan công an đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức xác định những cá nhân còn lại này.
Có các hành vi sai phạm chúng ta sẽ phải xử lý. Khi có kết quả cuối cùng, chúng tôi sẽ thông báo.
PV Trần Vương (báo Lao động): Về vụ 39 người tử vong trong xe container, hiện đã xác minh được có bao nhiêu người Việt Nam? Bao giờ công bố danh tính nạn nhân?
Bộ LĐ,TB&XH có giải pháp ngăn chặn lao động Việt Nam ra nước ngoài lao động trái phép?
Xin hỏi Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về hiện tượng “trục lợi” trong các kỳ thi chứng chỉ tin học, ngoại ngữ ở vùng cao phục vụ cho việc nâng lương giáo viên. Chứng chỉ này phục vụ cho nghề nghiệp nhưng tốn kém, bát nháo, như một dạng giấy phép con. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ có xem xét bỏ quy định này không?
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: Đối với 39 công dân thiệt mạng ở Anh, từ đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã nói về tinh thần chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đã thông tin kịp thời và thường xuyên, đặc biệt sáng hôm qua bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an đã có thông tin với cơ quan báo chí. Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao khẩn trương phối hợp với Bộ Ngoại giao Anh, Bộ Công an phối hợp với Bộ Nội vụ Anh, làm sao xác định sớm nhất theo thông tin nhận được. Hiện có đoàn công tác Bộ Ngoại giao, Bộ Công an sang Anh quốc để phối hợp làm việc.
Theo thông tin, tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có 35 trường hợp gia đình xác nhận thông tin có dấu hiệu liên quan đến 39 người. Việc xác định danh tính phải theo quy định của Anh quốc. Sau khi xác định danh tính theo quy định của pháp luật, phong tục tập quán nước sở tại, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ phối hợp với các địa phương thông báo cho gia đình các kết quả xác định danh tính…
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung: Liên quan đến quản lý lao động, là người chịu trách nhiệm quản lý việc làm, trước hết tôi xin chia sẻ và gửi lời chia buồn tới gia đình, các thân nhân người thiệt mạng tại Anh quốc vừa qua.
Tôi khẳng định, về quản lý lao động ngoài nước, có hai việc khác nhau: Loại hình tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác với việc tổ chức lao động làm việc ở nước ngoài.
Riêng tổ chức lao động ở nước ngoài thực hiện theo Luật Người Việt Nam đi lao động nước ngoài theo hợp đồng.
Các quốc gia đưa người Việt Nam tới lao động đều có các hiệp định về lao động, hay bản ghi nhớ về lao động với Việt Nam.
Theo đó, những người đi lao động hợp pháp qua 5 hình thức: Thứ nhất, qua các doanh nghiệp (DN) Việt Nam do Bộ LĐTB&XH cấp phép; thứ hai, hợp tác với DN, tập đoàn, công ty của 32 nước có hợp tác; thứ ba, đi theo dạng cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với tổ chức nước ngoài, nhưng vẫn đăng ký qua Sở LĐTB&XH, cơ quan quản lý người lao động ở nước ngoài; thứ tư là hợp tác đào tạo liên kết giữa 2 bên cấp phép; thứ năm, gần đây Chính phủ cho phép trao đổi lao động hợp tác giữa các địa phương ở 2 quốc gia trong thời hạn ngắn hạn, ví dụ như hợp tác Việt-Nhật, Việt-Hàn hay lao động du lịch làm thêm tại Cộng hoà Czech.
Hiện có gần 400 DN được cấp phép, đủ tư cách đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Trong 3 năm qua, mỗi năm đưa trên 100.000 người đi lao động tại các nước, cao nhất năm 2018 là 143.000 lao động, chủ yếu 4 địa bàn: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia.
Riêng châu Âu ký hợp tác với 2 quốc gia. Thứ nhất là Romania, năm 2018 và đầu năm 2019 đã đưa được 3.000 người sang làm việc. Thứ hai là CHLB Đức, gần đây đã ký hợp tác lao động nhưng chưa ký toàn diện, chủ yếu đưa điều dưỡng viên lao động ở Đức (1.066 người).
Tôi đã vào nơi các lao động làm việc, kiểm tra nơi ăn ở, nói chung là cuộc sống tốt, mức thu nhập 2.600 EUR/tháng, sau khi trao đổi thêm dự kiến nâng lương lên 3.000 EUR/tháng/1 người…
Việc đưa người lao động đi nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm minh bạch, công khai về địa bàn, mức thu phí, mức lương từng DN, người được DN đưa đi đều được cấp Visa, có chính sách bảo hộ công dân, có bảo hiểm xã hội…
Hiện nay, có hiện tượng DN không có chức năng, mượn phép, liên doanh, liên kết trá hình đưa lao động đi, hoặc không được cấp giấy phép nhưng làm “cò mồi”… Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo phối hợp xử lý nhiều. Có DN trái phép phải chuyển cơ quan điều tra xử lý.
Với gần 400 DN kinh doanh có điều kiện, vừa qua Bộ tiến hành thanh, kiểm tra 118 DN, thực hiện thu hồi, đình chỉ hoặc cấm vĩnh viễn một số DN vi phạm, kể cả DN truyền thống, bề dày hoạt động 25 năm nay.
Với Nhật, Hàn Quốc, các bên đã thống nhất, nếu DN nào vi phạm, ở cả 2 đầu tiếp nhận và cử người đi đều bị xử lý.
Bộ LĐTB&XH cũng xử lý sai phạm với địa bàn có nhiều người đi nhưng không chịu về, trốn lại làm việc khi hết hạn.
Năm 2016 có 56% người lao động trốn ở lại Hàn Quốc, qua 3 năm, tỉ lệ này giảm còn 26%.
Chúng tôi áp dụng nhiều biện pháp như: Ký quỹ, đình chỉ tạm thời không cho một số địa phương cử người đi, hiện có 48 huyện, 11 tỉnh không được cho lao động đi Hàn Quốc, các DN vi phạm cũng bị đình chỉ…
Chúng tôi cũng có khuyến cáo mong nhân dân, thanh niên có kế hoạch lao động nước ngoài nên đi theo con đường hợp pháp, thông qua cơ quan được cấp phép và ký hợp tác ở nước sở tại, được bảo hộ công dân, có Visa, giấy phép lao động, có mức lương, có thoả thuận. Cơ quan chức năng cũng hỗ trợ đứng ra thoả thuận với các nước đến về lương, thuế phải nộp… Bộ có công khai tên, danh sách các đơn vị được phép. Do đó, bà con không nên đi theo đường bất hợp pháp hay qua các DN không được cấp phép…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Quy định do Bộ Nội vụ ban hành về chức danh tiêu chuẩn với tất cả các công chức viên chức, không chỉ ngành giáo dục. Theo đó, công chức viên chức phải có chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ, bồi dưỡng chứng chỉ theo chức danh, thực hiện theo quy định chung.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư quy định tổ chức cấp chứng chỉ đúng quy định. Cơ quan nào làm không đúng sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Nghị định 123 ngày 1/9/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ có quy định về thẩm quyền Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Theo Điều 14, Khoản 2, Bộ trưởng quản lý ngành lĩnh vực: Quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thuộc lĩnh vực được giao quản lý sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ.
Riêng nâng ngạch, xét nâng hạng, trong Nghị định 161 ngày 29/11/2018 sửa đổi bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức có quy định các trường hợp miễn thi ngoại ngữ, nếu có chứng chỉ tiếng dân tộc, hoặc là người dân tộc.
PV Như Quỳnh (báo Dân trí): Liên quan đến vụ việc lô nhôm 4,3 tỷ đô la xuất xứ Trung Quốc đội lốt hàng Việt và chờ xuất sang Mỹ vừa bị phát hiện, đây được cho là một trong những vụ gian lận thương mại lớn nhất từ trước đến nay. Xin hỏi việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể như thế nào và hướng xử lý lô nhôm này ra sao?
Liên quan tới bản đồ “đường lưỡi bò” trong vụ xe Volkswagen trưng bày tại triển lãm ô tô Việt Nam mới đây, Tổng cục Hải quan đã tịch thu chiếc xe và đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với doanh nghiệp nhập khẩu và đơn vị tổ chức triển lãm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đây không phải lần đầu tiên phát hiện dòng xe này vi phạm chủ quyền biển đảo. Xe vi phạm tại triển lãm được phát hiện nhưng dư luận băn khoăn có bao nhiêu chiếc xe vi phạm về bản đồ đang lưu hành, lăn bánh trên đường tại Việt Nam và vì sao những chiếc xe này lại có thể vượt rào một cách thuận lợi vào Việt Nam như vậy? Ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm và sau vụ việc này có rà soát lại dòng xe tại Việt Nam hay không?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng: Đối với nội dung này, Bộ Công Thương đã có trả lời phỏng vấn rất đầy đủ và đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 2/11. Chúng tôi cũng đã ghi lại mặt hàng mà chúng ta nêu lên và đã kiểm tra. Sau khi có tin, Bộ Công Thương đã cho tổ chức kiểm tra rất đầy đủ và thấy thực ra không có vi phạm trong vấn đề cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O cho doanh nghiệp.
PV Khánh Huyền (VTV): Liên quan đến 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt hàng Việt, xin hỏi hướng xử lý như thế nào? Nếu trong trường hợp xác định lô nhôm này vi phạm nguyên tắc xuất xứ, rất có thể vì một doanh nghiệp ảnh hưởng đến toàn ngành nhôm, chúng ta phải chịu áp thuế chống bán phá giá. Nếu trong trường hợp tiêu thụ trong nước, chúng ta tính thuế như thế nào khi số nhôm này sẽ ảnh hưởng toàn ngành nhôm trong nước?
Tháng 11/2019 Bộ Công Thương công khai tính chi phí giá điện, kế hoạch chính xác thời gian công bố?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng: Về việc xử lý, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra thêm phía doanh nghiệp bởi họ chưa xuất khẩu sang Mỹ. Chúng tôi sẽ kiểm tra và thông báo lại sau.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Các nhà báo quan tâm đến vấn đề cấp C/O xuất xứ hàng hóa thì tôi nói thêm thế này. Chúng ta biết trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, vấn đề cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là vấn đề phải suy nghĩ. Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong việc này. Nếu chúng ta quản lý không tốt thì chính đây là những cơ sở khiến chúng ta sẽ thiệt hại rất lớn. Quy định của chúng ta giá trị gia tăng phải 30%, nhưng nếu chúng ta để bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa, lấy thương hiệu Việt để xuất khẩu sang những nước mà sau này có sự áp thuế lên những mặt hàng của chúng ta thì rất nguy hiểm.
Xuất nhập khẩu hai chiều chúng ta đạt 60 tỷ USD, chiếm một tỉ trọng rất lớn, khoảng 20% kim ngạch của cả nước. Thế nhưng với những nước lớn quy mô 500 tỷ USD thì rất nhỏ.
Thủ tướng đã có chỉ thị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cấp C/O của Bộ Công Thương với những nước liên quan đến FTA, cấp C/O còn lại giao cho VCCI. Trong thời kỳ ban đầu, khi có chiến tranh thương mại, chúng ta cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về thủ tục xuất nhập khẩu. Nhưng bây giờ chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề cấp C/O. Nếu chúng ta cấp dễ dãi, đánh giá mà không có kiểm tra, chỉ kê khai lên là cấp thì chính chúng ta sẽ chịu hậu quả rất lớn là bị áp thuế và chúng ta sẽ chịu thiệt. Vậy phải thẳng thắn thực hiện nghiêm túc điều này.
Thứ hai là các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan hải quan thuộc Bộ Tài chính rồi các cơ quan cửa khẩu, yêu cầu khi kiểm tra phải có xem xét đánh giá. Tránh việc đầu tư trước đây là một dự án có nhiều triệu đô la nhưng bây giờ một dự án có thể 2-3 triệu đô, chỉ bằng cái nhà xưởng, chỉ có mang hàng hóa đến sau đó dán nhãn, đóng gói thì đó không gọi là đầu tư mà là núp bóng đầu tư, lợi dụng để làm nhà xưởng chuyển giao, tập kết, đóng gói, dán mác.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là giao Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì báo cáo với Chính phủ để trình Chính phủ ban hành văn bản liên quan đến nhiệm vụ và các giải pháp chống gian lận thương mại. Đây là chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng. Nhìn kinh tế vĩ mô, nếu chúng ta để lợi dụng từ các nước bên cạnh chúng ta, chúng ta sẽ bị thua thiệt rất nhiều.