Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chắc chắn sẽ đạt cận cao
Ngày 4/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8/2019. Phiên họp Chính phủ thường kỳ lần này tập trung bàn một số nội dung như tình hình KTXH tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2019; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP; dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2020; tình hình thực hiện NSNN năm 2019 và dự toán NSNN năm 2020; kế hoạch tài chính NSNN 03 năm 2020-2022 và các vấn đề khác.
Năm 2019 đã đi qua được 8 tháng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và thương mại toàn cầu sụt giảm. Các số liệu kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy, tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp những vấn đề, khó khăn khác nhau. Mặc dù chịu tác động không thuận lợi của kinh tế toàn cầu, nhưng nhiều tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019.
Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng đầu năm của nước ta tiếp tục xu hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực đều phát triển ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên. Có thể khẳng định chắc chắc sẽ đạt cận cao của mục tiêu phấn đấu năm nay (mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao năm 2019 là 6,6-6,8%).
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi Họp báo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Một số kết quả nổi bật trong 8 tháng:
(1) Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây (mặc dù trong tháng, giá dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường và giá thịt lợn tiếp tục tăng).
(2) Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển khá cả nuôi trồng và khai thác (đàn gia cầm tăng 10%; sản lượng gỗ khai thác tăng 4,3%; sản lượng thủy sản tăng 5,4%).
(3) Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá 9,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%; đặc biệt trong tháng 8/2019, ngành khai khoáng tăng mạnh (IIP khai khoáng tăng 14,4%); sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
(4) Giải ngân vốn FDI tăng khá, đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3%. Giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 9,51 tỷ USD, tăng 80%.
(5) Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tiếp tục tăng. Có 90.500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,1% về số doanh nghiệp và tăng 31% về vốn đăng ký. Có 25.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 21,8%.
(6) Thu NSNN đạt khá; các khoản thu nội địa đạt khá, cao hơn mức bình quân chung (thu NSTW đạt 66% dự toán, thu từ dầu thô đạt 81,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 74,6%); chi ngân sách tiếp tục bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Thu ngân sách tăng khá thể hiện thực lực của nền kinh tế nước ta, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương tăng vượt dự toán liên tiếp trong 3 năm.
(7) Cầu nội địa tiếp tục tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2019 vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, tăng 11,5%(nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03%). Khách quốc tế tiếp tục đà tăng cao đạt 11,3 triệu lượt khách quốc tế.
(8) Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta tăng khá, đặc biệt xuất siêu tăng mạnh, đạt 3,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%;…
(9) Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm. Tổ chức trang trọng, ý nghĩa các sự kiện nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, quốc phòng an ninh được bảo đảm, tình hình diễn biến phức tạp nhưng chúng ta rất cương quyết, các lực lượng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp với các hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Vẫn còn nhiều hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức. Ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ; tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Một số dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, cần có biện pháp mạnh để thúc đẩy trong thời gian tới; nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng giảm (phân bón giảm 1,9%; dầu thô giảm 6,9%; xe máy giảm 8,3%; đường kính giảm 16,2%,…)….
Về xuất nhập khẩu: Hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực giảm, giá xuất một số mặt hàng ở mức rất thấp; xuất khẩu sang một số thị trường lớn giảm (thị trường EU giảm 0,5%; thị trường Trung Quốc giảm 2,5%).
Thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới, như dịch sốt xuất huyết; nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Chúng ta cần phải kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, chỉ bàn tiến không bàn lùi, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; làm việc gì cũng phải nghĩ đến đất nước, đến nhân dân trước; phát huy lòng tự hào dân tộc, tính sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Cần nghiêm túc thực hiện phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", chỉ đạo thực hiện quyết liệt, chất lượng, hiệu quả hơn nữa các Nghị quyết số 01, 02. Từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương phải nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Chúng ta phải quyết tâm hành động, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nói đi đôi với làm và quyết liệt hơn; tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa và quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2019; tạo điều kiện thuận lợi cho hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu vĩ mô năm 2019 đều đạt và vượt kế hoạch. Nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, còn những mặt hạn chế, yếu kém và còn nhiều khó khăn, thách thức phải tập trung xử lý, giải quyết. Thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn 4 tháng; để đạt được các mục tiêu kế hoạch năm 2019, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2019. Nguồn Tổng cục Thống kê |
Nội dung hỏi đáp tại Họp báo:
PV Văn Kiên (báo Tiền Phong): Vừa qua, sân bay quốc tế Nội Bài bị lún, nứt sâu ảnh hưởng đến an toàn bay. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư sửa chữa đang có nhiều vướng mắc về cơ chế. Xin hỏi tới đây, Bộ GTVT sẽ có giải pháp gì xử lý để bảo đảm an toàn bay?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Trước đây, đối với việc chưa cổ phần hoá Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) từ tháng 4/2016 trở về trước, công tác quản lý, khai thác, đầu tư, nâng cấp mới, cải tạo đều do ACV thực hiện trên cơ sở cơ chế hạch toán đã xác định đối với ACV.
Tuy nhiên, sau khi cổ phần hoá từ tháng 4/2016, do liên quan đến vấn đề an ninh các sân bay nên các khu bay, các đường bay, đường lăn thuộc Nhà nước quản lý. Như vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp.
Việc lập kế hoạch trung hạn năm 2016-2020, nguồn kinh phí khá khó khăn do không nằm trong kế hoạch trung hạn này.
Đầu năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 44 về quản lý nguồn tài sản hàng không và giao cho Bộ GTVT báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ phương án giao kết cấu hạ tầng hàng không.
Bộ GTVT đã trình lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giao cho ACV tài sản bay. Trước mắt, ACV tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế lâu dài hơn.
Kiến nghị của Bộ GTVT là dùng các nguồn vốn khác nhau do ACV huy động.
Tuy nhiên, trước mắt Đề án chưa được phê duyệt, việc xuống cấp, hư hỏng cục bộ đã xảy ra. Hiện tại ACV đang sửa chữa, khắc phục hư hỏng đó để bảo đảm an toàn bay.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
PV Quỳnh Hoa (báo Văn hóa): Vừa qua báo chí đã đăng bài với nội dung: VPCP truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới Bộ Công an liên quan đến vụ việc cháu bé 2 tuổi tại Quảng Ninh bị xâm hại tại trường mầm non đến chấn thương sọ não nhưng đến nay vẫn không được giải quyết và Công an thị xã Quảng Yên đã tạm đình chỉ điều tra. Mẹ cháu bé đã gửi đơn khiếu kiện khắp nơi hơn 1 năm qua nhưng vẫn không được giải quyết. Vậy Bộ Công an đã thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam như thế nào?
Liên quan đến vụ việc Công an quận Bắc Từ Liêm cho người tự phá dỡ cổng nhà bà Trần Thị Kim Phương vì cho rằng bà này bắt giữ người trái phép giáo viên Trường Pascal ở bên cạnh. Nhưng sau đó, Công an quận Từ Liêm đã không khởi tố vụ án, không có chứng cứ liên quan đến việc bắt giữ trái phép này mà lại khởi tố với hai nhân viên của bà Phương vì cho rằng chống người thi hành công vụ. Bà Phương đã gửi đơn khiếu kiện đến Bộ Công an, đồng thời ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng đã có ý kiến gửi tới Bộ Công an về vụ việc này. Vậy Bộ Công an đã xử lý như thế nào?
Xin hỏi UBND thành phố Hà Nội, hiện nay Trường Newton đang có trụ sở trên một tòa nhà 7 tầng nhưng tòa nhà này không phép và không được cấp chứng nhận đủ điều kiện PCCC. Hiện công tác tuyển sinh vẫn đang tiếp tục và các cháu học sinh tiểu học có nguy cơ bị nguy hiểm đến tính mạng nếu xảy cháy. UBND thành phố Hà Nội sẽ xử lý vụ việc này như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: Về việc cháu bé ở Quảng Ninh thì chúng tôi chưa nắm được kỹ việc này nhưng theo tôi được biết việc tạm đình chỉ này theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo giám định hoặc các phần việc khác. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật và theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan điều tra của Quảng Ninh để có kết luận đảm bảo tính khách quan và đúng quy định của pháp luật.
Về việc của Bắc Từ Liêm cũng vậy. Ngày 1/8/2019 Công an quận Bắc Từ Liêm đã nhận được thông tin và đến ngày mồng 2/8/2019, cơ quan cảnh sát điều tra của Công an quận Bắc Từ Liêm đã khởi tố vụ án và ra quyết định tạm giữ đối với hai trường hợp chống người thi hành công vụ và đã được Viện Kiểm sát quận Bắc Từ Liêm phê chuẩn. Trong quá trình điều tra sẽ làm rõ các hành vi đã diễn ra đối với trường hợp ở Bắc Từ Liêm và sẽ thông tin để các cơ quan báo chí nắm được.
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội: Liên quan đến Trường Newton ở quận Bắc Từ Liêm, Trường này xây dựng 7 tầng, 5 tầng có phép, 2 tầng 6-7 không có phép. Với tình trạng vi phạm như vậy, UBND Thành phố đã giao cho UBND quận Bắc Từ Liêm và Thanh tra Thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra. Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã tiến hành thanh tra.
Cả Thanh tra xây dựng của Bộ Xây dựng và Thanh tra Thành phố đã có kết luận về việc này, trong đó kiến nghị xử phạt hành chính và hoàn thiện các thủ tục để đảm bảo theo quy định và đặc biệt là đảm bảo an toàn quy chuẩn xây dựng phục vụ trường học. Đến thời điểm hiện nay, đối với công tác PCCC, đã đủ điều kiện từ tầng 2 đến tầng 5, riêng tầng 6 và tầng 7 thì chưa đủ điều kiện. Căn cứ vào tình hình cụ thể như vậy nên UBND quận Bắc Từ Liêm đã kiểm tra công trình và cho phép Trường sử dụng từ tầng 1 đến tầng 5, riêng hai tầng 6 và 7 chỉ được sử dụng khi các cấp có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện và đảm bảo các điều kiện về cho sử dụng.
PV Hoài Thu (báo điện tử VnExpress): Đề nghị Bộ Công an cho biết vì sao ông Nguyễn Bắc Son không được Cơ quan Điều tra đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt. Chính sách hình sự đặc biệt cụ thể ra sao? Đường đi của hơn 6 triệu USD của 4 quan chức nhận hối lộ từ Phạm Nhật Vũ như thế nào, đặc biệt là 3 triệu USD mà ông Son đã nhận?
Liên quan đến vụ việc Bộ GTVT mới đây đề xuất mua lại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để biến doanh nghiệp này trở lại thành doanh nghiệp Nhà nước. Việc mua lại này dựa trên cơ sở nào? Dự kiến số tiền mua lại khoảng 8.000 tỷ đồng. Vậy số tiền này lấy từ đâu?
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: Chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam rất rõ ràng và cụ thể nhằm ghi nhận sự hợp tác tích cực của những người có hành vi phạm tội đối với cơ quan điều tra, đối với pháp luật, thành thật khai báo, khắc phục hậu quả.
Đây là chính sách ưu việt và chúng tôi cũng kiến nghị áp dụng với những người hợp tác tích cực và khắc phục hiệu quả đối với những thiệt hại xảy ra.
Trong quá trình điều tra, chúng tôi điều tra một cách toàn diện và kết quả đến đâu chúng tôi kết luận đến đó.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Từ tháng 4/2016, ACV hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, phần vốn của Nhà nước vẫn chiếm trên 95%. Theo tờ trình của Bộ GTVT ngày 9/7/2019 trình Thủ tướng Chính phủ Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản sở hữu công do Nhà nước đầu tư, quản lý. Trong Đề án này đưa ra nhiều phân tích, nhiều phương án khác nhau và có kiến nghị là từ nay đến 2025 tiếp tục giao cho ACV quản lý, khai thác.
Trong giai đoạn đó sẽ có đánh giá và chuyển cho cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ GTVT và có cơ chế để quản lý, khai thác hiệu quả giai đoạn sau 2025. Trong phương án đó cũng có một kiến nghị, giải pháp thực hiện Đề án này trong tương lai là xem xét lộ trình mua lại một phần vốn của các cổ đông ACV để đảm bảo điều kiện cao nhất là an ninh quốc phòng.
Nếu Đề án được phê duyệt thì mới có chủ trương để phê duyệt đề án mua, gom hoặc là lấy kinh phí ở đâu để thực hiện.
PV Phương Thảo (báo điện tử Dân trí): Vừa qua, vụ việc của Đại học Đông Đô có nhiều thông tin cho rằng trước đó Thứ trưởng An của Bộ GD&ĐT đã đề nghị thanh tra Đại học Đông Đô nhưng không hiểu lý do vì sao trường này lại được bỏ ra khỏi danh sách. Xin Bộ GD&ĐT thông tin cụ thể về vấn đề này?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An: Về vụ việc ĐH Đông Đô, Bộ GD&ĐT đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an cung cấp các tài liệu. Trong việc thanh tra, xin thông tin lại như thế này: Hằng năm Bộ GD&ĐT đều thanh tra, kiểm tra các cơ sở đại học. Trong năm 2018, Thanh tra Bộ đã tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh của 10 trường đại học, trong đó có Đại học Đông Đô nhưng khi đoàn thanh tra thực hiện việc công bố quyết định thanh tra thì Đại học Đông Đô khi đó đã có công văn 706 ngày 28/9 đề nghị hoãn thanh tra với lý do nhà trường chuyển địa điểm mới nên đã đóng gói hết tài liệu. Vì vậy rất khó khăn cho công tác thanh tra. Ngày 3/10/2018, thanh tra Bộ đã có công văn số 898 gửi Đại học Đông Đô thông báo về việc hoãn thanh tra năm 2018 đối với trường.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: Liên quan đến vụ việc ĐH Đông Đô, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án và khởi tố đối với 5 bị can. Hiện nay, chúng tôi đang trong thời gian điều tra và sẽ kết luận. Không phải là thanh tra, kiểm tra mà cơ quan chức năng đang tiến hành các biện pháp điều tra để kết luận.
PV Thúy Hòa (báo điện tử VnEconomy): Tôi được biết Chính phủ đang tích cực hoàn thiện Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP để trình Quốc hội kỳ họp tới nhưng trong một phiên họp gần đây của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông có nói suốt 10 năm qua chính sách PPP này loay hoay và hệ lụy đẻ ra rất nhiều dự án BOT giao thông lổn nhổn như chúng ta đã thấy. Dự án thí điểm đầu tiên là Dầu Giây-Phan Thiết, Chính phủ đã làm việc với nhà tài trợ nước ngoài và đồng ý số tiền bảo lãnh lên tới hàng tỷ đô la cho một doanh nghiệp tư nhân là Bitexco làm dự án này. Xin được hỏi thông tin nguyên Thứ trưởng Đông nói có đúng không, nếu đúng thì lý do để Chính phủ làm việc này là gì? Và Luật này có tiếp tục con đường như thế không?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung: Về dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, trước đây là dự án thí điểm đầu tư theo hình thức PPP có sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi đó Dự án này có tổng mức đầu tư khá lớn, khoảng 750 triệu USD. Nhà nước hỗ trợ khoảng 250 triệu USD từ phần vốn bảo lãnh của Ngân hàng Thế giới.
Nhà đầu tư gồm Bitexco và nhà đầu tư thứ 2 sẽ bỏ ra 500 triệu USD, trong đó riêng Bitexco phải bố trí 60%, khoảng 350 triệu USD để thực hiện dự án. Tuy nhiên quá trình đàm phán thực hiện dự án này đã không thành công và đến tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấm dứt việc thí điểm dự án theo cơ chế này.
Hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội để thông qua dự án Luật Đầu tư theo hình thức PPP, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019 và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 9, tháng 5/2020. Dự luật này trên cơ sở kế thừa các quy định hiện nay chúng ta đang có để thực hiện các dự án PPP, trước đây là Nghị định 108, sau đó là Nghị định 15, Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Các nghị định này là khuôn khổ pháp lý để thực hiện các dự án PPP trong suốt thời gian qua, đã thực hiện được 336 dự án PPP, trong đó có 140 dự án BOT.
Mặc dù còn những vấn đề tồn tại nhưng các dự án PPP trong thời gian qua đã góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của đất nước cũng như nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên để hoàn thiện khung pháp lý, Chính phủ nhận thấy hiện khung pháp lý chỉ dừng ở các nghị định nên chưa đảm bảo khung pháp lý cao nhất để điều chỉnh các hoạt động PPP. Thêm nữa các dự án PPP hiện nay chưa có sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nên trong dự luật PPP có đưa ra các cơ chế bảo lãnh như bảo lãnh việc chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh cơ chế chia sẻ rủi ro.
Đây là cơ chế thực sự cần thiết để thu hút được các nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP vì bản chất của dự án PPP là dự án có tính chất đầu tư công nhưng do chúng ta chưa có nguồn lực nên kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân thực hiện và trong tất cả các dự án Chính phủ đều tham gia để đảm bảo khả năng thực hiện dự án hiệu quả. Ví dụ dự án Dầu Giây-Phan Thiết sau khi dừng thí điểm đã được đưa vào một trong 8 dự án thành phần theo hình thức BOT thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam theo Nghị quyết 52 của Quốc hội với tổng mức đầu tư là 14.300 tỷ đồng và Nhà nước tham gia khoảng 2.500 tỷ đồng để đảm bảo phương án tài chính cho dự án.
PV Thành Chung (Soha): Xin hỏi Bộ TN&MT, hiện tại Bộ đã có kết quả kiểm tra, xét nghiệm mẫu sau vụ cháy của Công ty Rạng Đông chưa? Tình trạng nhiễm thuỷ ngân tại khu vực này như thế nào? Nhà máy nước Hạ Đình có nhiễm thuỷ ngân không?
Xin hỏi Bộ Công an sự việc nữ Đại uý cư xử không đẹp ở sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Công an xử lý như thế nào? Có đưa ra khỏi ngành những trường hợp như thế này không?
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân: Ngay sau khi xảy ra vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) ngày 28/8, cơ quan chức năng đã làm hết sức để dập tắt đám cháy. Theo báo cáo của công ty thì lượng thuỷ ngân bị phát tán là 15,1kg, nhưng theo số liệu của các nhà khoa học, thì khối thuỷ ngân bị phát tán khoảng 27,2 kg. Qua kiểm tra, tủ bảo quản chứa almagam được giữ nguyên nên lượng thuỷ ngân bị phát tán nằm trong bóng đèn đã cháy, với khối lượng từ 15,1 – 27,2 kg.
Bộ TN&MT đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) phối hợp với Sở TN&MT Hà Nội tiến hành lấy mẫu phân tích từ 30/8-1/9. Ngay sau đó các đoàn của Bộ Y tế như Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) cũng lấy mẫu và phân tích.
Bộ TN&MT cũng tổ chức 2 cuộc họp (ngày 30/8 và 3/9) lấy ý kiến chuyên gia và Bộ trưởng Bộ TN&MT đã trực tiếp chủ trì, thống nhất các số liệu sau sự cố cháy nổ như sau:
Kết quả so sánh giá trị nồng độ thuỷ ngân với các Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) hiện hành về môi trường cho thấy:
Có 1/12 mẫu nước mặt có giá trị thuỷ ngân (Hg) vượt QCVN 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1,5 km.
Có 1/8 mẫu nước thải có giá trị Hg vượt 2,76 lần tại điểm quan trắc Hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty.
Có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị Hg vượt QCVN. Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1 km có giá trị Hg cao nhất, vượt QCVN 6,1 lần.
Có 1/6 mẫu không khí có giá trị Hg vượt QCVN 1,02 lần tại điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho bị cháy của Công ty.
Kết quả so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và châu Âu, ATSDR Mỹ, Canada cho thấy:
Các điểm quan trắc chất lượng không khí xung quanh: Tổng cục Môi trường đã bố trí 4 vị trí lấy mẫu hấp phụ Hg (bằng bẫy vàng theo công nghệ Nhật Bản) theo hướng phát tán của dòng khí tại vị trí hàng rào của kho sản phẩm bị cháy, tại khoảng cách 200 m, 500 m và 1000 m tính từ hàng rào kho sản phẩm bị cháy. Kết quả cho thấy, trong khoảng từ hàng rào đến khoảng cách 200 m, các mẫu hấp phụ thuỷ ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khoẻ con người tại đô thị).
Các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty phía trước khu cháy (trạm oxy) và trong nhà kho bị cháy có giá trị Hg trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR-Mỹ từ 10 đến 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khoẻ con người).
Có 2/9 điểm quan trắc nước mặt có giá trị Hg nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO ảnh hưởng đến sức khoẻ con người đó là điểm NM-HĐ 02 (hồ Hạ Đình) và điểm TL05 (sông Tô Lịch tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5 km về phía hạ lưu).
Nồng độ Hg quan trắc được trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khoẻ con người theo khuyến cáo của Canada nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của Công ty có hàm lượng Hg cao hơn các vị trí khác.
Do đó có thể thấy vụ cháy xảy ra ở công ty Rạng Đông là sự cố cháy nổ, mất an toàn về hóa chất và môi trường, được đánh giá quy mô ảnh hưởng mức độ trung bình. Tuy nhiên, gây thiệt hại lớn về tài sản và không khí, cũng như nước mặt, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và môi trường xung quanh. Các hoá chất gây tác động chủ yếu là thuỷ ngân và một số kim loại nặng phát sinh trong quá trình cháy. Các chất ô nhiễm này một phần phát tán vào không khí, một phần phát tán vào nguồn nước trong quá trình dập lửa. Từ kết quả phân tích môi trường trên với các khuyến cáo của WHO cho thấy phạm vi có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người dân trong bán kính khoảng 500 m tính từ hàng rào của kho bị cháy.
Về giải pháp: Bộ TN&MT đã tổ chức cuộc họp liên ngành và trước tiên yêu cầu Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng đông, khẩn trương thực hiện các biện pháp cô lập khu vực bị cháy, che chắn hăng mái tôn, phủ bạt tại khu vực bị cháy để tránh nước mưa và không để hơi Hg tiếp tục phát tán ra môi trường đối với chất tàn dư sau vụ cháy, tiến hành thu gom, lưu giữ tạm thời trong các container để tiến hành xử lý theo quy định; phối hợp với các đơn vị có năng lực (như Bộ Tư lệnh Hóa học, Bộ Quốc phòng) để tiến hành tẩy độc khu vực bị cháy.Tiếp tục thống kê chính xác số lượng hàng hoá, nguyên liệu vật liệu sử dụng và bị cháy nổ, đặc biệt là việc sử dụng Hg lỏng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, báo cáo các cơ quan chức năng để tính toán chính xác lượng Hg phát toán ra môi trường. Tổ chức kiểm tra sức khoẻ cho cán bộ, công nhân và người lao động của Công ty.
UBND TP. Hà Nội đôn đốc, hướng dẫn, giám sát Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng đông thực hiện các biện pháp cô lập, cách ly khu vục nhà kho bị cháy theo đúng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được xây dựng, phê duyệt, hướng dẫn Công ty thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý tàn dư của vụ cháy (vật liệu, phế liệu, phế thải, chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại) theo đúng quy định về quản lý chất thải khuyến cáo người dân trong vùng bán kính cách hàng rào nhà kho cháy đến 500m áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng ngừa phơi nhiễm, bảo vệ sức khỏe, tổ chức chế độ theo dõi sức khỏe thường xuyên và định kỳ.
Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường cung cấp thông tin chính thức cho người dân và cộng đồng về các nội dung liên quan đến sự cố cháy nổ; tiếp tục theo dõi, quan trắc diễn biến chất lượng môi trường tại khu vực để giảm thiểu rủi ro môi trường và sức khoẻ cộng đồng đến khi toàn bộ khu vực cháy nổ được thu gom, dọn dẹp hoàn thành.
TP. Hà Nội cần có kế hoạch, tạo điều kiện để di dời toàn bộ hoạt động của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông nói riêng và các nhà máy sản xuất có sử dụng hoá chất độc hại có nguy cơ cháy nổ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô, xa khu dân cư.
Bộ Công Thương rà soát, xác minh các thông tin, số liệu về nhập khẩu và sử dụng hoá chất, Hg của Công ty, công bố chính thức hàm lượng Hg có trong các sản phẩm bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn compact của Công ty để có căn cứ đánh giá khối lượng kim loại nặng, khối lượng Hg phát tán ra môi trường và mức độ ô nhiễm hoá chất do sự cố gây ra.
Bộ Y tế đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng, mức độ ô nhiễm hoá chất ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân; công bố thông tin về kết quả kiểm tra nhiễm độc hoá chất đối với cán bộ, chiến sỹ PCCC và người dân bị ảnh hưởng. Phối hợp với TP. Hà Nội để xây dựng chương trình theo dõi, khám sức khỏe thường xuyên, định kỳ cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với người dân sinh sống trong phạm vi bán kính 500m tính từ hàng rào của Công ty.
Bộ TN&MT tiếp tục hỗ trợ TP. Hà Nội thực hiện khảo sát, đánh giá phạm vi và mức độ ô nhiễm môi trường để đưa ra các yêu cầu về thu gom, xử lý các loại chất thải nguy hại (nhiễm Hg) phát sinh do vụ cháy; hướng dẫn Công ty lập phương án xử lý, cải tạo khu vực bị ở nhiễm tồn lưu Hg (nêu có); tiếp tục tổ chức quan trắc một số đợt để đánh giá khả năng phát tán bay hơi của thủy ngân trong môi trường không khí xung quanh khi trời nắng.
Viện Hàn lâm Khoa học - công nghệ Việt Nam mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia phối hợp với Tổng cục Môi trường thiết lập mô hình giảm sát ô nhiễm môi trường, quan trắc online về Hg trong khu vực nhằm kiểm soát những tồn dư của Hg sau sự cố có ảnh hưởng, tác động đến môi trường và sức khỏe con người.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã kịp thời đình chỉ công tác và sẽ có xử lý đúng quy định những hành vi sai phạm của Đại úy Hiền.
PV Trần Vương (báo Lao động): Vụ việc Asanzo Thủ tướng giao Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xác minh thông tin đúng sai trước ngày 30/8. Đến nay thông tin xác minh vụ việc này tới đâu? Thủ tướng có gia hạn thời gian xác minh thêm về vụ việc này không? Quy chuẩn hàng Made in Vietnam được Bộ Công Thương lấy ý kiến và góp ý, xin được hỏi bao giờ ban hành quy định này?
Vừa qua lãnh đạo Sóc Trăng đã báo cáo Bộ Nội vụ về việc bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng Ban Dân vận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức đám cưới hoành tráng cho con trai. Lãnh đạo tỉnh này đã báo cáo Ban Bí thư và chờ cấp trên quyết định hình thức xử lý kỷ luật tiếp theo. Xin hỏi lãnh đạo Bộ Nội vụ, Sóc Trăng đã báo cáo về việc này như thế nào?
Tại 3 kỳ họp gần đây, các báo cáo của Bộ Công an đều đề nghị làm rõ dự án nhà của các cán bộ công an nhân dân 9 năm chưa xong. Bộ đã trả lời quyết định thanh tra dự án để làm rõ phản ánh của các cán bộ. Hiện nay kết quả điều tra như thế nào, xin Bộ Công an cho biết?
PV báo Tuổi trẻ: Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc Asanzo nhập hàng từ nước ngoài về gắn mác Made in Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, xin cho biết nội dung báo cáo kết quả xử lý vụ việc thế nào? Thời gian tới liệu có khởi tố Asanzo vi phạm xuất xứ hàng hóa Việt Nam hay không?
Mới đây Tòa án cấp cao đã có bản án cáo buộc Asanzo gỡ nhãn hiệu Asanzo vì vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ khi làm nhái nhãn hiệu Asanzo của công ty Đông Phương tại Hà Nội. Tuy vậy nhãn hiệu Asanzo vẫn tiêu thụ trên thị trường. Thời gian tới nhãn mác Asanzo sẽ xử lý như thế nào?
Đầu tháng 9, Bộ Giao thông vận tải đã có kết quả sơ tuyển nhà đầu tư tuyến cao tốc Bắc Nam. Kết quả sơ tuyển có bao nhiêu nhà đầu tư trong nước, bao nhiêu nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia nào tham gia trúng sơ tuyển dự án này? Bộ đánh giá thế nào về thành công khi tổ chức đấu thầu 8 dự án BOT này mà nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn không tham gia?
Đại diện Bộ Tài chính: Về kiểm tra xác minh thông tin báo chí về vụ việc Asanzo, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thường trực 389 quốc gia đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 485 ngày 25/6/2019 về việc kiểm tra xác minh thông tin báo chí phản ánh về Công ty CP Điện tử Asanzo. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giao cơ quan chức năng của Bộ Tài chính cũng như Văn phòng Ban Chỉ đạo thường trực 389 quốc gia thực hiện các nội dung. Hiện nay Bộ Tài chính đã thực hiện đầy đủ nội dung theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Về kiểm tra xác minh thông tin báo chí xung quanh vụ việc Asanzo, Bộ Công Thương hiện đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện đúng chức năng, quyền hạn, chức trách được giao.
Về tiêu chuẩn hàng Made in Vietnam cũng như hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam, ngày 14/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định về ghi nhãn hàng hóa, trong đó cũng có thông tin về xuất xứ hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì soạn thảo). Tuy nhiên, khi Nghị định này được ban hành vẫn còn thiếu một số quy định thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam (Made in Việt Nam).
Ngày 29/6/2018, Bộ Công Thương đã có Tờ trình báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu, xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về việc xác định như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam". Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiến hành phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan và đã hoàn thành dự thảo ban đầu dưới hình thức Thông tư và đã đăng tải để lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng có liên quan.
Bộ Công Thương cũng đã tổ chức một buổi gặp mặt xin ý kiến của các nhà báo, phóng viên báo chí có quan tâm. Thông tư này có đối tượng tác động rất rộng, nội dung tương đối phức tạp, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của đông đảo người dân và doanh nghiệp cũng như các đối tượng có liên quan. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp. Chúng tôi sẽ ban hành thông tư này trong thời gian sớm nhất với mục đích đảm bảo hướng cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có xuất xứ rõ ràng, quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: Về dự án nhà ở chiến sĩ công an, mới đây Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan thanh tra của Bộ Công an kiểm tra về quá trình lập dự án, thực hiện để có kết luận chuẩn, vì dự án này đã trải qua 9 năm, qua các thời kỳ của các lãnh đạo với các quy định từng các thời kỳ. Chúng tôi sẽ sớm kết luận để thông báo, đảm bảo quyền lợi của các cán bộ chiến sĩ, và sẽ xử lý những người vi phạm nếu có.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng: Phiên họp báo Chính phủ tháng 7 đã đề cập, Bộ Nội vụ cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Ngay sau họp báo, ngày 2/8/2019, Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Sóc Trăng báo cáo về vụ việc này nhưng đến nay chưa nhận được báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng. Ngày 25/8, báo chí nêu đồng chí Vi Văn Thông, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh Sóc Trăng đưa thông tin Thường vụ Sóc Trăng xem xét kỷ luật, rút kinh nghiệm. Theo quan điểm của Bộ Nội vụ, khi nhận được báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng và theo thẩm quyền quản lý cán bộ đối với đồng chí Đào, Bộ Nội vụ sẽ có trách nhiệm trao đổi với Ban Công tác đại biểu Quốc hội để xem xét, báo cáo cấp thẩm quyền xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông: Về kết quả sơ tuyển dự án cao tốc Bắc Nam, quá trình sơ tuyển bắt đầu từ tháng 5/2019 Ban quản lý dự án đã mở hồ sơ sơ tuyển, tháng 7/2019 nhận hồ sơ các nhà đầu tư. Hiện tại Ban quản lý dự án đã thành lập hội đồng thanh tra, báo cáo kết quả lên Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, quá trình đánh giá, thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo chế độ hồ sơ mật, không cung cấp cụ thể được.
Dự án đầu tư cao tốc Bắc Nam đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 22, các phân loại đầu tư đã được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng đảm bảo cho khai thác khi xây dựng xong, hiệu quả đảm bảo kết nối các tuyến đường, và có khả năng thu hồi vốn.
Trên cơ sở thiết kế tính toán tổng mức đầu tư, từ đó xác định quy mô đầu tư của con đường và trên cơ sở đó theo quy định của pháp luật thì vốn điều lệ phải 20% tổng mức đầu tư. Vì vậy vốn đầu tư dự án đường cao tốc ở mức khá cao. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư trong nước cũng có khả năng tham gia, cũng như họ phải liên kết tham gia một số dự án nhất định trong quá trình đầu tư và thực tế chúng ta đã nhận được một số hồ sơ liên kết của các nhà đầu tư trong nước.
PV Hoài Thu (Zing.vn): Liên quan đến sự việc bé trai 1 tuổi tử vong bị bỏ quên trên xe buýt của trường Gateway, trên mạng xã hội cùng thời gian đó hằng ngày cung cấp rất nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, thậm chí có những người nhẫn tâm ghép ảnh cháu bé đã mất vào một học sinh khác để chứng minh cháu bé không tử vong trên xe đưa đón. Bộ Công an có nắm được và chủ trương xử lý người đưa tin sai sự thật không?
Vừa qua báo chí phản ánh việc ông Đặng Hoàng Đa, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, lạm dụng quỹ sản xuất của đơn vị để chi cho tiếp khách, quà biếu khiến cán bộ bức xúc, gửi đơn thư nhiều nơi. Công an tỉnh Sóc Trăng kết luận ông Đa có sai phạm nhưng do ông Đa hiện là Cục phó Cục Xây dựng phong trào của Bộ Công an nên thẩm quyền xử lý không thuộc công an tỉnh. Vậy xin hỏi Bộ Công an đã nhận báo cáo của Công an tỉnh Sóc Trăng về vụ việc này chưa và Bộ đã xử lý như thế nào?
Xin Bộ Công an cung cấp thông tin cập nhật về tiến độ điều tra và xử lý vụ Nhật Cường?
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: Theo chỉ đạo của Bộ Công an, cơ quan điều tra của Công an Hà Nội đang phối hợp với các ban ngành, Viện Kiểm sát điều tra vụ việc trường Gateway theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Khi có kết quả điều tra chúng tôi sẽ thông tin đầy đủ.
Bộ Công an đã nhận được thông tin về đồng chí Đa và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ xác minh thông tin đã nhận được để kết luận và sẽ trả lời. Nếu có các hình thức sai phạm sẽ xử lý theo quy định.
Về tiến độ vụ án Nhật Cường, Bộ Công an đang phối hợp với các cơ quan chức năng, Viện Kiểm sát, đã khởi tố với 3 tội danh và hiện nay vẫn đang trong thời gian điều tra, sẽ có kết luận đảm bảo đúng người, đúng tội, xử lý theo quy định của pháp luật.
PV Minh Đức (báo Người tiêu dùng): Xin hỏi Bộ Y tế về việc ngày khai giảng năm học mới đã đến nhưng Thông tư quy định về sữa tươi chương trình Sữa học đường vẫn chưa được ban hành, trong khi đó đây là cơ sở pháp lý để các địa phương, trường học căn cứ thực hiện. Xin hỏi lý do chậm ban hành là gì? Cơ sở khoa học pháp lý của việc đưa 24 vi chất vào sản phẩm sữa trong chương trình Sữa học đường là gì?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Chương trình Sữa học đường được Chính phủ phê duyệt ngày 8/7/2016 và sau 2 tháng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5450 quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi trong Chương trình, sau đó Bộ Y tế đã gửi nhiều văn bản đến các địa phương để thực hiện Quyết định 5450. Cho đến hiện tại, đã có gần 20 tỉnh, thành phố đưa Chương trình Sữa học đường vào thực hiện, các tỉnh khó khăn như Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn vẫn dành một phần kinh phí của địa phương thực hiện chương trình.
Cho đến nay, việc triển khai Quyết định 5450 đã có cơ sở để địa phương quan tâm, thực hiện Chương trình Sữa học đường dựa vào đó lựa chọn các loại sữa đảm bảo chất lượng cho Chương trình. Trong thời gian chờ đợi Thông tư ban hành, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình.
Về quá trình xây dựng Thông tư, từ 2017, Bộ Y tế đã giao các đơn vị chuẩn bị dự thảo ban hành Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên quá trình này không thể làm ngắn gọn được vì liên quan đến việc bổ sung 21 vi chất theo đề nghị của Viện Dinh dưỡng, việc bổ sung vi chất này đòi hỏi có cơ sở khoa học, nghiên cứu để đánh giá tác dụng của các loại vi chất này với sức khoẻ của “lứa tuổi vàng” của dân tộc. Trải qua 1 thời gian lấy ý kiến, ngày 22/8/2019, Bộ Y tế đã làm việc với các doanh nghiệp sữa, Hiệp hội Dinh dưỡng, Hiệp hội Thực phẩm chức năng… Sau khi lắng nghe Bộ trưởng có quan điểm như sau:
Bộ Y tế khi ban hành văn bản quản lý Nhà nước sẽ hướng đến quyền lợi của người dân, tính khoa học, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi. Chương trình Sữa học đường phải mang lại tính an toàn, hiệu quả của sản phẩm. Bộ Y tế ủng hộ chủ trương bổ sung vi chất vào sản phẩm sữa sử dụng trong Chương trình Sữa học đường và sẽ sớm ban hành Thông tư trong tháng 9/2019. Theo Thông tư này, sản phẩm sữa tươi có 2 loại được ưu tiên là sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng. Còn 2 nhóm sữa tươi thanh trùng không được lựa chọn bởi thời gian bảo quản không đảm bảo với khu vực vùng sâu vùng xa.
Về vi chất, Bộ Y tế đã giao Viện Dinh dưỡng có báo cáo cấp Bộ về vấn đề này. Nếu đến thời điểm ban hành Thông tư vẫn chưa có báo cáo, dữ liệu khoa học chứng nhận được tác động có lợi của 21 vi chất thì chúng tôi vẫn ban hành Thông tư, trước mắt bổ sung 3 vi chất nằm trong Quyết định 1300 của Thủ tướng là vi chất sắt, canxi và vitamin D, đồng thời tiếp tục giao Viện Dinh dưỡng nghiên cứu các vi chất còn lại để bổ sung vào sau.
Tiếp theo Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ ngành, các ban của Quốc hội để tổng hợp, thống kê, đánh giá toàn bộ Chương trình Sữa học đường.