In bài viết

Nội dung tọa đàm: ‘Đạo đức lối sống hiện nay nhìn từ các vụ bạo lực gia đình’

(Chinhphu.vn)- Ngày 1/10, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đạo đức lối sống hiện nay nhìn từ các vụ bạo lực gia đình”.

03/10/2019 14:25

Các vị khách mời tọa đàm. Ảnh: VGP/Mai Trinh

Tham gia buổi tọa đàm có các vị khách mời:

-Ông Bùi Hoài Sơn, đại diện lãnh đạo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ VHTT&L;

-Ông Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an.

Nội dung tọa đàm:

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc bạo hành cũng như giải quyết mâu thuẫn giữa anh em, vợ chồng…  trong gia đình liên tiếp xảy ra, gây nên những vụ án mạng đau lòng. Ông đánh giá, chia sẻ như thế nào về vấn đề này, thưa ông Bùi Hoài Sơn?

Ông Bùi Hoài Sơn: Theo thống kê của Bộ VHTT&DL, trong năm 2018 có khoảng 20.000 vụ bạo lực gia đình, trong đó cứ 2-3 ngày có 1 người chết vì bạo lực gia đình, phần đông nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.

Những vụ bạo lực gia đình thời gian vừa qua cũng muôn hình muôn vẻ, đây là thực trạng đáng buồn, đáng báo động. Chúng ta nghĩ rằng gia đình là tổ ấm, là tế bào của xã hội, nơi mà khi gặp bất kỳ khó khăn gì, chúng ta luôn có thể hướng về. Nhưng khi nơi mà ta hướng về đó lại không phải là nơi an bình, không phải là nơi hạnh phúc nữa, thì đó là điều rất đáng buồn. Những vấn đề của gia đình phần nào đang phản ánh vấn đề của xã hội mà chắc chắn chúng ta cần phải giải quyết bắt đầu từ gia đình.

Thưa ông Đào Trung Hiếu, từ góc độ chuyên gia ông có những chia sẻ như thế nào về vấn đề này?

Ông Đào Trung Hiếu: Theo thống kê của Bộ Công an, một năm ở Việt Nam xảy ra khoảng 1.200 vụ giết người, trong đó 90% là do nguyên nhân xã hội. Số lượng các vụ án mạng xảy ra trong gia đình chiếm từ 18-20%, đây là con số rất cao.

Cũng theo một thống kê của Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL), ở nước ta mỗi năm xảy ra khoảng 20.000 vụ bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình diễn ra ở nhiều khía cạnh: Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục… Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Bạo lực gia đình đang có diễn biến phức tạp và nó phản ánh vấn đề bất thường của xã hội, nó phản ánh xu hướng bạo lực trong cách hành xử trong cộng đồng đang gia tăng. Có thể đánh giá thông qua các vụ bạo hành gia đình, các vụ thảm án vừa diễn ra gần đây đã báo động sự xuống cấp đạo đức xã hội.

Chúng tôi hay dùng hình ảnh đối tượng Nguyễn Văn Đông (trong vụ thảm sát ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) vung dao sát hại gần như cả gia đình người em trai để đặt dấu hỏi về nhân tình thế thái “Sao lại có thể như vậy được?”.

Nếu trong một xã hội mà đạo đức xã hội được tôn trọng, một nền văn hóa duy trì được giá trị nhân văn thì bản thân nền đạo đức xã hội đó có khả năng, có sức mạnh điều chỉnh hành vi của các thành viên trong cộng đồng tuân theo các chuẩn mực chung của đời sống. Bất cứ ai có hành xử ngược lại với chuẩn mực này đều bị cộng đồng lên án, tẩy chay, buộc thành viên đó tự điều chỉnh hành vi của mình.

Chúng tôi cho rằng chúng ta cần phải có sự mổ xẻ rất kỹ để tìm ra giải pháp để có thể hạn chế được tình trạng bạo hành, bạo lực gia đình.

Vậy những yếu tố tiêu cực tác động lên hành vi bạo hành, bạo lực đó là gì? Ông có thể phân tích kỹ hơn về tâm lý của những người có hành vi bạo lực, bạo hành vi phạm pháp luật qua những vụ việc đã xảy ra?

Ông Đào Trung Hiếu: Có thể thấy bạo lực trong gia đình thường xuất phát từ những nguyên nhân rất nhỏ nhặt trong đời sống chung như va chạm, xích mích, ghen tuông, tranh chấp tài sản thừa kế, đất đai…

Chúng tôi cho rằng khi bị mắc vào cuộc xung đột gia đình dẫn đến bạo lực thì phản ứng tâm lý chung của các đối tượng phạm tội trước hết là trong trạng thái nóng giận, hành vi phạm tội đôi khi mang tính nhất thời, manh động, bột phát, chứ ít người dự mưu từ trước để gây hại cho người thân. Nhưng trong quá trình xung đột, do thiếu kỹ năng làm chủ cảm xúc bản thân, thiếu khả năng kiềm chế, bản thân những người trong cuộc có tác động vào làm cho đối tượng bùng phát cơn nóng giận và gây tội ác với người thân của mình. Sau đó, thường là các đối tượng ân hận.

Chúng tôi đã điều tra trọng án rất nhiều năm và đã bắt những đối tượng giết người nhà, sau đó họ đều cảm thấy ân hận. Đây là hành vi xuất phát từ nhân cách lệch lạc, do sự thoái hóa nhân cách từ trước đó tích tụ lâu ngày rồi dẫn đến hành vi bạo lực với người thân của mình.

Sự phân hóa giàu - nghèo cũng được nhìn nhận là một nguyên nhân làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội. Những vụ việc nói trên cũng phản ánh một sự thực là những mối quan hệ xã hội, gia đình đang bị tác động mạnh, có biểu hiện của sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức cá nhân. Ông có những chia sẻ gì về vấn đề này, thưa ông Sơn?

Ông Bùi Hoài Sơn: Tối  nhất trí với anh Hiếu về những động cơ cá nhân trong vụ việc liên quan đến gia đình. Còn phía chúng tôi, những người công tác trong lĩnh vực văn hóa xã hội xin bổ sung cho những vấn đề như trên, đó là có những câu chuyện bị yếu tố kinh tế tác động.

Ví dụ trước đây gia đình chúng ta khác, bây giờ gia đình chúng ta khác, mỗi giai đoạn khác nhau của gia đình sẽ tác động đến văn hóa gia đình, tác động đến tâm lý, ý thức của các thành viên trong gia đình. Trước đây giáo dục văn hóa trong gia đình được mở rộng từ ông bà, cô chú, văn hóa gia đình được truyền từ đời này sang đời khác một cách tương đối yên bình. Ngày nay nhu cầu kiếm sống, nhu cầu về kinh tế quá lớn, dẫn đến hiện tượng bố mẹ đều lao vào việc kiếm tiền, thời gian dành cho công việc, dành cho nghề nghiệp chiếm phần lớn hơn thời gian để giáo dục con cái. Gia đình mở rộng thu hẹp thành gia đình hạt nhân dẫn đến nhiều hiện tượng con cái bơ vơ, giáo dục trong gia đình bị xem nhẹ, hay là yếu tố tác động của các phương tiện truyền thông mới hoặc những yếu tố tác động khác khiến cho văn hóa gia đình của chúng ta bị hẫng hụt.

Khi văn hóa gia đình mất đi những yếu tố giáo dục truyền thống tốt đẹp của gia đình hay vai trò làm gương của bố, mẹ dẫn đến người con bị lạc lối trong chính gia đình của mình. Khi mất định hướng ngay trong chính gia đình của mình, niềm tin, giá trị bị lung lay sẽ dẫn đến hậu quả mà chúng ta đã thấy trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng tiêu cực từ xã hội, từ yếu tố kinh tế, văn hóa, giáo dục.. đối với gia đình trong thời gian vừa qua rất rõ những sự rối loạn, dẫn đến những hiện tượng mà chúng ta đã thấy.

Nếu những hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội giảm bớt đi, những yếu tố tốt đẹp trong gia đình được phát triển tốt hơn, tôi nghĩ rằng những hiện tượng tiêu cực sẽ giảm.

Các vụ việc dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn không chỉ xảy ra ở thành phố lớn mà còn xảy ra ở cả vùng nông thôn. Vì sao yếu tố bạo lực luôn được dùng để giải quyết mâu thuẫn, thưa ông Hiếu?

Ông Đào Trung Hiếu: Trước hết xuất phát từ thực tế, tôi cảm giác hiện ngay người Việt ngày càng trở nên khó kiềm chế. Khi va chạm giao thông là có thể xảy ra xô xát, khi cãi cọ cũng vậy.

Trong những năm vừa qua, bên cạnh thành tựu của kinh tế thị trường đem lại cho đời sống xã hội, vẫn còn tồn tại những những tiêu cực. Với địa bàn nông thôn, nhìn chung còn khó khăn, kinh tế, thu nhập không ổn định, tạo ra áp lực, sự bức bối, đè nén trong tâm lý người dân, cộng thêm trình độ dân trí có hạn chế, rồi thiếu việc làm. Bên cạnh đó những tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại dai dẳng trong đời sống, những định kiến trong các gia đình như trọng nam khinh nữ, quyền gia trưởng….

Ở những làng quê truyền thống thì nay đã có phần chịu ảnh hưởng từ cuộc sống hiện đại khiến nhịp sống, phong tục tập quán thay đổi… Chính vì vậy, trong đời sống của người dân nông thôn, đặc biệt là gắn với những chuyện tranh chấp đất đai, phát sinh tranh chấp trong nội bộ gia đình khiến bạo lực phát sinh.

Vụ án tranh chấp đất đai dẫn dến giết người ở Đan Phượng, Hà Nội vừa qua là một trong số ví dụ của tình trạng bạo lực ở nông thôn. Tôi cho rằng bạo lực ở vùng nông thôn đang diễn biến rất phức tạp.

Nhiều biểu hiện của đạo đức, văn hóa, phù hợp và chưa phù hợp được lan truyền nhanh qua mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng, khiến sự mâu thuẫn về quan điểm sống giữa các thế hệ ngày càng lớn, rất dễ dẫn đến những xung đột. Không ít người còn ủng hộ việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Vậy các cơ chế quản lý, pháp luật của chúng ta có những quy định như thế nào để định hướng con người hướng đến giá trị đạo đức tốt đẹp?

Ông Bùi Hoài Sơn: Thứ nhất, bối cảnh giá trị đạo đức hiện nay đang gặp rất nhiều thách thức. Tôi muốn nhấn mạnh những thách thức về mặt giá trị trong xã hội. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã nói, chúng ta đang sống trong một giai đoạn chuyển đổi. Điều này sẽ tạo nên các giá trị đạo đức mới trong khi giá trị đạo đức cũ chưa mất hẳn. Điều này dễ dẫn đến một giai đoạn chúng ta bơ vơ, bỡ ngỡ do chưa biết đi theo giá trị nào. Khi các định hướng về giá trị vốn để định hướng con người trong cách sống, suy nghĩ, cách làm việc… lại không được định hình rõ dẫn đến rối loạn ở trong xã hội nhất định.

Thứ hai có một phần lỗi của truyền thông. Các phương tiện truyền thông mới là những điều rất mới mẻ đối với xã hội chúng ta, khác rất nhiều so với phương tiện truyền thông cũ. Có nhiều cách để xử lý với phương tiện truyền thông cũ nhưng với các phương tiện truyền thông mới, chúng ta là những người mới. Không chỉ với nước ta, các nước trên thế giới cũng đang đối mặt với câu chuyện làm thế nào để xử lý được vấn đề liên quan đến truyền thông mới. Những phương tiện truyền thông mới có nhiều mặt tiêu cực, chẳng hạn hiện tượng “Khá Bảnh”.

Những điều tốt chưa hẳn sẽ lan truyền nhanh trong khi thực tế chúng ta thấy rất nhiều điều xấu lan truyền nhanh hơn. Nhưng trong bối cảnh xã hội trước đây, chúng ta có thể khống chế, kiểm soát được những thông tin xấu và đưa ra được những giải pháp tốt.

Trong bối cảnh tất cả mọi người đều có thể trở thành… "nhà báo", tất cả mọi người đều có thể đưa tin, các cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông cũ nếu không khéo thì việc phê phán đối với hành vi, hành động phản cảm là việc tiếp tay cho trò phản cảm đó. Đây là điều truyền thông chúng ta đang gặp phải.

Thứ ba, tôi đồng ý với anh Hiếu rằng câu chuyện luật pháp rất quan trọng. Tuy nhiên chỉ luật pháp thôi chưa đủ. Có những luật pháp rất phù hợp với các nước phương Tây, nhưng ở Việt Nam chưa chắc đã phù hợp.

Chúng ta đang bàn về gia đình, trong văn hóa gia đình của chúng ta, cách chúng ta chiều dạy con, chăm sóc con rất khác so với xã hội phương Tây. Ở Viêt Nam ứng xử theo kiểu: “Yêu cho roi cho vọt”, ở phương Tây nếu áp dụng theo cách này, chúng ta sẽ vi phạm luật.

Mọi áp dụng luật pháp từ nước ngoài hay luật pháp thuần túy không tính đến yếu tố văn hóa sẽ không giải quyết được vấn đề. Điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh là việc thực thi luật pháp. Luật pháp của chúng ta tốt, thậm chí có những luật pháp chúng ta thuộc hàng tiên tiến trên thế giới, đứng đầu trên thế giới về các văn bản pháp luật. Tuy nhiên thực thi pháp luật hiện nay đang có vấn đề.

Trong thực thi luật pháp, nhiều khi chế tài luật pháp không đủ mạnh dẫn đến luật pháp trở thành “một điều hài hước” như xử  vụ quấy rối tình dục (cụ thể là vụ việc cưỡng hôn ở trong thang máy bị phạt 200.000 đồng).

Trong xử phạt, khi người dân vi phạm nhiều quá nhưng không ai xử phạt. Ví dụ việc hút thuốc lá ở trong nhà hàng không ai bị phạt. Những trường hợp này gọi là nhờn luật.

Tình trạng nhờn luật ở các hành vi trong gia đình có rất nhiều. Vì vậy những hành vi vi phạm pháp luật, lặp lại nhiều lần nhưng không được xử phạt, dẫn đến hành vi trở nên phổ biến, không thể chấm dứt.

Tất nhiên vẫn còn nhiều nguyên nhân, nhưng chúng ta có thể thấy đang tồn tại các vấn đề nếu trên, từ đó chúng ta phải đưa ra được các giải pháp đồng bộ, không chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình, giải pháp phải xuất phát từ gia đình, xã hội, các đoàn thể xã hội, kinh tế, pháp luật… Chỉ khi các giải pháp được thực hiện đồng bộ, chỉ khi chúng ta quyết tâm thực hiện, từ vấn đề về luật đến thực thi, kiểm tra giám sát thì chúng ta mới hy vọng rằng những bất cấp trên mới được giải quyết trong thời gian sắp tới.

Dưới góc độ nghiên cứu về tội phạm, ông nhận định thế nào về tính chất, phương thức của những vụ việc xảy ra thời gian qua?

Ông Đào Trung Hiếu: Khi thực hiện hành vi phạm tội, trong sâu thẳm nội tâm đối tượng tội phạm là sự ích kỷ cao độ, cái tôi cao độ. Coi trọng giá trị vật chất, tuyệt đối hóa giá trị cá nhân và coi nhẹ giá trị đạo đức, giá trị truyền thống gia đình Việt Nam.

Ở một người có văn hóa, giáo dục tốt thì không thể vì nửa mét đất mà chém cả nhà người em. Đây phải là sự ích kỷ cao độ của đối tượng có khí chất nóng nảy, hung hãn.

Nhiều người cho rằng đối tượng Nguyễn Văn Đông (trong vụ việc xảy ra ở huyện Đan Phượng, Hà Nội), đối tượng Bùi Xuân Hồng (trong vụ việc xảy ra ở Thái Nguyên) đã lớn tuổi. Chúng tôi cho rằng những người đã có độ tuổi nhất định nhưng sự tác động tiêu cực trong môi trường sống vẫn có thể làm cho họ thay đổi nhận thức, thay đổi định hướng giá trị. Có thể ban đầu con người coi trọng các giá trị gia đình nhưng dần dần cuộc sống va đập khiến người ta thấy rằng đồng tiền mới có giá trị, người ta đi theo tiếng gọi vật chất. Khi con người cảm thấy không được tôn trọng, cái tôi vị kỷ quá lớn thì con người sẵn sàng dùng sức mạnh thể chất, dùng bạo lực để bảo vệ cái tôi của mình bằng cách thực hiện hành vi nguy hiểm cho người thân của mình.

Từ những chia sẻ của ông Sơn, theo ông Hiếu thì nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những vụ việc có tính chất bạo lực, bạo hành, gây ra những vụ việc đáng tiếc thời gian qua là gì?

Ông Đào Trung Hiếu: Thông qua đánh giá các vụ trọng án xảy ra trong gia đình, các vụ bạo lực gây ra án mạng, như tôi phân tích ban đầu, người phạm tội chủ yếu gây án trong lúc tinh thần bị kích động, có những bức xúc về tâm lý cần giải tỏa và người ta chọn bạo lực là phương pháp để giải tỏa bức xúc ấy. Sau khi gây ra hành vi vi phạm pháp luật, các đối tượng đều rất ân hận.

Thế nhưng để đi đến quyết định vung dao vào người thân của mình thì đó là kết quả của suy thoái nhân cách. Sự suy thoái tồn tại lặng lẽ qua ngày, tháng. Dưới góc độ nghiên cứu của tội phạm học, nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật đó là sự tương tác giữa các yếu tố tiêu cực trong môi trường sống với các đặc điểm tâm lý cá nhân bên trong, đây là giai đoạn thứ nhất. Ở giai đoạn thứ hai, sự tương tác giữa các đặc điểm tâm lý bên trong với các tình huống cụ thể trong đời sống và phát sinh tội phạm. Sự tác động từ môi trường sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách lệch lạc. Từ nhân cách lệch lạc, khi tương tác trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể thì hình thành tội phạm.

Tôi  tán thành ý kiến của anh Sơn, có rất nhiều khía cạnh tác động đến quá trình hình thành nhân cách con người, tác động đến quá trình định hướng giá trị trong các gia đình, các hành vi bạo lực. Hành vi tội ác là kết quả của sự suy thoái chứ không phải do tranh chấp đất đai, do ghen tuông tình ái hay do những bực tức trong đời sống. Chúng tôi cho rằng đây chỉ là những tình huống bất lợi có nguyên nhân chính là sự suy thoái về đạo đức.

Sự suy thoái văn hóa, suy thoái đạo đức là nguồn cơn của tội ác. Chúng ta cần phải nhận diện các yếu tố tiêu cực tác động đến quá trình hình thành nhân cách của các thành viên trong gia đình hiện nay và tìm cách khắc phục những hạn chế đó.

Định hướng của chúng ta là phát triển kinh tế là trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhưng có lẽ không ai không băn khoăn lo lắng khi sự xuống cấp về đạo đức vẫn cứ diễn ra. Tội phạm xã hội ngày càng gia tăng về số lượng và về tính chất nguy hiểm. Chúng ta đã có những giải pháp, hoạt động gì cụ thể hóa các chủ trương trên để phát triển và gìn giữ văn hóa, đạo đức?

Ông Bùi Hoài Sơn: Trên thực tế, có nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa. Ví dụ, quan điểm của Đảng gần đây nhất là Nghị quyết số 33 ngày 19/06/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây là chiến lược rất quan trọng khi chúng ta gắn kết được văn hóa và con người, văn hóa là sản phẩm của con người, con người là sản phẩm của văn hóa, đây là hai mặt không tách rời.

Chúng ta đã hình thành nên hệ thống quan điểm như: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế xã hội; văn hóa là hệ điều tiết của sự phát triển xã hội … Từ quan điểm chung của Đảng hình thành nên các kế hoạch phát triển văn hóa của Nhà nước. Chúng ta từng có chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020. Vì vậy, đến năm 2021, chúng ta phải có chiến lược phát triển văn hóa mới, chiến lược đến năm 2030.

Trong lĩnh vực văn hóa, ngành văn hóa cùng với Quốc hội, Chính phủ ban hành hàng loạt luật để có chế tài cho các lĩnh vực cụ thể, sắp tới đây sẽ có luật thư viện, luật điện ảnh, luật di sản văn hóa … đó là những hành lang pháp lý tốt cho sự phát triển văn hóa xã hội. Gần đây, cập nhật tình hình thế giới, chúng ta có chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để chúng ta xây dựng nên  hệ thống sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa tạo động lực cho sự phát triển của đất nước.

Chúng ta mong muốn đưa các yếu tố sáng tạo, không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, mà còn lan tỏa sang các lĩnh vực khác, để đất nước là đất nước của sáng tạo, khởi nghiệp. Những yếu tố đó, từ văn hóa, sẽ lan tỏa ra các lĩnh vực khác. Văn hóa không chỉ là mục tiêu, mà còn là động lực để phát triển kinh tế xã hội. Chính sách của chúng ta có rất nhiều, thế nhưng làm sao để chính sách đi vào thực tế của cuộc sống, để văn hóa là hệ điều tiết cho sự phát triển của xã hội.

Chúng ta đã nói rất nhiều về nền tảng đạo đức, từ việc giáo dục đạo đức từ trong gia đình, nhà trường, xã hội… Theo ông, đâu là vấn đề cốt lõi cần được quan tâm trong thời gian tới để ngăn ngừa, hạn chế các thảm án trong bối cảnh hiện nay, đồng thời nâng cao đạo đức và hoàn thiện nhân cách mỗi người?

Ông Đào Trung Hiếu: Chúng ta có những khung pháp lý để điều chỉnh, xây dựng một gia đình văn hóa, chính sách đã có, việc tổ chức thực hiện sao cho nghiêm túc. Tăng cường việc xây dựng văn hóa, tăng cường sự yêu thương đoàn kết gắn bó. Người lớn thì nêu gương, nêu cao gia phong gia đạo, duy trì nề nếp gia đình Việt Nam, xây dựng các tổ chức tự quản dòng họ. Nhiều vùng quê đã tổ chức rất hiệu quả tự quản dòng họ, có tác dụng tốt trong việc điều tiết xung đột mâu thuẫn trong từng gia đình thông qua cơ chế dòng họ.

Xây dựng các cộng đồng dân cư an toàn, câu chuyện về hương ước, lệ làng, phục dựng những quy định tiến bộ, phù hợp đời sống mới, rất có tác dụng trong việc xây dựng những cộng đồng dân cư an toàn. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, với các hình thức phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền. Cần tránh nói khơi khơi mà phải thông qua các thiết chế cơ sở, tổ chức xã hội, đoàn thể. Chúng ta phải đi vào từng phân khúc, bộ phận để các hình thức tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với đời sống người dân.

Kiện toàn các tổ chức hòa giải ở cơ sở là một thiết chế hết sức quan trọng trong việc tháo ngòi nổ các xung đột. Các vụ bạo lực đều có các dấu hiệu lâm sàng trước đó, biểu hiện ra ngoài bằng các vụ cãi vã, đánh chửi nhau nho nhỏ. Nếu những người xung quanh, tổ chức hòa giải phát hiện sớm, kịp thời khuyên can, tư vấn, tìm giải pháp, dàn xếp giúp cho các thành viên trong gia đình bình tĩnh trở lại, tìm ra các giải pháp hòa giải theo đúng pháp luật.

Tiếp theo là công tác giáo dục ở nhà trường, chúng ta phải tăng cường vấn đề dạy người. Một thời gian dài, chúng ta quan tâm nhồi nhét kiến thức, dạy chữ, bỏ bẵng câu chuyện dạy người. Đây là bồi dưỡng kỹ năng sống trên ghế nhà trường, từng cấp học một, tăng cường dạy cách ứng xử và kỹ năng xử lý tình huống trong cuộc sống, cách điều tiết, kiểm soát cảm xúc, tìm đến các công cụ để giải quyết câu chuyện của mình. Đây là điều mà các em học sinh rất cần để khi vào cuộc sống, các em cần có sẵn kỹ năng đó.

Cuối cùng, là tăng cường công tác của các ngành chức năng, đặc biệt là ngành công an, trong việc răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung những đối tượng gây rối, bạo lực. Đây là một hệ thống giải pháp cần triển khai đồng bộ, không thể khoán trắng cho ngành nào cả, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan chức năng và các cộng đồng dân cư.

Đạo đức, nhân cách của một con người hình thành từ gia đình, bố mẹ sẽ là tấm gương cho các con. Thầy cô chính là tấm gương cho học trò. Tuy nhiên thực tế hiện nay, giáo dục đào tạo chú trọng nhiều kiến thức chuyên môn, chưa chú trọng đến việc dạy lễ nghĩa, đạo đức. Cốt yếu không chỉ là giáo dục, mà phải xây dựng, hình thành gia đình văn hóa hướng tới xã hội văn hóa, cộng đồng văn hóa. Thưa ông, ông có những chia sẻ gì về giải pháp để xây dựng được một gia đình văn hóa hướng tới xã hội văn hóa, cộng đồng văn hóa?

Ông Bùi Hoài Sơn: Xây dựng gia đình văn hóa là một trong những trọng tâm của ngành văn hóa. Gia đình là tế bào xã hội, phản ánh những vấn đề xã hội. Gia đình tốt, chúng ta sẽ có những công dân tốt, xã hội tốt.

Giải pháp trong gia đình thì giáo dục là yếu tố quan trọng, không thể áp dụng hoàn toàn cách giáo dục của gia đình xưa vào gia đình hiện đại ngày nay, nhưng cũng không thể phủ nhận cách giáo dục truyền thống. Bây giờ làm như thế nào, đó là một câu chuyện.

Thứ hai, giáo dục gia đình là giáo dục đồng bộ, trong gia đình là vấn đề làm gương, bố mẹ làm gương con cái, anh em làm gương cho nhau. Giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội đi theo mô hình khác. Thế nhưng giáo dục gia đình, nhà trường hay xã hội phải đồng bộ. Theo quan niệm của xã hội học, gia đình là một trong những môi trường xã hội hóa quan trọng, xã hội hóa hiểu theo thuật ngữ xã hội học, đó là cách con người học những văn hóa xã hội, để trở thành con người xã hội. Để làm được điều đó, tất cả những môi trường này phải hỗ trợ nhau. Nếu đi ngược lại, không hỗ trợ cho nhau, người ta sẽ xung đột về mặt nhận thức, không biết đi theo mô hình nào. Ví dụ, trong nhà trường dạy là gặp đèn đỏ phải dừng lại, nhưng bố chở con đi đường vẫn vượt đèn đỏ, những kiểu dạy dỗ xung đột như vậy tạo ra khó khăn cho xã hội.

Ngày 8/12/2017, Bộ VHTT&DL ban hành Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL về ban hành thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Đó là sáng kiến tốt, giúp định hình trong gia đình có những mối quan hệ như thế nào, dựa trên tiêu chí nào. Thông qua đó cách giáo dục trong gia đình bám vào những tiêu chí trên tạo nên sự thống nhất. Tuy nhiên, từ văn bản đến thực tiễn có khoảng cách, nên chúng ta phải làm sao để thu hẹp những khoảng cách đó.

Thưa ông, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 102 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đặt mục tiêu đến năm 2020, xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Trong thời gian tới, các bộ ngành địa phương sẽ phối hợp như thế nào để đạt được mục tiêu này?

Ông Bùi Hoài Sơn: Hiện nay, để cụ thể hóa Nghị quyết 102 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI, có nhiều hoạt động khác nhau.

Trong các hoạt động này, có liên quan đến chủ đề chúng ta bàn, là xác định hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam. Khi chúng ta xác định được những điều đó, chúng ta mới định hướng được sự phát triển của công dân thế nào trong thời gian tới. Để làm được điều này, đã có một đề tài cấp Nhà nước triển khai, chính Bộ trưởng Bộ VHTT&DL làm chủ nhiệm, xác định trong bối cảnh xã hội mới, chúng ta cần hướng đến điều gì.

Từ câu chuyện có những giá trị đó, chúng ta hướng đến các hoạt động cụ thể. Những hoạt động này không chỉ Bộ VHTT&DL, mà các ban ngành địa phương cũng cần xây dựng. Chúng ta xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa, gia đình văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Từ những sản phẩm, dịch vụ văn hóa này, sẽ quay ngược trở lại, có tác dụng giáo dục về đạo đức, con người thông qua những tác phẩm văn học nghệ thuật, câu chuyện, ca khúc, bộ phim, những cách thức này sẽ trở nên hấp dẫn hơn.

Chính phủ đã ban hành Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 08/09/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ở các bộ ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch hành động của mình. Điều tôi mong là những điều này đi vào thực tiễn, là kim chỉ nam, động lực để các bộ ngành, địa phương tạo ra sản phẩm, dịch vụ văn hóa, sự kiện, thương hiệu cho các sản phẩm nghệ thuật. Từ đó, tạo điều kiện định hình phát triển các vấn đề liên quan đến đạo đức, con người Việt Nam. Từ những hành động cụ thể, sự phối hợp đồng bộ, hy vọng những vấn đề văn hóa sẽ chuyển biến trong thời gian tới.

Tôi nhấn mạnh một lần nữa, gia đình là sự phản ánh xã hội. Những vấn đề của gia đình trầm trọng, là xã hội cũng có những vấn đề trầm trọng. Giải quyết những vấn đề gia đình, là giải quyết vấn đề xã hội. Giải quyết vấn đề xã hội là vấn đề gia đình. Đó là những điều người làm văn hóa mong muốn, chúng ta hãy nói đến những giá trị tốt đẹp, nhân bản trong gia đình, nơi mà chúng ta luôn hướng về!

Mai Trinh - Thu Trang - Tiến Quân