In bài viết

Nội dung trả lời báo chí tại Họp báo Chính phủ tháng 8/2020

(Chinhphu.vn) - Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 diễn ra chiều 4/9 tại Hà Nội, đã có nhiều câu hỏi được phóng viên các cơ quan báo chí nêu ra, liên quan đến những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

04/09/2020 19:25
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời các nhà báo. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc 

PV Thu Hương (Truyền hình Quốc hội Việt Nam): Thời gian qua, nhiều DN phản ánh khó tiếp cận tín dụng ưu đãi, đề nghị NHNN giảm lãi suất huy động để các ngân hàng thương mại (NHTM), giảm đồng loạt lãi suất tiền vay. Quan điểm của NHNN thế nào?

Vừa qua, các DN BOT bị ảnh hưởng nhiều do dịch COVID-19 và thu phí không được như cam kết. Nếu để DN vào nhóm nợ xấu, mất đi quyền đấu thầu sẽ bị ảnh hưởng, trong khi đây là những DN chủ chốt trong ngành xây dựng và nhiều lao động. NHNN và Chính phủ có ý kiến gì về vấn đề này?

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: NHNN điều hành lãi suất là công cụ của chính sách tiền tệ, NHNN luôn điều hành theo hướng bảo đảm các mục tiêu chính sách tiền tệ, đồng thời hài hoà lợi ích người gửi tiền, các tổ chức tín dụng (TCTD), người vay.

Khi dịch COVID-19 xảy ra, nhiều người dân chịu tác động của đại dịch này, khó khăn về dòng tiền và nguồn thu. Vì vậy NHNN đã là một trong những bộ, ngành đầu tiên triển khai nhiều giải pháp.

Về lãi suất, NHNN đã giảm các lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất huy động, tạo điều kiện hỗ trợ khó khăn chi phí vay vốn với các DN và người dân.

NHNN đánh giá, trong điều kiện dịch COVID-19, các DN khó khăn trong việc trả nợ vì trong giai đoạn này nguồn thu của DN và người dân gặp khó khăn.

NHNN chủ động ban hành Thông tư 01 ngày 13/3/2020 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Qua đó, NHNN cho phép các TCTD cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho các DN nói chung, trong đó có các DN làm BOT, gặp khó khăn trả nợ cũ, có điều kiện tiếp cận vốn tốt hơn.

Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD giảm lãi suất cho vay, với các khoản cho vay mới cũng như dư nợ cho vay cũ. Thống đốc NHNN đã kêu gọi các TCTD sử dụng chính nguồn lực bản thân, tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, hạn chế chia cổ tức…Từ đó, có nguồn lực tài chính, giảm lãi suất cho vay với các khoản vay cũ với con số đáng ghi nhận. Với các khoản cho vay mới, theo mức lãi suất thấp hơn. Ví dụ gần đây, lãi suất huy động bình quân đến cuối tháng 7/2020 so với cuối 2019 đã giảm 0,6%/năm, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông: Ngành GTVT có 61 dự án BOT, trong đó có 60 dự án đã đưa vào khai thác, còn 1 dự án đang đầu tư xây dựng. Qua theo dõi, nhiều hợp đồng có nguồn thu sụt giảm so với dự kiến do 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, do định hướng chung về ổn định giá, giảm giá vé xe vận tải, xe tải, nhóm 4, 5.

Thứ hai là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên lưu lượng giao thông giảm.

Thứ ba là chưa thực hiện điều khoản trợ giá cho các nhà đầu tư, cần có thời gian nhất định để tăng trưởng mức thu…

Bộ GTVT tập hợp phân tích, đã tham vấn nhiều cơ quan liên quan, gồm cả NHTM và NHNN để đưa ra các kiến nghị giải pháp. Chúng tôi có phân tích các nguyên nhân do tác động khách và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là tác động do dịch COVID-19, phát triển kinh tế không như ban đầu. Còn nguyên nhân chủ quan là do quá trình lập dự án, phương án tài chính...

Do đó, chúng tôi đề nghị các yếu tố nào do khách quan thì cần xem xét tháo gỡ cho các nhà đầu tư. Nếu không cho tăng giá thì khó khăn, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong đó có việc giảm chi phí vận tải như giảm giá vé các phương tiện giao thông tại các dự án BOT… nhưng cần lộ trình. Vì hiện nay, nhiều nhà đầu tư BOT phải huy động từ các nguồn tiền khác trả cho ngân hàng để tránh bị nợ xấu, khó khăn để DN hoạt động, gần đây chúng tôi có các biên bản trình lên VPCP, báo cáo để có chỉ đạo.

Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô trả lời tại họp báo. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

PV Hiếu Công (Zingnews): Việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, được dư luận đặc biệt quan tâm. Xin Bộ Công an thông tin rõ hơn về sai phạm của ông Chung liên quan đến các vụ án như thế nào, đặc biệt là với vụ án Nhật Cường.

Quận 11 TPHCM mới đây vừa khởi tố một số đối tượng giả danh cảnh sát, có lệnh bắt người và khám xét nhà để chiếm đoạt tài sản. Xin hỏi Bộ Công an có biện pháp nào để quản lý tình trạng mua bán quân trang, cảnh phục của ngành công an tràn lan trên mạng xã hội. Ngoài ra cũng có hiện tượng mua bán thẻ ngành giả trên mạng.

Sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm pate Minh Chay, chưa có cá nhân nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm. Vậy xin hỏi cá nhân nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm? Vấn đề chịu trách nhiệm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ thuộc về cơ quan nào?

Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô: Liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung, ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện biện pháp tạm giam với ông Chung về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật, có một số tài liệu liên quan đến Nhật Cường.

Trước đó Bộ Công an cũng đã thông báo ông Chung liên quan đến một số vụ án chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến Nhật Cường, Bộ Công an đã khởi tố 28 bị can với 4 tội danh: Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong số 28 bị can, Bùi Quang Huy bị khởi tố cả 4 tội danh. Bùi Quang Huy sử dụng tư cách pháp nhân của Nhật Cường để tổ chức buôn lậu 260.000 sản phẩm điện thoại và thiết bị điện tử các loại với giá trị 3.200 tỷ đồng. Ngoài trốn thuế, lập sổ sách kế toán che giấu trốn thuế khoảng 30 tỷ đồng. Qua quá trình điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra thấy rằng gói thầu số hoá của Sở KH&ĐT Hà Nội cần làm rõ hành vi vi phạm về đấu thầu, trong này có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung.

Về vi phạm quy định quản lý tài sản, gây thất thoát tại TP. Hà Nội, quá trình triển khai việc xử lý ô nhiễm nước hồ từ chế phẩm Redoxy-3C, Hà Nội đã trực tiếp đàm phán với đối tác ở Đức sản xuất hoá chất này riêng cho Hà Nội, nghiên cứu các đặc tính của sông, hồ Hà Nội. Nếu Hà Nội ký trực tiếp với Công ty Watch Water Gmb thì rất lý tưởng. Tuy nhiên, quá trình điều tra cho thấy do phải ký với công ty đại lý nên gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 41 tỷ đồng.

Với vai trò là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Chung có trách nhiệm ở đây. Còn trách nhiệm đến đâu, đến mức nào thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ.

Về hai người giả danh cảnh sát để bắt người, tôi khẳng định không có việc mua bán tràn lan quân trang, cảnh phục, thẻ ngành… của ngành công an tràn lan trên mạng xã hội. Đây là hiện tượng hết sức cá biệt.

Bộ Công an đã ban hành 5 công điện về đấu tranh xử lý mua bán trái phép quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ ngành công an. Nghiêm cấm mua bán, trao đổi, cho, tặng quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ của ngành công an dưới mọi hình thức, đối với mọi đối tượng; xử lý nghiêm theo quy định của ngành mọi trường hợp vi phạm và xử lý trách nhiệm liên đới đối với Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ có vi phạm.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ công an và học viên các trường công an đối với việc tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của ngành về sử dụng, bảo quản quân trang, quân dụng và công cụ hỗ trợ. 

Về vụ việc Pate Minh Chay, sau khi sự việc xảy ra Bộ Công an đã giao cho Công an TP. Hà Nội chủ trì xử lý vụ việc và tập hợp báo cáo, trong đó yêu cầu Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội trực tiếp chỉ đạo. Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, rà soát toàn bộ công việc, có đủ căn cứ khởi tố vụ việc để điều tra. Tập trung xác minh làm rõ các vi phạm nếu có về quy định đầu vào nguyên liệu, bảo quản, vận chuyển, hướng dẫn sử dụng… Phối hợp với bộ phận An toàn thực phẩm của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục làm rõ và có kết luận chính thức nguyên nhân ngộ độc thực phẩm và vi phạm của đơn vị kinh doanh này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời báo chí về vụ việc Pate Minh Chay. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Chúng tôi đã chuyển hồ sơ về vụ việc Pate Minh Chay sang Bộ Công an và Bộ Công an đã chỉ đạo ngay Công an TP. Hà Nội để điều tra làm rõ vụ việc. Theo Nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, giao cho 3 bộ phụ trách lĩnh vực này. Trong đó, Bộ Y tế phụ trách thực phẩm chức năng, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên… Bộ Công Thương phụ trách rượu, bia, nước giải khát… Bộ NN&PTNT quản lý sản xuất, lưu thông sản phẩm ngũ cốc, thịt,  sản phẩm rau, củ, quả…

Công ty Lối sống mới do Chi cục Nông, lâm, thuỷ sản của Hà Nội do Sở NN&PTNT cấp giấy phép, sản phẩm Pate Minh Chay cũng do Công ty này công bố sản phẩm.

PV Như Quỳnh (Báo Dân trí):  Gần đây Chính phủ công bố thời gian mở lại đường bay quốc tế là 15/9. Xin hỏi việc hỗ trợ DN ngành hàng không trong việc khai thác các đường bay quốc tế như thế nào? Dự kiến sau khi mở lại đường bay quốc tế sẽ có 5.000 hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Xin hỏi việc cách ly sau khi nhập cảnh thực hiện như thế nào để không bùng phát dịch lần thứ 3? 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo lên Chính phủ từ ngày 3/9 về việc mở lại các đường bay quốc tế được đánh giá là có tính an toàn cao cũng như theo đề xuất của nước bạn. Chúng tôi có đề xuất 2 mốc là 15/9 mở lại đường bay quốc tế với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và ngày 22/9 dự kiến mở lại đường bay tới Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia.

Các đối tượng được Bộ GTVT kiến nghị gồm: Các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động công vụ, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài có nhu cầu về nước, công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài đang thực hiện các dự án tại Việt Nam.

Về quy định kiểm dịch, Bộ GTVT đã đánh giá trên cơ sở năng lực cách ly của các địa phương, đưa ra tần suất bay 1 tuần/chuyến/quốc gia và chuyến bay chiều ngược lại. Dự kiến có khoảng 5.000 khách sẽ nhập cảnh trong tháng 9.

Quy trình kiểm dịch hiện đã có nhiều văn bản của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đối với công dân Việt Nam, đối với các chuyên gia sẽ được áp dụng để đảm bảo chống dịch… Bộ GTVT đã thảo luận các nhà chức trách hàng không, các hãng bay… để có thể đưa ra giải pháp tốt nhất như chúng tôi vừa trình. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và thống nhất mở lại đường bay quốc tế từ 15/9. Các phương án đã được bàn bạc rất kỹ lưỡng để bảo đảm an toàn cho người dân. Lực lượng quân đội có vai trò quan trọng trong việc cách ly. Bộ Y tế đã ban hành một loạt quy trình hướng dẫn cách ly từ gia đình, công xưởng, nhà máy, trường học, nơi công cộng… Chúng tôi tin tưởng sau khi mở lại đường bay quốc tế sẽ vừa bảo đảm an toàn cho người dân vừa bảo đảm phát triển kinh tế. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm rõ thếm vấn đề mở lại đường bay quốc tế. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Thủ tướng đã giao Bộ GTVT chủ trì cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tham mưu Thủ tướng quyết định vấn đề mở lại đường bay quốc tế. Việc mở đường bay thương mại quốc tế tới 6 quốc gia trên nguyên tắc là mở đường bay tới các nước đã kiểm soát bệnh tốt và tương đồng với chúng ta, xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của nước đó. Trên tinh thần thực hiện mục tiêu kép như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, chúng ta mở lại các đường bay một cách cẩn trọng, mở dần từng bước và đúc kết kinh nghiệm.

Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ từ 3/9 nhưng hiện nay các bộ, ngành chưa có ý kiến về việc này và chưa đưa ra các giải pháp.

Giải pháp về ứng xử có đi có lại với nước bạn về nguyên tắc đối ngoại. Trong điều kiện ta kiểm soát dịch tốt, nhưng chưa có vaccine thì ta chưa thể nói trước được

Ngoài chuyên gia, lao động, các cơ quan ngoại giao, người dân du lịch… ta sẽ phải tính toán đối tượng và tần suất bay, chúng ta vừa làm vừa thí điểm sau đó mới nâng tần suất. Về kiểm dịch, khách lên máy bay phải được xét nghiệm âm tính, sau khi nhập cảnh phải kiểm soát, cách ly.

Cách ly như thế nào? Khách sang 5 ngày mà cách ly 14 ngày thì không ai sang. Vừa rồi, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã quyết định cho việc nhập cảnh với 1 trường hợp cho thấy ta phải thực hiện trong tình hình thực tế như sau: Một Phó Chủ tịch của Tập đoàn Samsung sang 5 ngày thì ta không đặt vấn đề cách ly, nhưng khách sang phải ở khách sạn, ngày thứ nhất ta xét nghiệm âm tính, ngày thứ hai mới để họ thực hiện các hoạt động công vụ theo lịch trình. Trong quá trình này vẫn bảo đảm các giải pháp về phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, không tiếp xúc gần…). Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc dự kiến 17-18/9 sẽ sang thăm chính thức Việt Nam, nếu ta đặt vấn đề cách ly 14 ngày thì khách sẽ không sang nữa. 

Qua đó, có thể thấy đây là vấn đề ứng xử có đi có lại giữa các quốc gia. 

Tới đây, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành sẽ báo cáo Thủ tướng để có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng về việc cách ly hành khách sau khi mở lại đường bay quốc tế.

PV Trần Vương (Báo Lao động): Trước những khó khăn do dịch COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét về việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19 nhằm giúp người lao động giảm bớt khó khăn. Quan điểm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP về việc này như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn: Liên quan đến việc xem xét không thu thuế thu nhập cá nhân đối với những khoản hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, theo quy định về thuế thu nhập cá nhân, đối với các khoản phải nộp thuế theo quy định của pháp luật thì trước mắt tạm thời sẽ thu và hết năm ngân sách sẽ thông báo chính thức về thuế thu nhập cá nhân. Về quan điểm này, Bộ Tài chính sẽ nghiêm túc cầu thị lắng nghe ý kiến từ các cơ quan báo chí và sẽ báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp tình hình thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của các nhà báo. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

PV Tạp chí Nhà đầu tư: Một số doanh nghiệp và nhà đầu tư ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Gia Lai phản ánh về việc một năm qua, thực hiện theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và Quyết định 11, 13 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng điện mặt trời. Họ đã đầu tư hàng trăm tỷ vào dự án điện mặt trời áp mái nhưng dự án hoàn thành thì không được ký hợp đồng mua bán điện với bên điện lực. Nguyên nhân được nêu là chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương. Dù nhà đầu tư đã có phản ánh rất nhiều về việc này nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn. Việc này đã gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và chủ trương lớn của Nhà nước rất nhiều. Xin hỏi Bộ Công Thương đến nay đã có giải pháp nào để xử lý việc này hay chưa?

Vừa qua, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô đã trả lời về nghi án nhận hối lộ của Tenma Nhật Bản. Bộ Tài chính đã đình chỉ một số lãnh đạo của Tổng cục Thuế liên quan đến việc nhận hối lộ từ một số cán bộ Chi cục Thuế ở Bắc Ninh. Xin cho biết ngoài việc do dịch bệnh COVID-19 nên Bộ Công an chưa nhận được phản hồi của Nhật Bản thì Bộ Tài chính đã có xử lý nhân sự thế nào?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: 

Chúng ta đã biết, điện mặt trời (ĐMT) là một nguồn điện năng lượng tái tạo. Việt Nam là một nước nhiệt đới nằm gần Xích đạo nên được đánh giá có tiềm năng ĐMT khá cao. Điện mặt trời không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nguồn ánh sáng mặt trời tại Việt Nam rất lớn. Ở Việt Nam thời gian qua  phát triển ba loại hình điện mặt trời là điện mặt trời lắp đặt trên mặt đất, nổi và điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà.

Gần đây ĐMT lắp trên mái nhà được các nhà đầu tư, doanh nghiệp, thậm chí là nhiều người dân, rất quan tâm. Vì nhà đầu tư có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với kinh phí không quá lớn nhưng có thể mang lại hiệu quả đáng kể cho nhà đầu tư. Điện mặt trời mái nhà có nhiều ưu điểm như: có tính chất phân tán quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ giảm tổn thât của quá trình chuyển tải, phân phối, tận dụng được diện tích mặt bằng mái lớn tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có cơ sở hạ tầng điện lưới đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối…Việc phát triển điện mặt trời mái nhà không tác động nhiều đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Đây là những điều kiện thuận lợi và vì vậy chúng ta đã có chính sách khuyến khích phát triển. Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 18 của Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều nội dung khuyến khích, ưu đãi hơn đối với điện mặt trời mái nhà.

Chính vì vậy trong thời gian vừa qua, ĐMT phát triển tương đối nhanh. Tính đến thời điểm tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy ĐMT vận hành với tổng công suất 5.053 MW. Hiện cũng có 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất là 429 MW và 325 MW điện sinh khối, điện chất thải rắn khoảng 10 MW. Như vậy, tổng công suất điện gió và điện mặt trời đã lên đến 5.482 MW, chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn điện của hệ thống. Riêng đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 31/8/2020 đã có trên 47.000 hệ thống được lắp đặt với tổng công suất là 1.128 MWp.

Mặc dù ĐMT mái nhà có nhiều ưu điểm, nhưng trên thực tế đã có nhiều cách hiểu, diễn đạt chưa đúng với quy định về phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà ở nhiều địa phương, tại các doanh nghiệp…, liên quan đến Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Thông tư 18 của Bộ Công Thương mặc dù Quyết định 13 cũng như Thông tư 18 này đã đưa ra rất nhiều khuyến khích, ưu đãi đối với ĐMT mái nhà. Chính vì vậy Bộ Công Thương cũng đã dự thảo Công văn và xin ý kiến của UBND các tỉnh, Tập đoàn Điện lực VN, các nhà đầu tư và kể cả một số cơ quan báo chí truyền thông để tổng hợp các nội dung, ý kiến liên quan. Mặc dù theo quan điểm của chúng tôi, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 18 của Bộ Công Thương đã tương đối rõ. Và nếu chúng ta thực hiện theo đúng nội dung quy định tại hai văn bản này thì đã tương đối phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Chúng tôi hiện nay đang tổng hợp thêm và chắc chắn trong thời gian rất ngắn nữa sẽ có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về các nội dung liên quan. Sau đó sẽ gửi Văn bản hướng dẫn đến UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan liên quan và các nhà đầu tư để giúp cho việc đầu tư ĐMT được thực hiện theo định hướng đúng đắn của Đảng, Chính phủ và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn: Liên quan đến vụ án Tenma, ngay sau khi có thông tin hối lộ, Bộ Tài chính cũng đã nghiêm túc xem xét và tạm đình chỉ công tác của những đối tượng liên quan và tổ chức đoàn thanh tra. Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để điều tra vụ án. Sau khi có kết luận chính thức về điều tra vụ án, nếu có sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật và sẽ thông báo chính thức đến các cơ quan báo chí.

PV Thành Chung (Báo ĐT Tổ quốc): Vừa qua Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án nâng khống giá trị liên kết ở Bệnh viện Bạch Mai và trục lợi điều trị cho bệnh nhân. Bộ Công an có thể cung cấp thêm thông tin về quá trình điều tra hiện nay, xác định quá trình mua bán như thế nào và vai trò của nguyên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai như thế nào?

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết thêm về vấn đề liên kết xã hội hoá không chỉ diễn ra ở Bệnh viện Bạch Mai mà còn ở nhiều bệnh viện khác. Bộ Y tế đã có yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai cũng như các đơn vị khác báo cáo cụ thể vấn đề này như thế nào, đã có phương án sửa đổi những quy định liên quan đến vấn đề này như thế nào?

Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô: Kết quả điều tra bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định một số cá nhân ở Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) có hành vi câu kết nâng khống giá trị hệ thống thiết bị y tế, chiếm đoạt tiền của người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Cụ thể, trong quá trình lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận nhập khẩu hệ thống robot hỗ trợ thần kinh có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng, bao gồm cả VAT. Tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết với nhau nâng giá của hệ thống lên 39 tỷ đồng, được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý, đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai. Giá của hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy 1 ca bệnh là hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá họ khai là 39 tỷ đồng thì người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca.

Trong các năm từ 2017-2019, Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca, số tiền chênh lệch được các đối tượng hưởng lợi là trên 10 tỷ đồng. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tập trung điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng điều tra tìm ra sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Y tế đã có chỉ đạo các đơn vị, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai, rà soát lại các hợp đồng liên doanh, liên kết, giảm giá dịch vụ trên các máy đầu tư… điều chỉnh 18 dịch vụ xuống bằng mức giá thanh toán với các cơ quan bảo hiểm y tế. Bệnh viện cũng đã đàm phán, thương thảo với các đơn vị liên kết để điều chỉnh giá một số dịch vụ.

Riêng với máy giảm tới 5 triệu đồng thì giảm xuống còn 4,3 triệu đồng/ca. Giảm giá 28 triệu đồng xuống còn 24 triệu đồng/ca.

Tiếp đó, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ có chỉ thị về liên doanh, liên kết. Trong tuần tới, chỉ thị này sẽ được ban hành.

PV Phùng Đô (Báo Giao thông): Liên quan việc san lấp Hồ Đại Lải, ngày 14/7, VPCP có truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu báo cáo về việc này. Xin hỏi Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, việc này UBND tỉnh Vĩnh Phúc có báo cáo gì với Chính phủ?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Liên quan đến Hồ Đại Lải, VPCP có Công văn số 5740 ngày 14/7/2020. Báo Giao thông có phản ánh với Thủ tướng về công trình này.

Như chúng ta đã biết hồ Đại Lải là một công trình nước ngọt rất quý, cung cấp nước ngọt cho Vĩnh Phúc, Hà Nội. Đồng thời cũng là một danh lam thắng cảnh tốt, rất đẹp. Vừa qua có phản ánh là có việc bạt đồi xả đất đồi xuống để san lấp. Thủ tướng đã có chỉ đạo yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra và xử lý nghiêm minh nếu có việc như vậy. Hiện nay, VPCP chưa nhận được báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc để báo cáo Thủ tướng. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật điều tra để báo cáo, các báo quan tâm chúng tôi sẽ trả lời sau.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn trả lời báo chí tại họp báo. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

PV Báo VnExpress: Cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 cuối tháng 8, Chính phủ đã đồng ý thu phí cách ly. Xin hỏi Bộ Y tế, Bộ Tài chính cho biết mức thu phí như thế nào? Phương thức cách ly thu phí thực hiện ra sao?

Xin Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin về việc Chính phủ chấp thuận đề xuất giao Bộ Công an thực hiện việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong khi trước đây việc này do Bộ GTVT phụ trách.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn: Theo Nghị quyết 37, ngân sách Nhà nước sẽ chi trả các khoản liên quan đến chi phí dịch vụ của việc cách ly. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ yêu cầu thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đặc biệt sắp tới ta sẽ mở các chuyến bay thương mại và đưa các chuyên gia nước ngoài vào làm việc. Các chuyên gia ở tại khách sạn thì họ sẽ phải trả dịch vụ khách sạn theo quy định về mức chi phí thoả thuận giữa người cách ly và người cung cấp dịch vụ. Bộ Tài chính cũng đang phối hợp Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa ra mức thu phí trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Từ 1/9/2020, tất cả các trường hợp thực hiện cách ly phải tự chi trả chi phí. Nếu trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu về nước mà chúng ta kéo dài mãi việc như thế này thì ta phải tính toán, riêng vấn đề khám, chữa bệnh chi trả theo Khoản 2, Điều 48 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Thực chất, vừa qua, nhiều gia đình người Việt Nam từ nước ngoài về cũng có nhu cầu được ở nơi cách ly có dịch vụ tốt hơn, ta nên tạo điều kiện cho người dân. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương phải tạo điều kiện cho các khu cách ly, khách sạn, nơi lưu trú (như ở Quảng Ninh là toàn bộ khu FLC) vừa để tạo việc làm cho các doanh nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. 

Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô: Quá trình xây dựng Luật hiện nay rất chặt chẽ. Việc đề xuất nghiên cứu xây dựng lại Luật gồm 7 bước, còn để thông qua Luật thì gồm 10 bước, tổng cộng là 17 bước. Công việc phân công theo chức năng nhiệm vụ, căn cứ theo thực tế hiện tại nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho việc quản lý, tạo thuận lợi cho người dân chứ không câu nệ gì cơ quan nào thực hiện. Cơ quan nào cũng phải lắng nghe người dân, nhưng Luật xây dựng ra không thể thoả mãn được từng cá nhân, ngược lại tất cả công dân đều phải chấp hành luật. Khi dự thảo Luật được công bố thì vẫn điều chỉnh được nếu có thay đổi trong thực tế, không nên lo lắng về việc cơ quan nào thực hiện. 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Việc xây dựng Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là việc do công tác quản lý trong thực tiễn. Hiện nay tai nạn giao thông có giảm nhưng mức độ vi phạm luật gây ra tai nạn giao thông vẫn lớn. Do đó các cơ quan chức năng có đề xuất xây dựng Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). 

Đây không phải vấn đề tranh giành giữa 2 Bộ mà trên nguyên tắc 1 việc chỉ giao cho 1 cơ quan làm, cơ quan nào làm tốt hơn thì giao cơ quan đó làm. Những gì liên quan đến an ninh trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ thuộc lĩnh vực của Bộ Công an, liên quan đến kết cấu hạ tầng các dự án giao thông thuộc lĩnh vực của Bộ GTVT. Hiện nay công tác đào tạo lái xe đều xã hội hoá, nhưng việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe phải được quản lý chặt chẽ, tránh việc bằng giả, rao bán bằng lái xe trên mạng… Hiện nay 2 Bộ đang tiếp tục xây dựng 2 Luật nêu trên để báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Trong quá trình làm, sẽ phân tích xem cơ quan nào làm tốt hơn để giao cơ quan đó, hiện nay chưa khẳng định giao cho Bộ Công an, hay giao Bộ GTVT. 

PV Hữu Hoè (Báo Đầu tư chứng khoán): Đầu năm đến nay hoạt động thoái vốn cổ phần chậm, làm ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng tiến trình tái cơ cấu DNNN sau cổ phần hoá. Giải pháp của Bộ Tài chính là gì?

Vừa qua, có nhiều DN, trong đó có SABECO, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có tiến độ thoái vốn bàn giao về SCIC còn rất chậm, đề nghị Bộ Công Thương cho biết tiến độ lộ trình triển khai thế nào? 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn:  Việc cổ phần hoá thuộc trách nhiệm nhiều bộ ngành, trong đó có Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN).

Năm 2020 tiến trình thoái vốn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có dịch COVID-19. Quan điểm của Bộ Tài chính là luôn thúc đẩy cổ phần hoá DN, đổi mới DNNN.

Bộ Tài chính đã xây dựng các cơ chế chính sách tài chính, bảo đảm triển khai thuận lợi việc cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng xây dựng các cơ chế chính sách phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) , bảo đảm sau khi cổ phần hoá các DN niêm yết trên TTCK, bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình cổ phần hoá, thoái vốn DNNN.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, UBQLVNNN báo cáo Chính phủ có kế hoạch thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại DN.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: 

Bộ Công Thương luôn quan tâm thực hiện nghiêm các chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc thoái vốn, cổ phần hoá các DNNN trong thẩm quyền chức năng của Bộ, trong đó có các doanh nghiệp SABECO, VEAM…như phóng viên đã đề cập.

Về SABECO, Bộ Công Thương đã tổ chức một lần bán vốn Nhà nước tương đương với 53,59% số vốn Nhà nước tại SABECO với số tiền thu được khoảng hơn 110 nghìn tỷ đồng VN, tương đương 4,8 tỷ USD. Đây là thương vụ thoái vốn nhà nước được dư luận đánh giá là thành công và đúng thời điểm, vì nếu thoái vốn trong thời điểm hiện nay thì giá trị thu được cho Nhà nước sẽ không được như chúng ta đã thoái vốn tại thời điểm trước đây.

Hiện tại, Nhà nước còn 36% vốn tại SABECO. Tuần trước, ngày 28/08/2020, Bộ Công Thương đã tổ chức bàn giao số vốn còn lại 36% này sang Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tương đương với 2.308 tỷ đồng để SCIC tiếp nhận làm chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này và sau đó tiếp tục thực hiện việc thoái vốn.

Quan điểm là cần khẩn trương, nghiêm túc thực hiện việc thoái vốn, nhưng  cần tính toán kỹ về phương án, chọn thời điểm phù hợp để mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước chứ không phải chỉ thực hiện thoái vốn càng nhanh càng tốt.

Về Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) có đặc thù là có lĩnh vực kinh doanh chính về cơ khí, ô tô, máy móc…nhưng có nguồn thu, lợi nhuận chủ yếu từ các liên doanh mà VEAM đang thực hiện với các hãng lớn của nước ngoài như HONDA, TOYOTA (Nhật Bản), Ford (Hoa Kỳ). Số vốn của VEAM tham gia 3 liên doanh nêu trên chỉ chiếm chưa đến 7% vốn điều lệ VEAM nhưng mang lại trên 90% tổng lợi nhuận của VEAM. Mỗi năm riêng phần lợi nhuận do các liên doanh  mang lại cho VEAM khoảng 7.000 tỷ đồng. Do đó, cần tính toán, cân nhắc kỹ về phương án thoái vốn để mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

Vì vậy, dù trước đó đã có Quyết định thoái vốn tại VEAM theo lộ trình, tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ Công Thương xây dựng phương án thoái vốn riêng đối với VEAM trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc thoái vốn theo các quy định hiện hành.

Bộ Công Thương khẳng định luôn quan tâm, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc thoái vốn nhưng khi thực hiện thoái vốn phải bảo đảm tính công khai minh bạch, mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

Nhóm PV