In bài viết

Nỗi khổ thông quan: Nhìn từ Cát Lái, sương sáo

(Chinhphu.vn) – Vụ ùn tắc ở cảng Cát Lái hay việc các cơ quan chức năng tranh cãi về 16 tấn sương sáo nhập khẩu đều khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian…

11/08/2014 20:22

 

Hàng hóa tồn đọng tại cảng Cát Lái (TPHCM) - Ảnh: VGP/Phan Hoàng

Không phải ngẫu nhiên mà trong các buổi làm việc gần đầy về thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã nhắc tới các vụ việc trên.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn coi đây là những ví dụ điển hình của cái gọi là “nút thắt liên ngành” trong việc cắt giảm thời gian thông quan – một trong những điểm đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ. Bài toán đặt ra ở đây là các bộ ngành vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý, song không gây thêm khó khăn, tăng thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Trong vụ ùn tắc ở cảng Cát Lái, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do việc thực hiện chế độ soi chiếu hải quan 100% hàng hóa từ đầu tháng 7, nên tốc độ xử lý chậm hơn. Nhưng bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân khác nữa.

Ví dụ, thực phẩm liên quan tới Bộ Y tế, Bộ NNPTNT để chứng nhận là hàng đã được kiểm dịch. Cùng với đó là các vấn đề về giao thông, ví dụ tổ chức giao thông chưa phù hợp, việc đặt trạm cân kiểm soát trọng tải xe gần đường kết nối đang thi công khiến các xe buộc phải đi chậm lại…

Còn trong vụ sương sáo, hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng về việc liệu 16 tấn sương sáo nhập qua cảng tại TPHCM liệu có đủ tiêu chuẩn để nhập khẩu hay không. Trước đó, từ đầu tháng 7, các cơ quan kiểm nghiệm đưa ra các kết quả khác nhau về hàm lượng thủy ngân, arsenite trong số sương sáo này.

Vụ việc có thể nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng từ khía cạnh môi trường kinh doanh, dù kết quả như thế nào thì rõ ràng doanh nghiệp cũng đã phải chờ đợi rất lâu.

Theo Bộ Tài chính, trong tổng số thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, cơ quan Hải quan chỉ chiếm 28%, còn lại là qua nhiều khâu như cảng vụ, cơ quan biên phòng, lưu thông đường bộ từ cảng về nhà máy, năng lực bốc xếp, điều tàu…

Và 72% phần việc còn lại của thương mại qua biên giới thì phụ thuộc nhiều nhất vào việc kinh doanh cảng, năng lực bốc xếp, bố trí hàng khoa học, năng lực điều động tàu. Còn nhóm liên quan cảng vụ, xuất nhập cảnh quản lý nhà nước thì hiện đã tương đối theo thông lệ quốc tế.

Phần còn lại liên quan đến việc tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch. Có tới 34% lượng hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam chịu sự quản lý về giấy phép, về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch trong khi đó thế giới chỉ có 10-18%. Các loại giấy phép này liên quan đến 8 bộ và 11 luật.

Tại hội thảo ngày 31/7 vừa qua về thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, một đại diện doanh nghiệp cho biết thời gian thông quan chỉ 5 phút một tờ khai nhưng kèm theo tờ khai là khoảng 500 tờ giấy đi kèm để đi đường còn xuất trình cho các cơ quan như quản lý thị trường. Có trường hợp nhập khẩu vải còn bị lực lượng quản lý thị trường lôi hàng ra đo bao nhiêu mét.

Hướng tới giải quyết “trọn gói” cho doanh nghiệp

Về giải pháp, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng cần thực hiện triệt để  nguyên tắc cái gì Nhà nước đã có thì không được yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm. Tức là các cơ quan chức năng phải tự liên hệ với nhau trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, không đòi hỏi doanh nghiệp phải tự làm việc với từng cơ quan.

Là cơ quan chủ trì thực hiện mục tiêu giảm thời gian thông quan, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan sẽ chủ động triển khai một số giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý của các cơ quan khác.

Về việc lưu thông hàng hóa trên đường, hiện trên tờ khai hải quan điện tử đã có xác nhận điện tử, Bộ Tài chính sẽ đề xuất Chính phủ trang bị cho lực lượng quản lý thị trường các máy đọc để kiểm tra các xác nhận này.

Song song với đó, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu sử dụng mã vạch trên tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu trong đó tích hợp các thông tin, tiến tới phục vụ công tác quản lí của cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với hàng hóa xuất nhập khẩu lưu thông trên đường (như quản lý thị trường, công an…)

Liên quan đến các quy định về kiểm dịch, Thứ trưởng Tuấn cho biết Bộ đã kiến nghị và được Chính phủ cho phép xây dựng tại 5 cửa khẩu Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai 5 phòng thí nghiệm quốc gia (tạm gọi), làm sao để kiểm tra, kiểm dịch chất lượng hàng hóa tại chỗ, trả kết quả tại chỗ.

Thủ tướng cũng cho phép thí điểm xây dựng mô hình thống nhất quản lý tại các cửa khẩu, theo hướng đưa cán bộ hải quan đi đào tạo nghiệp vụ tại các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành (trước mắt áp dụng với Cục Hải quan Hải Phòng và TPHCM).

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 19, chắc chắn các cơ quan phải phối hợp thực hiện.

“Bộ Tài chính có thực sự làm được như thế không, sau đó các bộ khác có làm không cũng là vấn đề thách thức trước mắt. Nhưng không cải cách thì chúng ta còn tụt hậu xa với các nước trong khu vực”, ông Cung nói.

Tại Chỉ thị ngày 5/8/2014 về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, Thủ tướng Chính phủ đánh giá một trong những hạn chế, tồn tại là sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực này chưa tốt. Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ ngành, địa phương thực hiện kết nối mạng với với các cơ quan thuế, hải quan để phối hợp, trao đổi thông tin trong quản lý. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, xây dựng các Đề án về “Cơ chế kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu”, về “Thông qua truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống VNACCS/VCIS, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, chứng từ xuất khẩu”… 

Hà Chính