In bài viết

“Nỗi lo” Hy Lạp

(Chinhphu.vn) – Mối lo ngại về cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp đã ngày càng rõ rệt sau khi các đảng phái chính trị nước này thất bại trong việc thành lập chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6/5.

23/05/2012 15:58

Theo Tổng thống Hy Lạp, chỉ trong ngày 14/5, giới tư nhân và doanh nghiệp đã rút 800 triệu Euro khỏi các quỹ ủy thác ngân hàng. Tính từ sau cuộc bầu cử ngày 6/5 đã có từ 1 - 1,5 tỷ Euro trên tổng số 170 tỷ Euro được ký gửi vào ngân hàng Hy Lạp bị rút ra. Điều này gợi đến hình ảnh dòng người nối nhau trước cửa các chi nhánh của Ngân hàng Northern Rock, nước Anh đợi đến lượt rút tiền hồi tháng 9/2007.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp cho rằng hiện tượng nói trên có thể giải thích được sau khi nước này liên tục thông qua 3 kế hoạch khắc khổ vào tháng 5/2010 rồi tháng 11/2011 và trong 2 tháng đầu năm 2012.

Theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, mỗi tháng, ngành ngân hàng bị thất thoát tới 5 tỷ Euro và đương nhiên kết quả bầu cử ngày 6/5 lại càng khiến dư luận nao núng.

Người dân Hy Lạp rút tiền khỏi nhà băng vì nhiều lý do: thu nhập sụt giảm vì bị giảm trợ cấp xã hội và thất nghiệp các hộ gia đình phải lấy tiền tiết kiệm ra để sống. Nhưng theo các nhà phân tích thành phần này chỉ chiếm số ít. Nguyên nhân chính khiến các khoản ủy thác ngân hàng giảm từ 25-30% trong những tháng gần đây do tư nhân và các doanh nghiệp ngày càng mất tin tưởng vào hệ thống ngân hàng quốc gia cũng như họ đang chuẩn bị đối phó với trong trường hợp Hy Lạp từ rời bỏ Khu vực Eurozone để quay lại với đồng Drachme.

Vậy thì tiền rút ra khỏi hệ thống ngân hàng Hy Lạp được chuyển về đâu? Các nhà phân tích cho hay, một phần lớn được dùng để đầu tư vào địa ốc. Một số khác chuyển tiền để mua vàng hoặc giữ tiền trong nhà. Riêng các cơ sở làm ăn thì đã chuyển tiền ra nước ngoài đề phòng rủi ro khi Hy Lạp bị loại khỏi Eurozone.

Áp lực với Hy Lạp càng lớn sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 17/5 thông báo tạm gián đoạn mọi liên lạc với chính quyền Hy Lạp cho đến ngày 17/6, tức là cho đến cuộc bầu cử tới.

Lo ngại chính không phải do các ngân hàng Hy Lạp bị suy yếu, bị thiếu vốn hoạt động hay do không có đủ vốn dự trữ. Hiện tượng mất lòng tin nơi các ngân hàng bắt nguồn từ các cuộc khủng hoảng liên tiếp cũng như từ việc cơ quan thẩm định tài chính Fitch Ratings hôm 18/5 hạ điểm của 5 ngân hàng Hy Lạp từ B xuống CCC. Theo đánh giá của Fitch, nếu như không được các Ngân hàng Trung ương Hy Lạp và Ngân hàng Trung ương châu Âu vào cuộc thì 5 cơ sở nói trên có nguy cơ bị phá sản.

Câu hỏi đang được các nhà đầu tư nêu lên là liệu Ngân hàng Trung ương châu Âu BCE có còn tiếp tục hỗ trợ cho các ngân hàng Hy Lạp nữa hay không sau ngày bầu cử 17/6 sắp tới?

Theo quan điểm của Fitch Ratings, viễn cảnh Hy Lạp ra khỏi Eurozone lại càng thêm rõ nét. Fitch báo trước hàng loạt hàng các doanh nghiệp tư nhân sẽ phá sản, Hy Lạp sẽ mất khả năng thanh toán nợ vay bằng đồng Euro.

Vấn đề đặt ra là rời khỏi Eurozone liệu có phải là giải pháp giúp Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng và xóa được khoảng nợ công tương đương với gần 150 % GDP hay không?

Trả lời câu hỏi này, Giáo sư kinh tế Daniel Cohen cho rằng trong ngắn hạn, câu trả lời sẽ là không. Trước hết một khi từ bỏ đồng Euro để quay trở lại với đồng Drachme, đơn vị tiền tệ quốc gia Hy Lạp sẽ bị mất giá 50 %. Điều đó có nghĩa là hàng nhập khẩu vào Hy Lạp sẽ trở thành một thứ xa xỉ phẩm. Lạm phát qua đó gia tăng. Ngành ngân hàng lâm vào cảnh lao đao trong một thời gian đầu.

Nhưng theo Giáo sư Cohen, sau giai đoạn hỗn loạn ban đầu, sản xuất và xuất khẩu của Hy Lạp sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn. Tuy nhiên kịch bản này chỉ có thể xảy ra với điều kiện là chính quyền Hy Lạp thực sự có những biện pháp vực dậy tăng trưởng để thu hút đầu tư cho giai đoạn ít nhất là từ 5 - 10 năm sắp tới. Nhìn từ góc độ đó, sự ra đi của Hy Lạp sẽ là một “tai họa” đối với khối Euro. Một quốc gia chỉ chiếm 2 % GDP của toàn khối, nhưng Hy Lạp sẽ làm lung lay toàn khối bởi vì sau Hy Lạp, một số các thành viên đang gặp khó khăn khác cũng sẽ ra đi.

Riêng đối với nước Pháp, một trong những đối tác chính của Hy Lạp sẽ bị thiệt hại nhiều nhất.

Lý do là vì Pháp đang kiểm soát đến 65 tỷ Euro (23%) nợ công của Hy Lạp. Thêm vào đó các ngân hàng Pháp còn nắm đến 38 tỷ Euro tín dụng đã cấp cho các doanh nghiệp Hy Lạp… Chỉ riêng trong năm 2010 đã có tới 150 doanh nghiệp Pháp đầu tư vào thị trường Hy Lạp, hiện diện trong nhiều lĩnh vực kinh tế từ ngành phân phối đến dược phẩm, từ du lịch đến năng lượng, từ công nghiệp hàng không đến ngành sản xuất xe hơi.

Thiệt hại đối với nước Đức cũng sẽ lớn không kém vì Đức cũng là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Hy Lạp.

Tuy nhiên trước mắt cả châu Âu lẫn Hy Lạp cùng chưa biết là để rút khỏi khu vực đồng Euro, thì họ sẽ phải làm những gì và về phương diện pháp lý, châu Âu chưa biết trong trường hợp cần thiết, một thành viên có thể rút lui khỏi Eurozone bằng cách nào.

Một mối băn khoăn khác cũng đang bắt đầu dấy lên đó là, điều gì sẽ xảy tới nếu như Hy Lạp mất khả năng thanh toán nhưng vẫn trụ lại trong khối Euro? Nếu Hy Lạp từ chối tiếp tục áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà cộng đồng quốc tế đã áp đặt, thì Hy Lạp bị Eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu và IMF cắt viện trợ tài chính. Hy Lạp khi đó lập tức lâm vào cảnh vỡ nợ nhưng điều đó không bắt buộc nước này phải rời khỏi khối Euro.

Đây là kịch bản mà châu Âu đang lo ngại hơn cả./.

Nguyễn Chiến