Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập báo Thanh Niên nhắc lại câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng đặt ra tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy thu hút khách du lịch vào Việt Nam, tháng 12/2022: "Tại sao du lịch Việt Nam đi trước nhưng lại về sau?". Vì sao Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, nhưng tốc độc phục hồi ngành du lịch thấp nhất so với các nước trong khu vực?
Bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc khối Sun World, Tập đoàn Sun Group cho biết gần 1 năm sau khi mở cửa du lịch trở lại, đến nay lượng du khách tăng chưa như kỳ vọng, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Cụ thể, lượng khách đến Sun World Ba Na Hills tại Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán 2023 chỉ đạt khoảng 55% so với Tết Nguyên đán 2019. Tương tự, ở các trung tâm du lịch khác như Phú Quốc, Hạ Long…, những tháng cuối năm 2022 kéo dài đến quý 1 năm nay là mùa cao điểm đón khách quốc tế nhưng lượng khách thực tế không nhiều.
Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc thương mại Vietnam Airlines cho hay, năm 2022, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng 28% so với năm 2019 và 2 tháng đầu năm nay tăng khá hơn những cũng chỉ đạt 65% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam hồi phục rất chậm thì các điểm đến khác lại đang có nhiều chính sách hấp dẫn để hút khách. Chẳng hạn, Đài Loan (Trung Quốc) tặng 165 USD cho 500.000 du khách cá nhân đầu tiên trong năm 2023, Hong Kong (Trung Quốc) cũng tặng 500.000 vé máy bay cho khách quốc tế, Philippines lên kế hoạch hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch nước ngoài…
Với kinh nghiệm trong ngành hàng không, ông Trịnh Ngọc Thành cho rằng, những nước làm tốt chính sách miễn visa, có đường bay thẳng nhiều thì chỉ trong vòng 3 năm, lượng hành khách có thể tăng lên gấp đôi.
Nói về mục tiêu đặt ra của ngành du lịch Việt Nam đón 8 triệu khách quốc tế trong 2023 so với mục tiêu đón 20 triệu khách và vừa điều chỉnh lên 30 triệu khách của Thái Lan, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation đặt câu hỏi mục tiêu như vậy có quá thấp? Chúng ta đã đánh giá hết thị trường khách chưa? đã rà soát lại cơ hội, tiềm năng hay chưa?
Trong khi đó, Tổ chức Du lịch thế giới dự báo năm 2023, tốc độ hồi phục du lịch sẽ đạt 8,5% dù tốc độ phục hồi chung của nền kinh tế chỉ đạt 2,5%. Phải chăng, chúng ta đang tự hạn chế mình. Nếu chúng ta đặt chỉ tiêu như vậy thì du lịch sẽ khó cất cánh.
Theo bà Trần Nguyện, có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan khiến Việt Nam chưa hút được nhiều khách quốc tế. Trong đó, rào cản lớn hiện nay là chính sách visa. Việt Nam chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thị thực điện tử (eVisa) cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu nhập cảnh. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần. Trong khi đó Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia, Singapore cho 162 quốc gia, Philippines cho 157 quốc gia, Nhật Bản cho 68 quốc gia, Hàn Quốc miễn 66 quốc gia, Thái Lan miễn 64 quốc gia…
Để tạo ra lợi thế cạnh tranh sau dịch COVID-19, Thái Lan kéo dài thời gian lưu trú lên đến 45 ngày. Đài Loan (Trung Quốc) khôi phục chính sách eVisa Quan Hồng hướng đến khách đi tour, đi theo đoàn qua các công ty lữ hành với thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Hàn Quốc nối lại loại hình thị thực cho phép khách ra vào nhiều lần, thời hạn lưu trú 30 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm…
Do đó, bà Trần Nguyện đề xuất cần cởi mở chính sách visa và cùng với đó, nghiên cứu quy trình, áp dụng công nghệ để cải cách quá trình cấp visa giúp đẩy nhanh thời gian, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hình thức cấp visa nhằm hỗ trợ tối đa cho du khách quốc tế.
Dẫn câu chuyện nước Nga yêu cầu xét duyệt visa rất khó khăn nhưng khi tổ chức World Cup, họ sẵn sàng coi tấm vé xem bóng đá như thị thực, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho hay các nước sử dụng visa linh hoạt theo từng chủ đề, từng thời điểm với mục tiêu phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh du lịch, hình ảnh quốc gia, không cứng nhắc theo nguyên tắc có đi có lại.
Trong khi đó, Việt Nam dù quyết tâm mở cửa du lịch rất sớm, từ ngày 15/3/2022 nhưng đến nay vẫn duy trì chính sách visa khắt khe, số lượng quốc gia được miễn visa quá ít và số ngày lưu trú chỉ 15 ngày.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất cần nhanh chóng sửa Luật, ban hành các chính sách đột phá, cởi mở về visa. Đơn cử, quy định duyệt visa cho khách ở 15 ngày đầu tiên, 15 ngày sau đó sẽ tự động gia hạn visa; chấp nhận các kiểu visa Quan Hồng như ở Đài Loan (Trung Quốc) hoặc visa đoàn như Nhật Bản; thí điểm miễn visa tới 6 tháng cho một số thị trường trọng điểm...
Phó Tổng giám đốc Vietjet Đỗ Xuân Quang cho biết, trước đây, mỗi ngày Vietjet có đến 85 chuyến bay đến Trung Quốc, trong 2 năm đại dịch đã ngưng toàn bộ, chuyển hướng qua thị trường Ấn Độ nhưng công suất cao nhất cũng chỉ đạt 17 chuyến mỗi ngày.
Về nguyên nhân du khách Ấn Độ vẫn chưa bù đắp được khách Trung Quốc, ông Đỗ Xuân Quang cho rằng, khách Ấn Độ ít đến Việt Nam vì trước đây họ thường phải trung chuyển qua Bangkok (Thái Lan) mất thêm 3-4 tiếng đồng hồ. Đường bay thẳng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Vietjet hiện cũng mới có 3 đường bay thẳng đến Ấn Độ. Tới đây, ngoài Ấn Độ chúng tôi sẽ mở thêm nhiều đường bay thẳng đến các nước như Kazakhstan, Uzbekistan… và các nước thuộc khối Liên Xô cũ để thu hút thêm du khách quốc tế.
Tại Hội thảo, đại diện ngành du lịch TPHCM, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa cũng nhấn mạnh việc cần xem xét tháo gỡ về chính sách visa, tăng thời gian lưu trú cho du khách. "Vấn đề visa chỉ là một phần trong phát triển du lịch bền vững, nhưng khi mở được nút thắt đầu tiên này sẽ tạo động lực cho toàn ngành phục hồi và phát triển", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, visa là một trong những khâu cần phải tháo gỡ để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Vì vậy, TPHCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan mở rộng đối tượng được cấp visa, nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên ít nhất 30 ngày nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của du khách.
Liên quan đến giá tour, giá dịch vụ, ông Dương Anh Đức cho rằng, liên kết và chia sẻ các khâu trong chuỗi dịch vụ du lịch của Việt Nam đang thua xa Thái Lan, chưa nói thị trường cao cấp hơn. Bởi chúng ta đang hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu chia sẻ. Nếu có chính sách chia sẻ rõ ràng trong các dịch vụ vận chuyển, lưu trú... , giá tour du lịch thấp xuống nhưng tổng chi phí của họ trên khắp Việt Nam tăng lên, đó mới là quan trọng.
Băng Tâm