Qua lời khuyên, Phó Thủ tướng muốn nhấn mạnh, cần phải coi nhân tố “con người là quan trọng nhất, dù cải cách đến mấy mà không có con người đủ phẩm chất, năng lực thì cải cách khó thành công”.
Theo tôi, cả 4 cái “xin” trên muốn thực hiện được thì người nói cần phải xác định một thái độ đúng. Đó là sự tôn trọng người đối thoại, tức là tôn trọng người làm việc với mình.
Từ “xin” trong tiếng Việt được hiểu là “ngỏ ý với một người nào đó, mong người ấy cho mình cái gì hoặc đồng ý cho mình làm điều gì” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, 2012). Xin nghỉ học, xin đi chơi, xin tha thứ, xin phát biểu… tất cả đều là một sự thỉnh cầu để được phép làm (một cái gì đó).
Đó là một thái độ nghiêm túc, khiêm tốn, lễ phép và dĩ nhiên là phải lịch sự.
Liên quan đến yêu cầu của Phó Thủ tướng, có thể thấy rằng nếu người cán bộ không tự coi mình là “công bộc”, là “đầy tớ trung thành của nhân dân” thì chắc chắn không bao giờ họ có thái độ như thế đối với nhân dân. Phải hiểu chức trách của người đại diện công quyền, nhã nhặn, không được có thái độ cửa quyền, “bề trên” thì mọi phát ngôn mới thuận.
Trong số 4 từ “xin” đang nói thì “xin chào” là một tổ hợp ít bị chi phối yếu tố “xin” nhất. Chào là “tỏ thái độ kính trọng hoặc quan tâm đối với ai bằng lời nói hay cử chỉ, khi gặp nhau hoặc khi tạm biệt, chia tay”. Chào bác, chào anh, chào các bạn… hoặc bác ạ, anh đi đâu đấy… nên không nhất thiết phải thêm chữ “xin” (dù rằng đôi lúc ta vẫn có thể nói “xin chào các bạn”, “xin chào anh”, “xin chào chị”…). Cũng bởi đây đơn giản chỉ là một nghi thức xác lập giao tiếp. “Xin cảm ơn” cũng gần như vậy. Khi cần tỏ lòng biết ơn (đối với ai đó đã giúp đỡ mình, một việc gì đó) người ta đều phải lịch sự nói lời này. Nhưng “xin lỗi”, “xin phép” thì lại thuộc một phạm vi của sự thỉnh cầu, đề nghị.
Với “xin lỗi”, người Việt sử dụng từ này trong 2 trường hợp: 1. Xin được tha thứ vì đã biết lỗi: Em xin lỗi cô vì đã vi phạm kỉ luật trong giờ học. Cháu thành thực xin bác tha lỗi cho cháu…; 2. Dùng để mở đầu lời nói một cách lịch sự khi có việc phải làm phiền tới người khác: Xin lỗi, chị cho tôi đặt nhờ cái túi này. Xin lỗi, sáng nay tôi bận không đến kịp... Như vậy, ở trường hợp 1, “xin lỗi” có một tiền giả định là “người nói cho rằng trước đó mình đã có một hành vi phạm lỗi” và muốn được “thứ lỗi, tha lỗi”, người nói phải có đề xuất, để người nghe thấy rằng người đó biết lỗi và mong được chấp nhận lời xin lỗi.
Nếu một cán bộ, công chức, viên chức có lỗi (với nhân dân), họ phải tự ý thức được hành vi đó và chân thành đưa ra lời xin lỗi chứ không phải chỉ đưa mấy câu xin lỗi chiếu lệ, cốt cho xong. Bởi khác với nhiều hành vi khác, xin lỗi còn phải bao hàm hành động “hối lỗi” và trách nhiệm “sửa lỗi”. Người cán bộ thiếu trách nhiệm, tắc trách, làm ảnh hưởng hay gây thiệt hại cho dân thì kèm với việc xin lỗi là hành vi khắc phục lỗi (làm lại hoặc đền bù thiệt hại). Lời xin lỗi của các cơ quan công quyền (những vụ án xử oan sai chẳng hạn) nhiều khi còn phải công khai trong dư luận, thậm chí công bố trong giới truyền thông, chịu toàn bộ các chi phí vật chất cho người bị hại.
Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, mọi hành động của mỗi người đều phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật, bất cứ ai cũng đều phải “thượng tôn pháp luật”. Nhưng dù pháp luật có đầy đủ, rõ ràng đến mấy mà người thực thi không có thái độ nghiêm túc, chuyên nghiệp, hiểu đúng các nguyên tắc ứng xử giữa người với người thì cũng khó có thể thực thi chức trách một cách hiệu quả. Thế nên đừng nghĩ khi nói “xin” là ta hạ thấp mình.
Hãy biết nói từ “xin” một cách chân thành và cầu thị, các cán bộ của chúng ta sẽ được dân tin, dân trọng và dân mến. Chính điều này làm nên sự hợp tác tích cực giữa bộ máy công quyền và nhân dân.
PGS TS Phạm Văn Tình
(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)