In bài viết

Nông dân nuôi cá tra tiếp cận vốn vay 11%/năm

(Chinhphu.vn) – Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tính đến thời điểm này đã có nhiều địa phương thực hiện cho vay mới với lãi suất 11%/năm đối với nông dân nuôi cá tra.

12/10/2012 09:58

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Ảnh: Chinhphu.vn

Trong đó, tỉnh An Giang đã giải ngân được 276 tỷ cho nông dân vay với mức lãi suất ưu đãi 11%/năm.

Còn tại tỉnh Vĩnh Long, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long cho biết, 6 hộ nông dân vay vốn Ngân Hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã tiếp cận được với lãi suất 11%/năm và hạ lãi suất cũ xuống còn 15%/năm.

Tại Đồng Tháp tổng dư nợ người vay nuôi cá tra đã được giảm là 9.564 tỷ đồng. Ngoài việc đi khảo sát để tiến tới cho vay theo mức lãi suất 11%, tại đây cũng đã có 9 ngân hàng đang tiếp tục trình Hội sở xem xét giảm lãi suất cho khách hàng vay nuôi cá tra với tổng số dư nợ khoảng 637 tỷ đồng.

Hiện dư nợ cho nuôi và chế biến cá tra ở tỉnh An Giang là 1.265,338 tỷ đồng; tỉnh Đồng Tháp 4.154 tỷ đồng; thành phố Cần Thơ dư nợ cho nuôi và chế biến cá tra 5.688 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến nay, hầu hết các khoản dư nợ cho vay để nuôi, thu mua và chế biến cá tra tại các tỉnh đều đã thực hiện điều chỉnh lãi suất cho vay dưới 15%.

Tuy nhiên, ông Điền cho biết thêm, một số ngân hàng thương cổ phần vẫn cho vay ở mức lãi suất cao 19-21%/năm, điều này gây khó khăn nhất định cho việc nuôi và chế biến cá tra.

Ông Điền phân tích, hiện nay, chi phí sản xuất thực tế cho 1 ha mặt nước nuôi cá tra không dưới 8 tỉ đồng, thời gian nuôi cá mất 8 - 10 tháng nên người nuôi cần vay vốn dài hạn. Trong khi đó ngân hàng chỉ cho vay vốn ngắn hạn với hạn mức vay chỉ vài trăm triệu đồng/ha, chỉ đủ chi phí cho 1 vụ nuôi.

Một khó khăn khác đối với người nuôi và chế biến cá tra là hiện nay tình trạng người nuôi và doanh nghiệp đã hết tài sản thế chấp nên việc tiếp cận với ngân hàng để vay mới là hết sức khó khăn, cho nên việc thực hiện chủ trương cho vay với lãi suất tối đa 11%/năm sẽ khó phát huy được hiệu quả cao.

Kiến nghị bổ sung giải pháp vay vốn, thuế

Ông Điền cho biết, Tổng Cục Thủy sản đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị nghiên cứu chính sách cho phép một số ngân hàng cổ phần ngoài quốc doanh đủ điều kiện tham gia thực hiện cho vay ưu đãi với người nuôi và chế biến cá tra, đồng thời có các chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các ngân hàng này.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để người nuôi được hoàn lại thuế VAT đối với tiền mua thức ăn, đưa các nguyên liệu chủ lực (như bột cá, đậu nành, khô dầu, ngô) để sản xuất thức ăn chăn nuôi vào danh mục bình ổn giá.

Ngành Thủy sản cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp đối với các ngân hàng thương mại cổ phần để sớm điều chỉnh lãi suất cho vay đối với sản xuất và tiêu thụ cá tra ở mức hợp lý. Đồng thời, chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng duy trì hạn mức cho vay như cuối năm 2011 đối với các doanh nghiệp và cá nhân vay đáp ứng yêu cầu.

Giải pháp vốn để vực dậy ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu vẫn đang được tích cực triển khai. Những khó khăn, thách thức vẫn còn đó, hơn lúc nào hết, nông dân, doanh nghiệp đang cần sự nỗ lực của các cơ quan nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp người sản xuất, chế biến cá tra tăng khả năng tiếp cận vốn.

Dự kiến Hiệp hội cá tra Việt Nam được chính thức thành lập vào tháng 11 tới cùng với sự ra đời của nhiều quy định chặt chẽ, phù hợp từ phía cơ quan chức năng sẽ giúp dần định hình một tương lai sáng hơn cho con cá tra Đồng bằng sông Cửu Long, một mặt hàng thủy sản mang về hàng tỷ đô la mỗi năm cho đất nước.

Thúy An – Thanh Hoài  thực hiện

Tin liên quan:

>> Vốn hỗ trợ đến tay người nuôi cá tra