In bài viết

Nông dân xứ điều Bình Phước chống hạn

Những cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm của tỉnh Bình Phước ngày nào giờ đã thành đất trồng cây lâu năm, mất rừng khí hậu nhanh chóng biến đổi, để rồi mùa khô năm 2011, hàng nghìn nông dân xứ điều phải đào bới tứ phương tìm nguồn nước sinh hoạt và nước tưới cho cây trồng.

28/02/2011 15:31

Trong cái nắng gắt gao người dân mò mẫm, đào bới, không phải là tìm vàng như ở Quỳ Hợp, Quỳ Châu mà những người nông dân đang lần tìm nguồn nước tưới cho cây hồ tiêu. Nắng hạn gõ cửa từng nhà, khuấy đảo cuộc sống bình yên của bao vùng quê Bình Phước, ngay trung tâm xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, người dân ở hai ấp 8.B và 8.C vẫn phải từng ngày vật lộn để tìm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Đứng cạnh 2 cái giếng trơ đáy mà 60 hộ đồng bào dân tộc Stiêng vẫn dùng để lấy nước sinh hoạt bao đời nay, anh Điểu Đum, thôn 8.B cho biết: “Hai cái giếng này chưa bao giờ hết nước, nhưng năm nay từ trước tết, giếng đã cạn khô, người Stiêng chúng tôi lại phải đào giếng ở ngoài đồng”.

Hiện nay xã Lộc Hòa có 4 giếng nước khoan phục vụ sinh hoạt, nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Vang, Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa: “Trong toàn xã, các hồ, giếng của người dân đã cạn, giờ dân tập trung lấy nước ở giếng sinh hoạt cộng đồng nên các giếng này không đủ để phục vụ nhu cầu”.

Một mùa khô khốc liệt đã hiện hữu, không riêng gì người dân ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, hàng trăm hộ dân ở nhiều xã của huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước cũng đang khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Gần 2 tháng qua, gia đình anh Bùi Văn Hà và hơn 100 trong tổng số 240 hộ dân ở Ấp 9, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp phải chắt lọc, dè sẻn từng canh nước để sinh hoạt, bởi vì từ trước tết, giếng nước của các hộ dân này đã cạn khô.

Nắng hạn, cây lúa, cây hồ tiêu, cây cà phê (những loại cây cần nhiều nước tưới) được trồng nhiều ở Bù Đốp và Lộc Ninh đang có nguy cơ mất trắng. Xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, là một trong những xã trồng nhiều diện tích cây hồ tiêu nhất của tỉnh Bình Phước và chính cây hồ tiêu đã giúp biết bao gia đình nơi đây thoát khỏi đói nghèo. Nhưng năm nay, nắng hạn hoành hành, cây hồ tiêu thứ chết, thứ thì trụi lá. “Gia đình trồng gần 3.000 nọc tiêu, nhưng hai cái hồ và một cái giếng đã cạn từ trước tết, không có nước tưới nên hồ tiêu chết chỉ còn 2.000 nọc, những nọc còn sống cũng chẳng thể thu hoạch được gì. Chúng tôi giờ chỉ còn biết cầu trời cho mưa, nếu không năm nay hồ tiêu sẽ mất trắng” - ông Nguyễn Văn Minh, ấp 8.B, xã Lộc Hòa bộc bạch. Cũng theo ông Minh, trên diện tích 1 hécta người ta trồng khoảng 2.000 nọc tiêu, hồ tiêu là loại cây rất khó chăm sóc và phải sau 4 năm mới cho thu hoạch, không tính tiền công, 1 hécta hồ tiêu trong 4 năm phải đầu tư xấp xỉ 600 triệu đồng.

Không nỡ nhìn bao mồ hôi, tiền của chết cháy trong nắng hạn, hàng trăm hộ dân ở xã Lộc Hòa đã khoan giếng với ước mong tìm nguồn nước tưới. “Khoan hai cái giếng rồi, nhưng không có nước, vẫn cứ phải lần mò tìm kiếm nguồn nước bởi cả nhà tôi sống dựa vào diện tích hồ tiêu, năm ngoái một hécta hồ tiêu cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm” - Anh Nguyễn Hữu Chiến, tổ 3, ấp 6, xã Lộc Hòa lý giải.

Năm 2011, là một năm tất bật với những thợ khoan giếng. “Dân tự tìm đến nhà thuê chúng tôi đi khoan giếng, từ đầu mùa khô đến nay có gần 50% số giếng tôi khoan nhưng không có nước, dù đã khoan sâu tới 120 mét” - Anh Phạm Văn Tiếu, một thợ khoan giếng cho biết.

Nếu người dân ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh điêu đứng vì hồ tiêu không có nước tưới thì hàng nghìn nông dân ở các xã Hưng Phước, Phước Thiện, Thanh Hòa,… huyện Bù Đốp lại đau đầu về diện tích lúa chết cháy và cây cà phê héo khô. Anh Nguyễn Văn Đua, xã Hưng Phước, huyên Bù Đốp chỉ vào ruộng lúa nhà mình nói: “Vì không có nước, nên gần 3 sào lúa của gia đình tôi chết sau 2 tháng kể từ ngày gieo sạ”. Xã Hưng Phước có toàn bộ 160 hécta trồng lúa nước, nhưng nắng hạn kéo dài nên các gia đình phải ngậm ngùi đứng nhìn ruộng lúa chết từ trước tết. Theo ông Huỳnh Huy Hoàng, Trưởng ấp 9, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp: “Chuyện thiếu nước sinh hoạt hay nước tưới cho cây lúa và cà phê đã trở thành điệp khúc trong mùa khô nhiều năm nay”.

Điều đáng nói ở đây là huyện Bù Đốp đã có 2 công trình thủy lợi, đó là công trình sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn và Đập thủy lợi M26, còn xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, dự án Đập nước Suối Nuy đã được phê duyệt từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay những công trình này, cái thì nằm trên giấy, cái thì ỳ ạch “tiến độ rùa”. Đập thủy lợi M26, ở huyện Bù Đốp dù đã đưa vào sử dụng năm 2010, nhưng đến nay, với ngay những thửa ruộng sau bờ đập nó cũng không có khả năng cung cấp nước tưới. Ông Diệp Hoàng Thu, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Bù Đốp nói: “Nếu công trình sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn đưa vào hoạt động, thì những đồng lúa trên địa bàn huyện Bù Đốp không phải bỏ hoang như hiện nay, mực nước ngầm phục vụ sinh hoạt cũng không phải thiếu mỗi khi mùa khô đến”.

Năm 2011, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước dự báo là năm khó khăn nhất về nguồn nước từ trước đến nay, bởi lẽ mùa mưa năm 2010, tổng lượng mưa trung bình đo được tại các trạm trên địa bàn toàn tỉnh thấp hơn mức trung bình của các năm trước năm là 200,2mm, lượng dòng chảy ở các sông suối giảm nhiều, đặc biệt là mực nước ở các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh này hiện nay còn rất thấp. Ngay cả hồ thủy điện Thác Mơ (có tầm ảnh hưởng lớn đến nguồn nước tưới tiêu của tỉnh Bình Phước), hiện nay mực nước thấp hơn cao trình của mực nước bình thường là 10,7 m. Trong tháng 1/2011, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã triển khai phương án phòng, chống hạn trong mùa khô. Cùng thời gian này, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương cùng các hồ chứa triển khai các biện pháp chống hạn, đồng thời có công văn gửi các bộ, ngành liên quan xin kinh phí 30 tỷ đồng để hỗ trợ tỉnh này đối phó với mùa khô.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, người dân ở Bình Phước vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng của chính quyền trong việc phòng, chống hạn, vì vậy một vụ mùa mất trắng, nguy cơ tái nghèo đang cận kề hàng nghìn hộ dân nơi đây. Còn nhớ trận hạn hán khốc liệt năm 2005, hàng trăm nông dân ở Bình Phước đã phải bỏ xứ ra đi vì mất mùa, đói kém và có ai dám chắc rằng người dân xứ điều không thêm một năm lao đao? Mong chính quyền sớm vào cuộc với những biện pháp khả thi, để không chỉ mùa khô năm nay mà cả những năm tiếp theo người nông dân xứ điều không phải sống trong cảnh quay quắt vì nắng hạn. Bên cạnh đó, thiết nghĩ chính quyền cũng cần sớm quy hoạch một cách khoa học diện tích trồng cây lâu năm, cây hàng năm để ứng phó với những biến đổi của khí hậu.

Công Phong