Bệnh nhi vào viện trong tình trạng eo động mạch chủ hẹp nặng, máu không xuống được động mạch chủ (hình trái). Sau khi nong, máu đã lưu thông tốt (hình phải). Ảnh: BV Nhi Trung ương. |
Kết quả siêu âm cho thấy, eo động mạch chủ của cháu L.bị hẹp rất nặng và gần như tắc nghẽn, buồng tim trái giãn. Trẻ được nhập viện và chỉ định can thiệp nong eo động mạch chủ cấp cứu.
Ths.BS Lê Hồng Quang, phụ trách đơn vị Hồi sức tim mạch và là người trực tiếp thực hiện can thiệp cho bé L. cho biết, thông thường để nong eo động mạch chủ bị hẹp, bác sĩ sẽ luồn dụng cụ nong qua động mạch đùi để tiếp cận đoạn eo động mạch chủ bị hẹp ở tim.
Tuy nhiên, tình trạng hẹp eo động mạch chủ của cháu L. quá nặng, các bác sĩ phải chọn cách đưa dụng cụ vào qua động mạch nách bên trái. Nhưng do trẻ còn quá nhỏ, nên việc dùng đường động mạch nách cũng không dễ dàng.
Hình ảnh chụp trong quá trình can thiệp xác nhận eo động mạch chủ hẹp rất nặng, gây tắc luồng máu đi lên từ động mạch chủ.
Ngoài ra, phần động mạch chủ xuống cũng được cấp máu bất thường bởi các mạch máu phụ từ động mạch ngang và động mạch dưới đòn.
Bệnh nhi đã được nong eo động mạch chủ bằng bóng nhỏ, có đường kính 3 mm, sau đó tiếp tục nong bằng bóng to hơn có đường kính 6 mm.
Sau hơn một giờ đồng hồ, ca can thiệp thành công tốt đẹp, vị trí hẹp được mở ra, máu lưu thông tốt qua vị trí eo. Chức năng tim của bệnh nhân được cải thiện, mạch nhạy, sức khỏe phục hồi tốt.
Sau 2 ngày can thiệp, cháu L. đã được xuất viện.
Hẹp eo động mạch chủ là bệnh lý tim bẩm sinh thường gặp nhưng rất hay bị bỏ sót.
Bình thường tim co bóp đưa máu từ thất trái lên động mạch chủ đi nuôi cơ thể. Trường hợp eo động mạch chủ hẹp, máu bị tắc lại tại khu vực này sẽ khiến lưu thông máu xuống chi dưới bị hạn chế. Dòng máu bị chặn lại cũng khiến thất trái giãn và suy nhanh. Bệnh thường biểu hiện ngay ở thời kỳ sơ sinh hoặc bú mẹ. Hẹp eo động mạch chủ nặng thường diễn tiến nặng, tỉ lệ tử vong cao nếu không được can thiệp và cấp cứu kịp thời. |
Anh Kiên