Sở hữu một trong những trang trại nấm lớn nhất quận Cẩm Lệ, quy mô hơn 1.200 m2, ông Lê Văn Giới (phường Hòa Xuân) tất bật với chục ngàn hũ phôi giống để đến ngày 30 âm lịch kịp thu hoạch xuất ra thị trường.
Là người làm ruộng mấy chục năm trời, sau khi Đà Nẵng chỉnh trang đô thị, giải tỏa đền bù, vốn có sẵn kinh nghiệm trồng nấm ăn từ trước, ông Giới chuyển hẳn từ trồng lúa sang nấm ăn. Từ đề xuất hỗ trợ về vốn và đất, năm 2020 ông được vay vốn từ chương trình hỗ trợ việc làm của Hội Nông dân 100 triệu đồng trong vòng 3 năm và được bố trí đất theo chính sách dành đất còn thừa cho nông dân phát triển kinh tế.
"Ban đầu tôi trồng nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm rơm... dần dần xem xét nhu cầu thị trường thì vay tôi chọn nấm bào ngư làm chủ lực. Tôi tiếp tục tham gia nhiều lớp tập huấn của Thành phố, Trung tâm Khuyến nông, học hỏi kinh nghiệm bà con qua internet. Tôi đầu tư 3 máy (máy hấp thanh trùng, máy trộn bột, máy đóng phôi) khiến hiệu quả công việc tăng lên rõ ràng, đồng thời cũng giảm được nhân công", ông Giới cho hay.
Hiện mỗi tháng, cơ sở của ông Giới xuất ra được thị trường khoảng 1,5 tấn nấm bào ngư, tất cả sản phẩm được các thương buôn của các chợ thu mua với doanh thu khoảng 75 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh mô hình trồng nấm công nghệ cao, trong 2 năm trở lại đây, tại Đà Nẵng đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, những người nông dân "chân lấm tay bùn" trở thành hướng dẫn viên du lịch, tăng thu nhập từ việc du lịch trải nghiệm và thành những điểm đến "check-in" của những người ưa xê dịch.
Trong đó, vườn hoa thạch thảo tím và hoàng anh tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ lúc mới ra mắt vào năm 2020 đã gây "sốt" với du khách và các bạn trẻ tại Đà Nẵng. Mô hình trồng thử nghiệm thành công đã hút hơn 12.000 lượt người đến tham quan. Hiện mô hình tiếp tục duy trì và chuyển giao cho các hộ hội viên tiếp nhận và nhân rộng trên địa bàn quận.
Ông Lê Ngọc, chủ nhân của vườn thạch thảo cho biết đây là mô hình "Vườn hoa mẫu trong phố" do Hội Nông dân quận Cẩm Lệ hỗ trợ giống để trồng thử nghiệm. Gieo giống từ tháng 6/2020 trên diện tích hơn 350 m2, trong đó phần lớn là hoa thạch thảo tím và hoa hoàng anh .
"Hoa thạch thảo được nhập từ Đà Lạt về để trồng thử nghiệm. Do chỉ thích hợp ở nhiệt độ từ 18-20 độ C nên khi về Đà Nẵng với khí hậu nóng, muốn trồng được thạch thảo và để cây ra hoa phải làm giàn che và có kỹ thuật chăm sóc bài bản", ông Ngọc nói.
Theo Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Đà Nẵng, tại Đà Nẵng, cùng với quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, nông nghiệp đô thị được quan tâm từ sớm.
Từ năm 2010, UBND Thành phố đã đề ra chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, hỗ trợ nông dân làm các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đô thị hóa, Chỉ thị của UBND TP. Đà Nẵng về cấm nuôi gia súc, gia cầm ở khu vực nội thị có hiệu lực, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi diễn ra khá sôi động.
Hội Nông dân Thành phố tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm, trồng hoa, cây cảnh, các loại rau đậu ngắn ngày..., đồng thời hỗ trợ nông dân về vốn, giống, vật liệu sản xuất, chú trọng trợ giúp những hộ đầu tư làm các mô hình mới.
Đến nay, Đà Nẵng là một trong những địa phương có những mô hình nông nghiệp đô thị khá hiệu quả. Thành quả đáng kể nhất là nghề sinh vật cảnh, trống rau mầm, nấm ăn phát triển nhanh, tạo ra sản phẩm có giá trị.
Cũng từ đây, hàng trăm nông dân được tiếp cận với nghề trồng hoa, cây cảnh và có cơ hội làm giàu. Mô hình trồng hoa cây cảnh ở Đà Nẵng phát triển rất nhanh. Hiện quận, huyện nào cũng có Hội Sinh vật cảnh và khu trưng bày sản phẩm. Có hộ trồng tới 10.000 chậu cúc/vụ, hơn 5.000 gốc mai cảnh, thu nhập 300-400 tỷ đồng/năm.
Ngoài nghề trồng hoa, cây cảnh, việc sản xuất rau xanh cũng được ưu tiên phát triển và mang lại hiệu quả cao.
Bà Hứa Thị Thùy Phương, Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ, cho biết Hội đã xây dựng và chuyển giao cho hội viên nông dân hơn 40 mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị như mô hình "vườn hoa trong phố" thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm, checkin; mô hình "vườn rau La Hường kết hợp với du lịch trải nghiệm một ngày làm nông dân"; mô hình hoa giấy ngũ sắc; mô hình nhân giống cúc, nhân giống lan giã hạt; mô hình hoa lyly, dạ yến thảo, sản xuất nấm các loại,...
Các mô hình này hiện nay tiếp tục được phát triển nhân rộng và mang lại kinh tế cao cho hội viên nông dân.
Định hướng phát triển của quận trong thời gian tới là chú trọng các vùng chuyên canh rau, hoa, các loại hoa cao cấp, bonsai có giá trị kinh tế cao, tạo động lực cho các lĩnh vực khác phát triển. Đối với vùng rau, quận sẽ tập trung quy hoạch phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với dịch vụ du lịch sinh thái trải nghiệm; phát triển sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng áp dụng công nghệ vào sản xuất và chế biến để nâng cao giá trị nấm.
Theo TS. Nguyễn Quyết, Trưởng Phòng Khoa học ứng dụng Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, tiềm năng phát triển nông nghiệp đô thị tại Thành phố vẫn còn rất lớn cần được khai thác và phát triển.
Các quận, huyện cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị có tính chất dài hạn, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị tại quận; khoanh vùng chức năng cho đất sản xuất nông nghiệp; quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp đô thị. Huy động và tận dụng tối đa các không gian ở đô thị để sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại môi trường sống xanh cho người dân đô thị.
Bên cạnh đó, có các chính sách, các chương trình phát triển nông nghiệp đô thị để ứng dụng các công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương; hỗ trợ vốn, công nghệ và đào tạo chuyển giao kỹ thuật mới, mô hình mới cho người dân; hỗ trợ người dân trong việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Có chính sách hỗ trợ, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đô thị của quận để đảm bảo cho việc sản xuất diễn ra thường xuyên. Tổ chức thêm không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương./.
Minh Trang