In bài viết

Nông sản Hòa Bình về xuôi

(Chinhphu.vn) - Sáng 14/11, tại Siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội), Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình khai mạc Tuần lễ giới thiệu Sản phẩm cây ăn quả có múi và nông thủy sản an toàn, chất lượng của tỉnh Hòa Bình năm 2019, kéo dài tới ngày 18/11.

14/11/2019 15:30

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu cắt băng khai mạc tuần lễ giới thiệu nông sản Hòa Bình. Ảnh VGP/Thành Chung

Tới tham dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia; Bí thư tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh; lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, UBND tỉnh Hòa Bình và một số bộ, ngành Trung ương.

18 doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Hòa Bình trưng bày 22 gian hàng giới thiệu các mặt hàng chất lượng nhất của địa phương và thực hiện chính sách giảm giá khá “sâu” như cam Cao Phong (còn 20.000 đồng/kg), bưởi đỏ, bưởi da xanh Tân Lạc (33.000 đồng/quả), quýt Hòa Bình (30.000 đồng/kg) và các mặt hàng rau, củ, quả Lương Sơn, Yên Thủy, các loại trà túi lọc (Sachi, Giảo cổ lam, cao cà gai leo,…), tôm, cá sông Đà, gà ri Lạc Sơn,… với giá rất hấp dẫn. Tất cả các mặt hàng này đều có đầy đủ tem truy xuất nguồn gốc.

Ngoài Hà Nội, các mặt hàng của Hòa Bình cũng sẽ xuất hiện tại hệ thống các siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong dịp này.

Phó Thủ tướng tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm cá sông Đà có gắn truy suất nguồn gốc. Ảnh VGP

Theo ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, lượng tiêu thụ nông, thủy sản của Hòa Bình ở các tỉnh, thành phố khác còn thấp. Thị trường thành phố Hà Nội mới chỉ tiêu thụ từ 20-30% so với khả năng cung cấp của tỉnh Hòa Bình vì chưa hình thành mối liên kết giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ, thiếu thông tin về nguồn gốc sản phẩm.

Qua tuần lễ này, các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Hòa Bình muốn hướng tới đáp ứng nhu cầu về thực phẩm của người dân Hà Nội và các tỉnh phía Bắc trong dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý.

“Tỉnh Hòa Bình và các doanh nghiệp địa phương muốn gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp của Hà Nội, các tỉnh lân cận để giới thiệu sản phẩm và liên kết tiêu thụ nông sản chất lượng, an toàn, các sản phẩm OCOP nói riêng và xúc tiến phát triển đầu tư, thương mại và du lịch nói chung”, ông Khánh nói.

Được biết, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở Hòa Bình thực hiện quy trình VietGap, GlobalGap. Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ về nhãn hiệu tập thể như nhãn Sơn Thủy - Kim Bôi, bưởi đỏ - Tân Lạc, tôm, cá sông Đà, gà - Lạc Thủy, cam Cao Phong… được cấp Chứng nhận về Chỉ dẫn địa lý.

Ảnh VGP/Thành Chung

Tính tới hết năm 2018, tỉnh Hòa Bình có 10.500 ha cây ăn quả có múi, trong đó diện tích trong thời kỳ kinh doanh là gần 5.200 ha, năng suất bình quân đạt 239 tạ/ha, sản lượng hơn 123.700 tấn, gấp 3 lần so với năm 2015. Tốc độ phát triển cây có múi đạt 45%/năm, cao gấp 5 lần so với tốc độ phát triển cây có múi toàn quốc.

Ngoài ra, Hòa Bình còn có trên 4.000 lồng cá, sản lượng 8.000 tấn, gà ta đạt 4,2 triệu con.

Dự báo tới năm 2020, diện tích cây ăn quả có múi của Hòa Bình sẽ đạt trên 12.000 ha, sản lượng trên 30.000 tấn; 5.000 lồng cá với sản lượng 10.000 tấn, gà đạt 5,2 triệu con. Quy mô sản xuất có thể phát triển thêm 30% so với hiện nay vào năm 2025.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xem một sản phẩm OCOP được gắn mã 4 sao của Hòa Bình. Ảnh VGP/Thành Chung

Việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh còn khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi cao, vùng biên giới, trong đó có Hòa Bình luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Riêng Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ này đã 2 lần trực tiếp lên thị sát và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. Thủ tướng đánh giá diện mạo của tỉnh đã có nhiều đổi thay nhanh, tích cực, nhất là thu nhập của người dân đã khá hơn, yếu tố quan trọng thể hiện chất lượng tăng trưởng.

Là tỉnh miền núi với dân tộc Mường chiếm 63%, tỉnh có nhiều tiến bộ về xây dựng nông thôn mới, hình thành một số vùng về thay đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bước đầu hình thành chuỗi sản phẩm hàng hóa. Số xã nông thôn mới ở Hòa Bình là tiêu biểu cho vùng Tây Bắc.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình phải có chiến lược, quy hoạch phát triển, trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực, sản phẩm mũi nhọn như nông nghiệp, du lịch.

Với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và sự tham gia tích cực, chủ động của doanh nghiệp và người dân, các sản phẩm nông nghiệp của Hòa Bình đã từng bước khẳng định được chất lượng và thương hiệu trên thị trường. Sự kiện ngày hôm nay tại Hà Nội là biểu hiện sinh động cho những quyết tâm của chính quyền và người dân tỉnh Hòa Bình trong cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Không chỉ Hòa Bình mà địa phương miền núi lân cận như Sơn La, có điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn nhưng đã vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu nông sản của miền Bắc và cả nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng nhiều lần từng nhấn mạnh hướng đi thành công trong sản xuất nông nghiệp, nhất là tại các tỉnh, thành phố có cây đặc sản là không chỉ hướng tới thị trường trong nước mà phải hướng tới đáp ứng cả thị trường nước ngoài để có thành công lâu bền.

Trước những kết quả ban đầu này, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến để thông qua Đề án phát triển vùng dân tộc thiểu số tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra tại Hà Nội nhằm nhân rộng lên nhiều mô hình như Sơn La và những kết quả ban đầu như Hòa Bình đã đạt được để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sống của đồng bào dân tộc, rút ngắn khoảng cách với miền xuôi.

Thành Chung