Sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn đang dần mở rộng thị trường - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Những đổi thay từ Bắc Kạn
Một trong những hợp tác xã (HTX) được đánh giá cao tại tỉnh Bắc Kạn đó là HTX rượu chuối Tân Dân.
Mặc dù mới thành lập cuối năm 2016 nhưng thực tế Hợp tác xã rượu chuối Tân Dân đã trải qua một chặng đường không hề ngắn để xây dựng thương hiệu sản phẩm sạch từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ban đầu. Đến nay, HTX rượu chuối Tân Dân đã có 3 sản phẩm được gắn sao OCOP (3 sao) trong năm 2018 là rượu chuối, dấm rượu chuối và chuối sấy dẻo. Tiếp tục tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) trong năm nay, HTX rượu chuối Tân Dân đăng ký nâng cấp sản phẩm rượu chuối. Anh Nguyễn Đình Tân, Phó Giám đốc HTX cho biết: “Để phấn đấu sản phẩm đạt từ 4 hoặc 5 sao OCOP, chúng tôi đang tập trung hoàn thiện những tiêu chí năm trước chưa đạt điểm cao như liên kết vùng nguyên liệu, đóng hộp cho sản phẩm, đánh số lô hàng hóa khi sản xuất và các tiêu chí liên quan đến thương mại điện tử… Đến nay, HTX đã ký kết bao tiêu khoảng 385 ha chuối, xây dựng vùng nguyên liệu ở các xã trên địa bàn toàn tỉnh, tiếp tục hoàn thiện về mẫu mã, bao bì cũng như chất lượng sản phẩm và tăng cường quảng cáo trên website”…
Không chỉ riêng HTX rượu chuối Tân Dân mà còn rất nhiều sản phẩm lợi thế khác của Bắc Kạn đang phát triển theo hướng các sản phẩm OCOP.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 124 sản phẩm lợi thế chia thành 6 nhóm có thể thực hiện Chương trình OCOP, trong đó có 48 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 13 sản phẩm nhóm đồ uống; 7 sản phẩm nhóm thảo dược; 3 sản phẩm nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí; 53 sản phẩm nhóm dịch vụ du lịch nông thôn.
Hiện tại, một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã có được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh như: Miến dong Bắc Kạn; hồng không hạt (Ba Bể); cam (Chợ Đồn); quýt (Bạch Thông); dê, trâu, bò, ngựa (Pác Nặm) và một số sản phẩm truyền thống như rượu chuối, rượu men lá, mơ ngâm, thịt hun khói… Các sản phẩm trên được sản xuất bởi 114 tổ chức, cá nhân trên địa bàn, trong đó có 1 công ty cổ phần, 1 công ty TNHH, 25 hợp tác xã, 22 tổ hợp tác và 62 hộ sản xuất kinh doanh.
Hiện Bắc Kạn đã ban hành Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 (OCOP - BK). Theo đó, trong giai đoạn 2018-2020, Bắc Kạn đặt ra mục tiêu: Phát triển sản xuất kinh doanh ít nhất từ 30-40 sản phẩm truyền thống đặc sắc tại các cộng đồng trong tỉnh; xác định, lựa chọn hoàn thiện/nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị ít nhất từ 10-20 sản phẩm truyền thống có tiềm năng và khả năng phát triển theo hướng thương mại hóa có quy mô trung bình và lớn; hình thành từ 20-30 tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng và tái cơ cấu 10-15 tổ chức đã có để phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống (là các công ty cổ phần, công ty TNHH, hợp tác xã, tổ hợp tác...). Đến năm 2030, có 200 sản phẩm OCOP và phát triển mới ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, tạo ra 100 tổ chức kinh tế OCOP.
Phát triển mạnh mẽ
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, các bộ ngành Trung ương đã tích cực triển khai nhiệm vụ, chủ động ban hành văn bản chỉ đạo hoặc hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, địa phương thực hiện.
Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết mục tiêu về tổng số sản phẩm OCOP từ 53 tỉnh đã có kế hoạch hoặc đề án được chuẩn hoá chất lượng là đến năm 2020 phấn đấu đạt trên 3.500 sản phẩm. Trong đó nhóm thực phẩm có 2.052 sản phẩm, nhóm đồ uống có 347 sản phẩm, nhóm thảo dược có 224 sản phẩm, nhóm vải may mặc 92 sản phẩm, nhóm lưu niệm, nội thất trang trí có 623 sản phẩm và nhóm dịch vụ, du lịch và bán hàng có 162 sản phẩm. Dự kiến nguồn lực huy động đạt gần 8.860 tỷ đồng.
Cả nước đã có 6 tỉnh thẩm định, xét công nhận cho 269 sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm 5 sao, 100 sản phẩm 4 sao, 162 sản phẩm 3 sao. Điển hình như tỉnh Bắc Kạn có 37 sản phẩm đã được công nhận; tỉnh Quảng Nam có 25 sản phẩm; Lào Cai có 10 sản phẩm; tỉnh Quảng Ninh có 138 sản phẩm; tỉnh Bến Tre có 45 sản phẩm; tỉnh Nam Định có 14 sản phẩm…
Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy, tăng cường hoạt động triển khai Chương trình (Quảng Ninh, Quảng Nam, Lâm Đồng, Hà Nam, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình…). Đặc biệt, tỉnh Bắc Kạn là tỉnh đầu tiên của các nước đã vận động, thành lập Hội doanh nhân OCOP của tỉnh, được các doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất tích cực hưởng ứng.
Hiện nay Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương đang phối hợp với các đơn vị tư vấn tham mưu xây dựng 14 chuyên đề còn thiếu trong tổng số 27 chuyên đề thuộc Bộ Tài liệu đào tạo phục vụ triển khai Chương trình OCOP (cho đối tượng cán bộ triển khai, chuyên gia, CEO của các doanh nghiệp, hợp tác xã, Tổ hợp tác và các hộ sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là hướng dẫn và hỗ trợ chuyên gia tư vấn cấp Trung ương giúp các địa phương tổ chức hội nghị cấp tỉnh triển khai Chương trình. Nhiều tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn tập trung quy mô toàn tỉnh đến cấp xã (Gia Lai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Hòa Bình, Bến Tre, Đắk Nông…). Trong đó nhiều tỉnh đã tổ chức tập huấn cho từng huyện, xã, tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất, giúp sớm đạt kết quả ngay trong năm đầu tiên triển khai. Đến hết tháng 6/2019 đã có gần 1.800 lượt cán bộ cơ sở, 300 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất tham gia OCOP được tập huấn theo chuyên đề….
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chương trình OCOP trong 6 tháng đầu năm nay đã có bước phát triển rất tích cực. Thực tế OCOP đang dần trở thành phong trào lan rộng khắp các tỉnh, thành phố cả nước, góp phần thay đổi tập quán sản xuấy nhưng vẫn giữ được văn hoá truyền thống và tạo ra sinh kế của người nông dân ở nhiều địa phương trên cả nước.
Đỗ Hương