![]() |
Lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, sáng 17/10. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trên 300 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, địa phương và các vị Đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế đã tham dự buổi lễ.
Việc các nhà tài trợ đồng hành với sự nghiệp đổi mới của Việt Nam và cam kết dành ODA cho Việt Nam trong suốt 20 năm qua thể hiện sự đồng tình và ủng hộ chính sách phát triển kinh tế-xã hội đúng đắn, hợp lòng dân của Chính phủ và những lợi ích mà chính sách này đem lại cho người dân, nhất là người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sự ủng hộ chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ từ phía các nhà tài trợ đã góp phần tạo niềm tin và khuyến khích các doanh nghiệp và các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư ở Việt Nam. Mức độ đóng góp của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho GDP của Việt Nam tăng mạnh từ 2% năm 1992 lên 18,97% năm 2012.
Các khoản ODA mà Việt Nam đã ký kết trong 20 năm qua, bình quân khoảng 3 tỷ USD/năm, là một nguồn lực tài chính đáng kể, đã được sử dụng có hiệu quả để hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam thực hiện sự nghiệp đổi mới toàn diện đời sống kinh tế-xã hội của đất nước và đạt được những thành tựu phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội quan trọng.
Nguồn vốn ODA đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là trong những năm đầu của thập kỷ 1990 khi Việt Nam đẩy mạnh cải cách như điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải cách ngân hàng, hệ thống tài chính quốc gia...
Nguồn vốn ODA đã hỗ trợ xây dựng các luật và văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, hoạt động truyền thông và đào tạo pháp luật, đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền trong tiến trình chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập sâu vào khu vực và thế giới, nhất là trong quá trình Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hậu WTO,...
Đây cũng là nguồn vốn quan trọng giúp tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội của các ngành và lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội (giao thông vận tải, năng lượng, y tế, giáo dục và đào tạo,...) phát triển chính sách và cải cách quản lý các ngành và lĩnh vực này đáp ứng những yêu cầu chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nông nghiệp; xóa đói giảm nghèo; cải thiện môi trường đô thị và nông thôn; giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Lễ kỷ niệm, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đại diện cho cộng đồng các nhà tài trợ, đã đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo mà Việt Nam đạt được trong 20 năm qua, mối quan hệ hợp tác tốt đẹp được Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ dày công vun đắp.
Nguyễn Hoàng