Trong báo cáo triển vọng kinh tế tạm thời, OECD cho biết sau khi tăng trưởng 3,2% trong năm 2022, nền kinh tế thế giới đang trên đà tăng trưởng 2,6% trong bối cảnh các biện pháp thắt chặt của ngân hàng trung ương có hiệu lực đầy đủ.
Tổ chức có trụ sở tại Paris này đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 2,2% trong Triển vọng Kinh tế đưa ra hồi tháng 11/2022, với lý do giá năng lượng và lương thực giảm cũng như việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế phòng ngừa COVID-19.
Trong năm 2024, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ "nhích" lên 2,9%, so với dự báo tăng trưởng 2,7% hồi tháng 11/2022, khi tác động của giá năng lượng cao đến thu nhập hộ gia đình giảm dần.
Báo cáo nêu rõ: "Các dấu hiệu tích cực hơn đã bắt đầu xuất hiện, khi tâm lý của giới kinh doanh và người tiêu dùng bắt đầu cải thiện, giá lương thực và năng lượng giảm và Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn".
OECD dự báo lạm phát tại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ giảm từ 8,1% trong năm 2022 xuống 5,9% trong năm nay và tiếp tục giảm xuống 4,5% vào năm 2024, song vẫn cao hơn mục tiêu đề ra bất chấp việc nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất.
OECD dự đoán lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương sẽ đạt đỉnh ở mức 5,25% -5,5% tại Mỹ và mức 4,25% ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và ở Anh, trong đó nếu lạm phát giảm, các ngân hàng có thể nới lỏng "nhẹ" vào năm 2024.
OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại từ 1,5% trong năm nay xuống 0,9% trong năm 2024 do lãi suất cao hơn làm giảm nhu cầu.
Sau khi nới lỏng các biện pháp ngăn ngừa COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 5,3% trong năm nay và 4,9% vào năm 2024, tăng so với dự báo hồi tháng 11/2022 lần lượt là 4,6% và 4,1%.
Triển vọng của kinh tế Eurozone cũng được cải thiện nhờ giá năng lượng giảm, trong đó nền kinh tế Eurozone dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm nay, sau đó là 1,5% vào năm 2024. OECD trước đó đã dự báo các mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024 của Eurozone lần lượt là 0,5% và 1,4%.
Tuy nhiên, OECD cũng cảnh báo rằng "triển vọng vẫn còn mong manh, những nguy cơ đã phần nào được xoa dịu, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều yếu tố tiêu cực."
Để lý giải cho nhận định này, báo cáo của OECD viện dẫn tình hình xung đột tại Ukraine, nguy cơ về những áp lực mới đối với thị trường năng lượng và tác động của việc tăng lãi suất.
Theo OECD, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát đã lên tới mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ, nhưng thị trường lo ngại rằng chi phí vay tăng có thể khiến các nền kinh tế rơi vào suy thoái.
"Các dấu hiệu về tác động của việc siết chặt chính sách tiền tệ đã bắt đầu xuất hiện ở một số bộ phận thuộc ngành ngân hàng, trong đó bao gồm cả các ngân hàng tại Mỹ. Lãi suất cao hơn cũng có thể có tác động mạnh hơn đến tăng trưởng kinh tế so với dự kiến, đặc biệt nếu điều này làm lộ ra các lỗ hổng tài chính cơ bản", Báo cáo của OECD cho biết.
Nguyễn Đức