In bài viết

OECD: Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ là chủ trương đúng đắn

(Chinhphu.vn) - Trong Báo cáo chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp tại Việt Nam được công bố mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng, chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là chủ trương đúng đắn, nhưng cần được cải thiện ở một số khía cạnh.

06/07/2022 19:25
OECD: Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ là chủ trương đúng đắn - Ảnh 1.

Định nghĩa về CNHT nghiêng nhiều về ngành sản xuất chế tạo - Ảnh: VGP/Kim Liên

Theo OECD, Chính phủ Việt Nam sử dụng thuật ngữ "công nghiệp hỗ trợ" (CNHT) để định nghĩa các ngành sản xuất vật liệu, phụ kiện, linh kiện và phụ tùng thay thế dùng để lắp ráp thành phẩm.

Chương trình ưu tiên phát triển CNHT gần đây nhất tập trung vào sáu nhóm ngành (dệt may; da giày; điện tử; ô tô; cơ khí/máy công cụ; và công nghiệp công nghệ cao) và đưa ra một loạt các biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu các nhà cung cấp trong nước đủ năng lực cạnh tranh.

OECD cho rằng, chương trình là chủ trương đúng đắn nhưng cần được cải thiện ở một số khía cạnh.

Thứ nhất, nguồn ngân sách dành cho chương trình tương đối mỏng và hầu như chỉ giới hạn trong các ưu đãi thuế và trợ cấp vay vốn; các hoạt động phổ biến khác nhằm phát triển nhà cung ứng, chẳng hạn như đào tạo và nâng cao năng lực, không nằm trong chính sách này.

Thứ hai, định nghĩa về CNHT có lẽ quá cứng nhắc và nghiêng nhiều về ngành sản xuất chế tạo, trong khi ngành dịch vụ cũng có thể thực hiện chức năng "hỗ trợ" quan trọng cho ngành xuất khẩu.

Thứ ba, các ưu đãi hiện nay có thể được mở rộng cho các nhà cung ứng thứ cấp, nhằm xây dựng các chuỗi giá trị trong nước tích hợp hơn.

Cuối cùng, việc giám sát và đánh giá chính sách CNHT vẫn có thể cải thiện hơn nữa. Có thể phối hợp chính sách này với các chương trình liên quan khác của Chính phủ dành cho các nhà cung ứng trong nước tiềm năng. Cần có cách tiếp cận tích hợp hơn nhằm xây dựng chuỗi cung ứng liên kết dọc

Trong tương lai, để xây dựng mối liên kết công ty đa quốc gia - doanh nghiệp nhỏ và vừa mạnh mẽ hơn, điều quan trọng là phải triển khai các chương trình nâng cao tay nghề lực lượng lao động và kỹ năng quản lý, đồng thời, tăng cường tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế ở cấp độ doanh nghiệp; khuyến khích nghiên cứu hỗ trợ từ các trường đại học; và tạo điều kiện để các công ty đa quốc gia định vị các nhà cung cấp trong nước "đủ tiêu chuẩn" và "được xác minh".

Điều kiện cơ bản cho sự thành công của các sáng kiến này là sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài, cam kết của các nhà cung ứng trong nước và vai trò điều phối tích cực của Chính phủ.

Một cách tiếp cận tích hợp hơn cũng sẽ tập trung vào việc cải thiện điều kiện môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng cơ bản, bao gồm: Cải thiện việc thực thi hợp đồng và các thủ tục hải quan;  nâng cấp hệ thống giao thông và phát triển chiến lược đi lại trong các trung tâm kinh tế chính; cải thiện các dịch vụ hỗ trợ hậu cần, chẳng hạn như lưu trữ, kho bãi và bốc dỡ hàng hóa;  xây dựng một hệ thống tín dụng hiệu quả hướng tới hỗ trợ tài chính cho chuỗi cung ứng và tín dụng dài hạn; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm nâng cao năng lực đổi mới của các nhà cung cấp trong nước; thiết lập các tổ chức cung cấp dịch vụ chuyên biệt cho CNHT, chẳng hạn như đơn vị thử nghiệm và cơ quan chứng nhận; và huy động sự tham gia của các trường đại học và cao đẳng nghề trong việc bồi dưỡng tay nghề kỹ thuật và kỹ năng mềm cần thiết cho việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Dữ liệu từ Điều tra Quản lý Thế giới (World Management Survey) (chỉ thực hiện đối với doanh nghiệp quy mô vừa và lớn trong lĩnh vực sản xuất chế tạo) cho thấy các nhà quản lý của Việt Nam trong các công ty quy mô vừa thuộc lĩnh vực sản xuất chế tạo có trình độ tốt hơn các đồng nghiệp của họ từ các nền kinh tế lớn mới nổi khác (ví dụ như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ). Khoảng cách về kỹ năng quản lý giữa các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ở Việt Nam cũng nhỏ hơn nhiều so với mức trung bình của OECD, điều này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho quan hệ giữa người mua và nhà cung ứng.

Nhật Thy