Theo TTXVN, Báo cáo của OECD dự báo tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á sẽ giảm từ mức 5,6% năm 2022 xuống còn 4,6% trong năm nay, do nhu cầu suy giảm khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Các yếu tố chính kìm hãm tăng trưởng ở Đông Nam Á trong năm 2023 liên quan đến lạm phát còn dai dẳng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Mức lạm phát hiện tại trong khu vực ASEAN là "vừa phải và dưới mức trung bình của các nước OECD", mặc dù mức độ này sẽ tiếp tục duy trì.
Hoạt động thương mại của nhiều quốc gia ASEAN sôi động vào năm 2022 nhưng đã chậm lại từ quý IV cùng năm. Trong năm nay, hoạt động thương mại ở ASEAN được dự báo sẽ suy yếu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, trong đó có vấn đề liên quan đến nguồn cung.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ phần nào bù đắp sự suy giảm này do dòng chảy xuyên biên giới từ Trung Quốc sẽ là một nguồn quan trọng trong khu vực ASEAN.
Dự báo về tăng trưởng các nước ASEAN, OECD nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2023 và ở mức tương tự trong năm 2024 nhờ động lực chính là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo, nhất là điện tử, chế tạo máy, dệt may, giày dép. Việt Nam cũng được hưởng lợi sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa COVID-19.
Với tốc độ này, OECD nhận định "Việt Nam tiếp tục dẫn đầu tốp 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á".
OECD cũng dự báo tăng trưởng của Philippines sẽ đạt 5,7% năm 2023 và 6,1% năm 2024.
Tăng trưởng của Indonesia lần lượt đạt đạt 4,7% và 5,1%. Malaysia đạt 4,0% và 4,2%. Thái Lan đạt 3,8% và 3,9% trong cùng thời gian... Trong khi đó, Singapore và Myanmar được dự báo có mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất khu vực, lần lượt ở mức 2,2% và 2% trong năm 2023.
Về tăng trưởng của Trung Quốc, OECD dự báo trong năm 2023, nước này đạt mức tăng trưởng 5,3%, tăng so với mức 3% của năm 2022.
Báo cáo của OECD cũng cho rằng việc Trung Quốc dỡ bỏ chính sách "không COVID" sẽ thúc đẩy lượng khách du lịch đến ASEAN và giúp cho các nền kinh tế dựa vào doanh thu du lịch quốc tế được hưởng lợi./.