SVĐ Pyeongchang, nơi tổ chức lễ khai mạc, bế mạc Thế vận hội mùa Đông 2018 |
Ủy ban Tổ chức Olympic Pyeongchang cho biết tới thời điểm hiện tại, có 92 quốc gia tham dự Olympic Pyeongchang.
Tại kỳ Thế vận hội này, mặc dù các VĐV khúc côn cầu trên băng của Mỹ không tham dự và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cấm các vận động viên (VĐV) Nga thi đấu, nhưng dự kiến đây là kỳ đại hội có nhiều nước cử đoàn tham gia đông kỷ lục.
Đông nhất là đoàn thể thao Mỹ với 242 VĐV. Tiếp đó là Canada, cường quốc môn khúc côn cầu trên băng cử 230 VĐV. Nước Anh cũng cử 59 VĐV, con số kỷ lục của nước này tham dự một kỳ Thế vận hội mùa Đông. New Zealand cũng đưa tới Hàn Quốc số lượng VĐV đông nhất từ trước đến nay là 21 người. Tương tự, Nhật Bản đưa 123 VĐV, số lượng đông nhất trong lịch sử nước này tham dự.
Olympic Pyeongchang 2018 cũng là kỳ Olympic đặc biệt với Hàn Quốc và Triều Tiên.
IOC đã cho phép Triều Tiên tham gia thi đấu 3 bộ môn với 5 nội dung, gồm trượt băng nghệ thuật đôi nam nữ, trượt băng tốc độ vốn và khúc côn cầu trên băng nữ. Đoàn Triều Tiên sẽ có 22 VĐV cùng 24 quan chức, cán bộ, huấn luyện viên sẽ tới Olympic Pyeongchang.
Còn với Hàn Quốc, ngày 29/1 (ngày cuối cùng đăng ký danh sách VĐV dự Olympic), đoàn chủ nhà cử 144 VĐV thi đấu tất cả 15 môn. Đây cũng là con số kỷ lục VĐV Hàn Quốc dự một kỳ Olympic mùa Đông (gấp đôi số VĐV dự Olympic Sochi năm 2014).
Ngoài ra, Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhất trí sử dụng tên gọi quốc gia là "Korea" khi cùng tiến vào lễ đài tại lễ khai mạc Olympic, cầm lá cờ chung vẽ hình ảnh bán đảo Triều Tiên thống nhất và sử dụng bài dân ca Arirang thay quốc ca hai nước.
Chủ tịch IOC Thomas Bach tuyên bố việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội tổ chức ở Hàn Quốc là một bước ngoặt vĩ đại cho tinh thần Olympic.
Robot mang tên DRC Hubo rước đuốc Olympic. Ảnh: Yonhap |
Ngoài “dấu ấn hòa bình” nói trên, Olympic Pyeongchang 2018 còn là kỳ Thế vận hội mùa Đông đầu tiên trong lịch sử có hơn 100 huy chương vàng (HCV).
Trước đó, Bộ VHTT&DL Hàn Quốc và Ủy ban Tổ chức Olympic Pyeongchang 2018 đã công bố bộ huy chương Olympic 2018.
Theo đó, huy chương có đường kính 92,5 mm, dày từ 4,4 mm - 9,42 mm. HCV có trọng lượng 586 g; HCB nặng 580 g và HCĐ là 493 g.
Theo quy định của IOC, HCV được mạ hơn 6 g vàng ròng trên bạc ròng.
Hàn Quốc là một trong những nước có công nghệ phát triển và dịp này, các tập đoàn lớn của họ cũng được Ban Tổ chức cho phép sử dụng công nghệ hiện đại phục vụ Olympic.
Cụ thể, lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, tại Olympic mùa Đông 2018, một chú robot tham gia rước đuốc.
Vào ngày 11/12/2017, robot mang tên DRC Hubo của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ cao cấp Hàn Quốc (KAIST) đã rước ngọn đuốc Olympic trên một quãng đường dài 200 m. Sự kiện này mang ý nghĩa Olympic PyeongChang 2018 là lễ hội thể thao mùa đông thể hiện sự bình yên.
Bên cạnh đó, Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 sẽ đi vào lịch sử trở thành Olympic đầu tiên sử dụng mạng 5G.
Công nghệ 5 G lần đầu tiên được sử dụng tại một kỳ Olympic |
Phần biểu diễn trong lễ khai mạc và bế mạc của Olympic Pyeongchang đã được công bố hôm 23/1 với ý nghĩa nhằm truyền tải thông điệp về hòa bình và sự nhiệt huyết, thể hiện giá trị "hòa hợp" và "hợp nhất" vốn có ý nghĩa đặc biệt với bán đảo Triều Tiên.
Màn biểu diễn trong lễ khai mạc ngày 9/2 sẽ là câu chuyện về 5 đứa trẻ sống ở tỉnh Gangwon và chuyến du hành thời gian đi từ thời cổ đại đến tương lai để tìm kiếm ý nghĩa của hòa bình.
Còn phần trình diễn trong lễ bế mạc ngày 25/2 sẽ mang ý nghĩa hòa hợp vượt lên trên thời đại và thế hệ.
Linh vật của Olympic Pyeongchang là chú hổ trắng Sohorang (bên trái) và chú gấu ngựa Bandabi (bên phải). Hổ và gấu ngựa là hai loài động vật gắn bó mật thiết, có ảnh hưởng lớn tới đời sống văn hoá, nghệ thuật của đất nước Hàn Quốc. Ảnh: Hàn Quốc 24h.net |
Nhằm bảo đảm cho một kỳ Olympic thành công, Ban Tổ chức đã chuẩn bị các trang thiết bị nhằm giúp hơn 43.000 khán giả giữ ấm khi tới xem lễ khai mạc và bế mạc tại sân vận động không mái vòm.
Theo đó, khán giả sẽ được cung cấp các vật dụng giữ ấm như áo mưa, chăn cá nhân, mũ và miếng giữ nhiệt còn sân vận động được lắp đặt các tấm chắn gió xung quanh.
Trước thềm lễ khai mạc, nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ thực hiện được mục tiêu của Thế vận hội là một "Olympic hòa bình lớn nhất thế giới" tại chính mảnh đất vẫn đang bị chia cắt này.
Thanh Phương (theo KBS/Yonhap)