Ảnh minh họa |
Nhờ có sự động viên, giúp nhau phát triển kinh tế nên cuộc sống của bà con đã dần đi vào nề nếp và ổn định. Những ngôi nhà cũ giờ đã được thay thế bằng những ngôi nhà sàn đều tăm tắp chạy dọc theo con đường thôn với khuôn viên cây xanh, vườn rau... rất quy củ và khoa học. Khi về định cư tại đây, mỗi hộ được cấp 300 m2 đất để dựng nhà.
Gia đình chị Nguyễn Thị My là một trong những hộ có cuộc sống khá ổn định sau khi di chuyển đến nơi ở mới ở thôn 21, xã Lăng Quán. Chị My cho biết, trước đây tại nơi ở cũ vào mùa khô nước sinh hoạt rất thiếu, điện sinh hoạt cũng không có.
Nay đến nơi ở mới, cơ sở hạ tầng được Nhà nước đầu tư đồng bộ nên cuộc sống người dân được cải thiện rất nhiều. Được biết, sau khi đến nơi ở mới, ngoài làm nông nghiệp, gia đình chị My còn mở cửa hàng bán tạp hóa và đầu tư mua máy xay xát công suất lớn để phục vụ bà con trong vùng, kết hợp với việc nấu rượu ngô lấy bã nuôi lợn. Nhờ chăm chỉ làm ăn, có những năm gia đình chị thu về vài chục triệu đồng từ chăn nuôi, buôn bán.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND xã Lăng Quán tâm sự: Mặc dù là thôn tái định cư, điều kiện kinh tế nhiều hộ còn khó khăn nhưng nhờ biết đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, giúp nhau về giống, vốn trong phát triển kinh tế nên đời sống người dân được cải thiện rất nhiều so với khi mới di chuyển đến. Hiện, 100% số hộ trong thôn 21 (tái định cư) có phương tiện nghe nhìn, trên 90% số hộ sắm được xe máy làm phương tiện đi lại…
Bên cạnh đó, đời sống văn hóa, xã hội các điểm tái định cư được cải thiện hơn so với nơi ở cũ; các điểm tái định cư đều được phủ sóng phát thanh, truyền hình, 100% các điểm tái định cư có điện lưới quốc gia, có đường ô tô, các thôn tái định cư thành lập mới đều có nhà văn hóa, nhà lớp học mầm non. Con em đồng bào tái định cư được tạo điều kiện học tập, người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, đối tượng chính sách xã hội, người có công, hộ nghèo luôn được quan tâm…
Quang Đán