Nhìn lại chiều dài 28 năm quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ, có thể thấy nó đã trải qua một chặng đường rất dài với những thành tựu và những kết quả đạt được có lợi cho
cả hai bên, đáng chú ý là hai nước từ một cựu thù trở thành đối tác, đối tác toàn diện và bây giờ là đối tác chiến lược toàn diện.
Cả hai nước đã khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, hợp tác với nhau trong khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh, làm giảm bớt đi nỗi đau; là cầu nối để xây dựng lòng tin và hiểu biết giữa hai bên.
Khắc phục hậu quả chiến tranh chính là dấu mốc lớn trong giai đoạn đầu thiết lập quan hệ của hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trụ cột về kinh tế cũng phát triển rất mạnh mẽ trong 28 năm qua. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng vượt bậc, từ con số chưa đến nửa tỷ USD năm 1994 lên đến hơn 123 tỷ USD năm 2022; không gian, dư địa để hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng.
Bằng việc thông qua Tuyên bố đối tác toàn diện năm 2013, hai nước Việt Nam- Hoa Kỳ đã có một khuôn khổ hợp tác ổn định, lâu dài. Khuôn khổ hợp tác toàn diện này vừa đánh dấu giai đoạn phát triển trước đó, đồng thời định hướng và tạo cơ sở cho những bước phát triển tiếp theo.
Trong 10 năm thiết lập đối tác toàn diện vừa qua, quan hệ hai nước nhìn chung cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh- quốc phòng, khoa học công nghệ và giao lưu nhân dân phát triển vượt bậc; hợp tác khu vực và hợp tác quốc tế đều được tăng cường. Con số thương mại hai chiều tăng trưởng cao (từ 38 tỷ năm 2013 đến 123 tỷ USD năm 2022) có ý nghĩa là Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và duy nhất đến nay đạt hơn 100 tỷ.
Theo ông Phạm Quang Vinh, để có thể nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện, cần nhìn vào đối tác và đánh giá thế nào là đối tác thực sự, tầm cỡ; vị thế ra sao trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam và mối quan hệ hai nước, đồng thời cũng phải thể hiện được những yếu tố: Một là hai bên phải cần nhau và có lợi ích hợp tác song trùng.
Hai là cần phải có những nguyên tắc và cơ chế để bảo đảm tính ổn định lâu dài của quan hệ.
Ba là vẫn phải có những dư địa để hợp tác nhiều hơn nữa.
Bốn là phải có phương thức hay có cơ chế để quản trị được những khác biệt, nhân lên những điểm tương đồng, không để những khác biệt làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.
Trong 28 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ hai nước và 10 năm đối tác toàn diện vừa qua, hợp tác kinh tế hai nước không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam không chỉ có vị trí về địa chiến lược mà còn có vai trò về địa kinh tế ở khu vực. Trong khi đó, Hoa Kỳ rất coi trọng Châu Á- Thái Bình Dương và coi Việt Nam là một nhân tố rất quan trọng đối với khu vực và đối với ASEAN.
Đến nay Việt Nam đã trở thành một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Hoa Kỳ và những tập đoàn, công ty lớn của Hoa Kỳ đánh giá cao vai trò của Việt Nam.
Hai bên cũng đã thiết lập khuôn khổ và các nguyên tắc để chỉ đạo quan hệ như tôn trọng, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Đây là cơ sở cho hai nước có trình độ phát triển kinh tế khác nhau, có chế độ chính trị xã hội khác nhau, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng lòng tin và phát triển quan hệ, là tiền để để thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Việt nam và Hoa Kỳ khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, khác biệt về xã hội, khác biệt về chính trị. Tuy nhiên hai bên cũng đã có những đối thoại xây dựng, hợp tác với nhau, quản trị những khác biệt, điểm tương đồng được nhân lên.
Theo ông Phạm Quang Vinh, việc nâng 2 bậc quan hệ giữa hai nước từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện đã thể hiện tính toàn diện và tầm chiến lược của quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ.
Dư địa hợp tác của hai nước thời gian tới còn rất lớn và được mở rộng. Những ngành kinh tế mới mà Hoa kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu sẽ được thúc
đẩy, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ và sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi xanh.
Theo đó, nhiều dự án liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có những dự án mà Hoa Kỳ cùng với đối tác sẽ giúp cho Việt Nam chuyển đổi năng lượng sạch, sau những cam kết của Việt Nam ở Hội nghị thượng đỉnh COP 26.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Hoa Kỳ nhấn mạnh sẽ hỗ trợ Việt Nam, thúc đẩy Việt Nam trở thành một bộ phận trong chuỗi cung ứng chíp bán dẫn của Hoa Kỳ với thế giới. Đây là một lĩnh vực hợp tác rất quan trọng, một sự chuyển giao công nghệ và hợp tác đột phá.
Đồng thời, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực có thể thích ứng và đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi về công nghệ.
Ông Phạm Quang Vinh cho rằng, bước nhảy vọt trong nâng cấp quan hệ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện phản ánh việc hai bên đã có những cơ chế để bảo đảm tin cậy, có cơ chế tôn trọng thể chế chính trị của nhau để cùng thúc đẩy hợp tác; đồng thời phản ánh được rằng vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng tăng.
Trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam đề ra mục tiêu đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu; thiết lập các quan hệ đối tác, đối tác chiến lược và các cấp độ ưu tiên cao hơn.
Xuất phát từ thực tiễn trong quá trình hội nhập quốc tế của mình, Việt Nam xác lập cấp quan hệ "Đối tác toàn diện" với ý nghĩa đây là khuôn khổ, là khởi đầu cho những hợp tác chiến lược. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với 12 quốc gia, trong đó có Mỹ, nhằm nhấn mạnh các mặt hợp tác toàn diện, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh khẳng định, Hoa Kỳ là nước thứ năm sau Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đối tác rất quan trọng khác
của Việt Nam như Nhật Bản, Australia, Singapore, Indonesia trong thời gian vừa qua đã tiếp tục trao đổi với Việt Nam nhằm hướng tới nâng tầm quan hệ tương đương như vậy.
Điều này thể hiện các đối tác đều rất coi trọng Việt Nam, cần Việt Nam và Việt Nam cũng cần các đối tác trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng quan hệ đi cùng với những cơ hội về hợp tác kinh tế và nhiều cơ hội khác nhằm phát triển và đảm bảo lợi ích của Việt Nam trên các phương diện an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế.
Việc nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đã thể hiện rất rõ Việt Nam nỗ lực vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Không chỉ riêng với Hoa Kỳ, hợp tác được nhân lên giữa Việt Nam với các đối tác từ láng giềng, khu vực cho đến các nước lớn đều nhằm phục vụ cho những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là phát triển đi cùng với hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.
Hồng Nguyên