Ông Vũ Tiến Lộc phân tích, việc bãi bỏ Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống (Thông tư 20) sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước. Ví dụ như Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải điểm xuất phát từ một DN nhỏ, phân phối xe, sau đó mới phát triển trở thành DN sản xuất ô tô hàng đầu Việt Nam. Vì vậy, Nhà nước nên trao cho các DN nhỏ cơ hội để phát triển chứ không nên ngăn cản, từ đó mới có các DN tư nhân lớn như Trường Hải.
Ông Lộc cho rằng Thông tư 20 không phù hợp với tinh thần của pháp luật cạnh tranh, cũng như Luật Sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau khi Thông tư 20 có hiệu lực, số lượng xe ô tô nhập khẩu có giảm trong năm 2011 và năm 2012, nhưng các năm 2013-2015 thì tăng rất mạnh (năm 2011 nhập 55.000 xe thì đến năm 2015 là 125.000 xe).
Hơn nữa, qua thống kê, tình trạng chi tiêu ngoại tệ cho nhập khẩu xe dưới 9 chỗ năm 2011 là 1,02 tỷ USD, sang năm 2015 đạt 2,98 tỉ USD (giá trị chưa tính thuế). Tỷ trọng của ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ trong tổng kim ngạch nhập khẩu toàn quốc năm 2011 là 0,94%, nhưng đến năm 2015 là 1,81% (tăng gần gấp đôi). Với lập luận trên, Chủ tịch VCCI cho rằng không có căn cứ cho thấy việc duy trì Thông tư 20 có tác dụng hạn chế nhập siêu.
Ngoài ra, ông Lộc cũng phản đối các ý kiến cho rằng một số DN nhỏ nhập khẩu không có ủy quyền có hành vi gian lận thuế. Bởi nếu đây là hành vi vi phạm pháp luật thì cần sử dụng công cụ và hình thức khác để xử lý, không nên để Thông tư 20 phải “gánh thêm” sứ mệnh chống trốn thuế này.
Theo Chủ tịch VCCI, các quy định cần hướng đến việc định hướng các DN kinh doanh đàng hoàng, chính đáng, chứ không phải vì một vài trường hợp vi phạm mà cấm toàn bộ các DN nhập khẩu không có ủy quyền.
Về kiểm soát chất lượng, có thể khẳng định, về mặt pháp luật, Việt Nam đã có đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu. Việc kiểm soát này không có sự khác biệt giữa xe ô tô nhập khẩu của thương nhân có ủy quyền hay thương nhân không có ủy quyền. Do đó, không có cơ sở để khẳng định Thông tư 20 giúp làm tăng chất lượng xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam.
Chủ tịch VCCI khẳng định các quy định tại Thông tư 20 rõ ràng có tính chất là một điều kiện kinh doanh vì đã trao quyền cho một số DN nhất định, đủ điều kiện thì được kinh doanh, còn các DN khác thì không. Khi các DN khác khó hoặc không thể gia nhập thị trường thì toàn bộ thị trường sẽ nằm trong tay một vài DN lớn. Trong môi trường như vậy rất dễ hình thành các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện Chính phủ đang soạn thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó đang đưa vào một quy định về việc các cơ quan Nhà nước không được đặt ra điều kiện dưới hình nào đó mà hạn chế khả năng gia nhập thị trường, kinh doanh của DN nhỏ và vừa. Trong khi đó, Thông tư 20 lại đang cản trở việc gia nhập thị trường của các DN này.
Về vấn đề này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều tối 2/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Trong quá trình rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh để thực hiện Luật Đầu tư, quy định về nhập khẩu ô tô tại Thông tư 20 đang được Bộ Công Thương tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết trên cơ sở báo cáo và đề xuất của Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan, hiệp hội, DN liên quan, Thủ tướng sẽ xem xét, có ý kiến chỉ đạo trên quan điểm bảo đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thực tế hoạt động kinh doanh nhập khẩu ô tô.
Huy Thắng