In bài viết

PCI 2019: Quảng Ninh dẫn đầu 3 năm liên tiếp

(Chinhphu.vn) - Với 73,40 điểm trong Bảng xếp hạng PCI 2019, tăng 3,04 điểm so với năm 2018, Quảng Ninh lần thứ 3 chiếm ngôi quán quân, á quân Đồng Tháp đạt 72,10 điểm, trong khi đó Vĩnh Long vươn mạnh từ vị trí thứ 8 lên thứ 3. Đáng chú ý, các vị trí ở giữa bảng xếp hạng có khoảng cách ngày càng hẹp hơn.

05/05/2020 14:49

 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại lễ công bố. Ảnh:VGP/Huy Thắng

Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 5/5 không có nhiều biến động khi Quảng Ninh và Đồng Tháp vẫn lần lượt nắm giữ vị trí quán quân và á quân.

Ở vị trí thứ 3 ghi nhận sự vươn lên của Vĩnh Long khi thăng hạng từ vị trí thứ 8 (với 65,53 điểm) năm 2018 lên vị trí thứ 3 với 71,30 điểm. Bắc Ninh cũng bứt phá mạnh khi đạt 70,79 điểm và giữ vị trí thứ 4. Ở hướng ngược lại, TPHCM “rơi” khỏi top 10 xuống vị trí thứ 14.

Trong khi đó, Đà Nẵng và Hà Nội vẫn có vị trí khá ổn định trong “tốp 10”, khi thành phố bên Sông Hàn chiếm vị trí thứ 5 với 70,15 điểm còn Thủ đô Hà Nội ở vị trí thứ 9 với 68,8 điểm.

Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng: 15 năm qua PCI như cánh chim không mỏi bền bỉ chuyển tải thông điệp về nâng cao chất lượng điều hành tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa. Việc các địa phương thi đua cải thiện PCI sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm, đóng góp ngân sách, tạo ra năng lực cạnh tranh và tăng cường sự thịnh vượng của quốc gia.

Điều tra PCI năm 2019 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương đã giữ vững xu hướng cải thiện theo thời gian. Một số chuyển biến tích cực rõ nét là mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh, công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) được cải thiện. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các DN gặp thuận lợi hơn trong tiếp cận thông tin, thiết chế pháp lý trong khi gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm và cải cách hành chính có kết quả tích cực.

Đáng chú ý, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2019 có điểm trung vị cao nhất từ trước tới nay. Xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố rất rõ.

Ở thời điểm giữa năm 2019, khi VCCI tiến hành cuộc khảo sát có trên 50% DN trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 DN được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên.

Tuy nhiên, đại diện VCCI cho rằng, không gian cải thiện cho chính quyền các địa phương vẫn còn rất lớn, đặc biệt là việc tăng cường minh bạch thông tin trong đấu thầu mua sắm công và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, đặc biệt là thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị…

 

Đại diện 5 địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2019. Ảnh: VGP./Huy Thắng

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay: Trong số 12.400 DN trên cả nước ghi nhận 59% DN cho biết gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, 53% DN vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch.

Số DN phải chi trả chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong những năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Có trên 50% số DN phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức.

Cộng đồng DN cũng bày tỏ quan ngại khi các tỉnh, thành phố đứng ở cuối bảng xếp hạng đã có nhiều nỗ lực để vượt lên thì những địa phương ở tốp đầu, những ngôi sao cải cách trước đây lại chưa có được những cải cách bứt phá đáng kể trong mấy năm qua.

Đáng chú ý, báo cáo PCI 2019 đã lựa chọn chủ đề tự động hóa và chuyển đối số trong DN, cơ hội và thách thức đối với vấn đề lao động và việc làm. Kết quả cho thấy mức độ tự động hóa đang cao hơn, 67% DN cho biết đã tự động hóa một phần công việc trong 3 năm qua, khoảng 75% DN dự định sẽ tự động hóa các công việc mới trong 3 năm tới…

Đại diện địa phương có chỉ số PCI dẫn đầu, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Lãnh đạo địa phương luôn coi trọng tính bền vững, hiệu quả của nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tính bền vững của chỉ số PCI tỉnh Quảng Ninh còn được thể hiện ở chất lượng, hiệu quả quản trị và hành chính công. Theo kết quả vừa được công bố gần đây, chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2019 của tỉnh được xếp trong nhóm cao nhất cả nước với vị trí thứ 3/63 tỉnh thành, qua đó góp phần củng cố và cộng hưởng giá trị của PCI của vùng đất mỏ.

Thực tế trong thời gian qua chúng ta đã được chứng kiến hàng loạt những chính sách hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả với ngân sách đáng kể mà Chính phủ và các bộ ngành, trung ương đã dành cho DN, người dân và các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

“Quảng Ninh cam kết luôn là người bạn đồng hành với cộng đồng DN, để thực hiện được mục tiêu kép vừa phòng chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ”, ông Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Đánh giá về vai trò PCI trong 15 năm qua, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho rằng, khảo sát chỉ số này thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình ở địa phương, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chỉ số PCI đo lường chất lượng thực tế của điều hành kinh tế cấp tỉnh, thông qua những thực tiễn tốt tại các địa phương. Khảo sát có lượng DN khá lớn gồm: 12.429 DN từ 63 tỉnh/thành trên cả nước tham gia điều tra PCI 2019, trong đó 1.583 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Qua 15 năm thực hiện điều tra PCI (2005-2019), hơn 141.000 lượt DN phản hồi điều tra PCI, gồm 125.160 DN dân doanh và gần 15.850 DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Huy Thắng