Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hôm 6/5 cho hay, 47 nước đã nhất trí thỏa thuận chia sẻ tự động thông tin ngân hàng.
Cam kết này sẽ được áp dụng đối với 34 nước thuộc OECD, cùng với 13 nước khác, trong đó có Trung Quốc và Nga. Theo các quy định của OECD, mọi thông tin liên quan tới tài khoản, lợi tức... đều phải được trao đổi tự động giữa các cơ quan thuế của các nước ký kết.
Trong số những nước tham gia ký kết có cả Thụy Sĩ và Liechtenstein, hai nước lâu nay bị chỉ trích rằng chính sách bảo mật ngân hàng cao đã biến các nước này thành các thiên đường trốn thuế.
Đây được xem là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống gian lận và trốn thuế, mà chính phủ các nước đã tăng cường kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008.
Truyền thống giữ bí mật bắt nguồn từ Thụy Sĩ?
Giữ bí mật vốn được biết đến là truyền thống của ngành ngân hàng “xứ sở đồng hồ” trong suốt hàng chục năm qua.
Trong khi những nước khác coi bí mật ngân hàng Thụy Sĩ là cách thức giúp che giấu lợi nhuận bất chính, tội phạm, tham nhũng, trốn thuế, thì Thụy Sĩ coi đây là một chính sách thể hiện sự tin cậy giữa nhà nước và công dân. Đây được cho là giống như bí mật của bác sĩ hay luật sư, họ sẽ không cung cấp dữ liệu khách hàng của mình và không nói điều đó với bất kỳ ai khác.
Trên thực tế, Luật ngân hàng Thụy Sĩ năm 1934 được ban hành sau một vụ bê bối, trong đó một số nhà chính trị và doanh nhân Pháp bị công khai danh tính có tài sản cất giấu ở Thụy Sĩ, là những hòn đá đầu tiên cho truyền thống nổi tiếng của ngành ngân hàng nước này. Luật ra đời nhằm bảo vệ sự riêng tư của khách hàng.
Trong thời gian dài, luật trên đã giúp ngành ngân hàng Thụy Sĩ phát triển thịnh vượng. Nhưng thời gian qua, một số bê bối đã khiến nền tảng bí mật bị lung lay. Vị dụ như vụ lùm xùm liên quan đến cựu Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jerome Cahuzac bị buộc tội trốn thuế ở Pháp, đã tiết lộ gửi hàng trăm nghìn euro trong một tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ. Hy Lạp cũng là nước có số tiền thuế khá lớn biến mất vào các ngân hàng Thụy Sĩ.
Chính sách bảo mật thông tin khách hàng đã đưa Thụy Sĩ trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới đồng thời cũng là một trong những thiên đường trốn thuế lớn nhất.
“Tôi nghĩ rằng chừng nào còn có chỗ để người ta giấu tiền, chừng đó công cuộc chống tham nhũng còn rất khó khăn” - ông Jean-Pierre Méan, người đứng đầu Tổ chức Minh bạch Thế giới Thụy Sĩ nói.
Theo số liệu vào năm 2013, Thụy Sĩ nắm giữ 1/3 số tài sản cá nhân ở nước ngoài trên toàn thế giới, tương đương khoảng 2.000 tỷ USD.
Thu An