|
HT do Văn phòng điều phối về BĐKH tỉnh Bình Định phối hợp với một số tổ chức quốc tế và cơ quan, đơn vị như: Ban Quản lý Dự án “Diễn đàn tri thức về thích ứng với BĐKH ở châu Á”, Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách KHCN (Bộ Khoa học - Công nghệ), Viện Môi trường Stockholm (Thụy Điển), UBND TP Quy Nhơn, Tổ chức Truyền thông và Quảng cáo (Thái Lan), Văn phòng Chương trình Liên Hiệp Quốc khu vực châu Á (UNEP), Diễn đàn Các nhà báo môi trường Việt Nam (VFEJ)… Tham gia HT còn có nhiều phóng viên, biên tập viên của hơn 20 cơ quan truyền thông quốc tế, trong nước và địa phương.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, đại diện Văn phòng UNEP, thành viên Ban Tổ chức: “Vai trò của các nhà báo rất quan trọng đối với công tác tuyên truyền về chương trình nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH, nhất là việc chuyển tải thông tin đến với người dân”. Với ý nghĩa đó, trong thời gian HT, cùng với các nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực BĐKH và đại diện các Sở, ngành, địa phương, các nhà báo đã được chuyên gia của các tổ chức quốc tế, hướng dẫn các nội dung trong chương trình HT. Cùng với các đại biểu, các nhà báo được bố trí tham gia vào 4 nhóm (mỗi nhóm khoảng 8-9 người) và tiến hành tham quan, thực địa tại một số địa phương, đơn vị tại TP Quy Nhơn. Qua những điều “mắt thấy, tai nghe”, cùng với những hình ảnh, ghi chép, thành viên của mỗi nhóm sẽ sắp xếp, tập hợp lại thành “hồ sơ tư liệu”.
Tiếp đó, các nhà báo đã cùng trao đổi, phân tích, thảo luận quanh các vấn đề như: Mối quan hệ, sự tương tác qua lại giữa các vùng, khu vực (Nhơn Hội, Nhơn Bình, đầm Thị Nại…); những ảnh hưởng tích cực, tiêu cực giữa các vùng…. Trên cơ sở đó, các nhà báo cùng với đại diện của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương phân tích, trao đổi và đưa ra những ý tưởng để xây dựng phác thảo kịch bản BĐKH cho TP Quy Nhơn trong tương lai. Qua đó, các nhà báo có dịp tăng cường thêm kiến thức về BĐKH; nâng cao kỹ năng, phương pháp làm việc nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về khả năng thích ứng với BĐKH.
Nhà báo Hoàng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch VFEJ, cho biết: “Tôi đã từng tham dự nhiều HT, song đây là lần đầu tiên được tham dự một HT về BĐKH tổ chức quy mô, bài bản và mang tính chuyên nghiệp cao. HT đã giúp chúng tôi có cái nhìn đa chiều; đem đến cho chúng tôi nhiều cảm xúc trong công tác thông tin, tuyên truyền về BĐKH…”.
* Phác thảo kịch bản BĐKH cho TP Quy Nhơn
Theo Ban Tổ chức, mục đích của HT là các đại biểu của địa phương chia sẻ những quan sát của mình về những thách thức hiện tại của TP Quy Nhơn và cách thức mà chúng hỗ trợ hoặc cản trở các mục tiêu phát triển tương lai. Đồng thời, qua HT, các cán bộ địa phương nhận thức đúng đắn rằng ứng phó với BĐKH không chỉ là trách nhiệm của cán bộ, chính quyền thành phố mà nó phải là một phần của nỗ lực chung cho mục tiêu phát triển xa hơn của thành phố với sự tham gia rộng rãi của cộng đồng.
Với các nhà báo, việc tham gia hoạt động phác thảo các kịch bản phát triển dài hạn cho TP Quy Nhơn sẽ giúp các nhà báo hiểu cách thức lập kế hoạch mang tính cộng đồng áp dụng cho cả quốc gia, nhằm góp phần ứng phó một cách hiệu quả với những thay đổi trong tương lai, nhất là các nhu cầu thích ứng với BĐKH.
Trên cơ sở những thu hoạch từ thực tế và sự hướng dẫn của các chuyên gia, các đại biểu đã cùng thảo luận, trao đổi về BĐKH, xác định bối cảnh trong tương lai của TP Quy Nhơn; xây dựng phác thảo kịch bản tương lai của TP Quy Nhơn trên cơ sở xét đến các tác động của phát triển và BĐKH và tưởng tượng về Quy Nhơn năm 2050 với tầm nhìn phát triển trong bối cảnh BĐKH.
Các nhóm tham gia HT đã xây dựng phác thảo kịch bản “Quy Nhơn năm 2050 trong bối cảnh BĐKH” với những ý tưởng thật phong phú, bất ngờ. Chẳng hạn, với kịch bản “Xây dựng khu tái định cư trên… núi Bà Hỏa”, các tác giả nhận định: Đến năm 2050, do tác động của BĐKH dẫn đến hiện tượng nước biển dâng và sóng thần, nhiều khu dân cư ở TP Quy Nhơn sẽ ngập chìm trong nước biển. Vì vậy, một khu tái định cư sẽ được xây dựng trên… núi Bà Hỏa để giải quyết áp lực về chỗ ở cho người dân.
Điều đáng nói, dù một số ý tưởng có khác nhau, song tựu trung lại, hầu hết các nhóm cơ bản đều thống nhất trong việc xây dựng phác thảo kịch bản BĐKH cho Quy Nhơn trong tương lai. Theo đó, đến năm 2050, Quy Nhơn sẽ là một thành phố tầm cỡ của khu vực miền Trung; nhiều lĩnh vực kinh tế ở Quy Nhơn sẽ phát triển mạnh, trong đó có công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch (nhất là du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái…). Tuy nhiên, khi đó, Quy Nhơn cũng phải đối diện với những tác động do BĐKH, trong đó có hiện tượng hiệu ứng nhà kính, sóng thần, nước biển dâng… Chính vì vậy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của tỉnh cần có biện pháp để nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH.
Các đại biểu cũng kiến nghị chính quyền tỉnh và TP Quy Nhơn quan tâm hơn đến các dự án đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, nhằm tạo điều kiện để nhân dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập trung bình, có cơ hội được hưởng phúc lợi.
Viết Hiền