PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương |
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhấn mạnh như trên trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp diễn ra.
Chúng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc với mục tiêu quan trọng, xuyên suốt là triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về văn hóa. Hội nghị này diễn ra vào thời điểm quan trọng, có tính chất và ý nghĩa lịch sử như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Chủ trương tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này là của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTT&DL, cùng các ban, ngành tổ chức. Tiêu đề của hội nghị là đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, kỳ vọng của các cơ quan tổ chức hội nghị là không chỉ nói về một nhiệm kỳ, mà phải nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam từ mấy chục năm nay.
Nếu nhìn một cách dài hơn là bắt đầu từ Đề cương Văn hóa năm 1943, sau đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946) đến nay là tròn 75 năm. Tiếp theo là vào thời điểm giữa tháng 7/1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 tổ chức ở chiến khu Việt Bắc; 3 ngày sau đó diễn ra Hội nghị Văn nghệ toàn quốc. Suốt cả quá trình từ đó đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về phát triển văn hóa và con người. Chính phủ cũng đã thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng bằng các cơ chế, chính sách để đưa các nghị quyết đó vào cuộc sống.
Thời điểm tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này chúng ta đang đứng trước bước chuyển của đất nước, của dân tộc; đất nước ta cũng bước sang một trang mới. Trong đó có những yếu tố quan trọng, như trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH Việt Nam - bài phát biểu mang tính tổng kết, bao quát rất lớn. Chúng ta cũng đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đi vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập sâu rộng với quốc tế. Chúng ta vẫn nhắc nhiều đến “kinh tế xanh, kinh tế số”, “văn hóa số”, “truyền thông số”, “xã hội số” và “chính phủ điện tử”. Chúng ta cũng đẩy mạnh kinh tế thị trường XHCN, sự hội nhập của Việt Nam với các chế định bên ngoài kể cả về kinh tế, xã hội, văn hóa, tài chính là rất lớn. Do đó, đây là dấu ấn mang tính lịch sử. Kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và mọi người dân Việt Nam là từ hội nghị này việc xây dựng văn hóa con người Việt Nam sẽ có một bước mới vững chắc hơn, mạnh mẽ hơn. Một bước đi của hôm nay có thể bằng thời gian của một tháng, một năm thậm chí nhiều năm trước đây.
Chúng ta nhìn lại sâu sắc hơn 35 năm dưới sự đổi mới của Đảng về lĩnh vực văn hóa, đất nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật gì và còn những tồn tại gì để rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Trong hơn 35 năm qua, tính từ giai đoạn thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa 8 của Đảng, sau đó là các Nghị quyết Đại hội của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa 11 về xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam, điểm được là chúng ta là đã có bước chuyển trong nhận thức của các cấp ủy chính quyền và người dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với những nội dung dân chủ, khoa học, nhân văn, tiến bộ. Từ nhận thức đó chúng ta đã đạt được những thành quả rất quan trọng, trong đó đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa, con người sáng rõ hơn, đầy đủ hơn và sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng bằng hệ thống pháp luật, chính sách, cơ chế cũng đã tốt hơn. Những kết quả thu được rất rõ ràng và thực sự văn hóa đã thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta vẫn thường nói văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong xã hội…
Bên cạnh những thành quả đạt được, chúng ta vẫn nhận thấy những hạn chế, bất cập, kể cả những mặt yếu kém cần phải khắc phục.
Thứ nhất là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, ban, bộ, ngành, địa phương về văn hóa chưa thực sự đầy đủ. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh rằng cùng với chính trị, kinh tế, xã hội, thì văn hóa là một trong 4 mặt trận rất quan trọng và được coi là ngang nhau. Đồng thời trong bài phát biểu đó, một câu nói của Bác Hồ đã trở thành cương lĩnh, phương châm hành động “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Soi đường ở đây là tính chất soi rọi, dẫn đường và khai sáng. Điều này rất quan trọng bởi tất cả mọi lĩnh vực của xã hội phải có ánh sáng của văn hóa.
Thực tế văn hóa của dân tộc Việt Nam được xây dựng, vun đắp từ hàng nghìn năm lịch sử và được bổ sung thêm những yếu tố mới. Nền văn hóa chúng ta xây dựng có rất nhiều yếu tố tiến bộ thời kỳ mới là khoa học, dân chủ, nhân văn, tiến bộ. Nhận thức này không phải lúc nào hoặc chỗ nào cũng được hiểu đầy đủ và sâu sắc. Quá trình đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống quan trọng nhất là thể chế hóa bằng chủ trương, cơ chế của Nhà nước. Cũng có lúc này lúc kia, mặt này mặt kia chúng ta làm chưa tốt. Một số nghị quyết xây dựng rất tốt, nhưng khi triển khai lại khó khăn vì thiếu hành lang pháp lý, các chính sách và nguồn lực. Đây cũng là một trong những nội dung tổng kết 35 năm thời kỳ đổi mới, trong đó có lĩnh vực văn hóa đã đề cập rất rõ. Việc xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ về văn hóa cũng có một số mặt hạn chế. Dường như chúng ta chưa có chiến lược đầy đủ, dài hơn về công tác cán bộ trong lĩnh vực này. Nếu không có con người, dù nghị quyết có hay đến mấy cũng khó đạt được kết quả cụ thể trong cuộc sống…
Phát triển mạnh mẽ nền văn hoá và con người Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, chúng ta đứng trước yêu cầu cấp thiết là phải bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, nhất là các giá trị văn hoá truyền thống và cách mạng; đấu tranh chống các khuynh hướng đồng hoá, nô dịch về văn hoá. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII có nêu một số nhiệm vụ về phát triển văn hóa, trong đó có xây dựng hệ giá trị quốc gia, xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam gắn với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gia đình Việt Nam. Trải qua các thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước, hệ giá trị quốc gia đó chính là độc lập, tự do, tự chủ của dân tộc; hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Chúng ta vừa phát huy giá trị của ông cha vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Đề cập đến hệ giá trị văn hóa Việt Nam, ta thấy điều có thể khu biệt với một số dân tộc và quốc gia, đó là tình yêu nước nồng nàn, tôn kính tổ tiên, yêu nước thương nòi. Những tình cảm yêu nước như thế rất sâu đậm. Văn hóa Việt Nam rất phong phú, cởi mở, hòa hiếu với các dân tộc khác.
Giá trị con người Việt Nam cũng trên cơ sở giá trị quốc gia như: Yêu nước, đoàn kết, tài trí, dũng cảm, cần cù, hiếu học, thông minh, nghĩa tình, khoan dung… với nhau trong cuộc sống. Hệ giá trị gia đình Việt Nam cũng được xây đắp từ hàng nghìn năm. Ông cha ta có những giá trị: Giá trị quốc gia, giá trị làng xã, giá trị gia đình. Đây là những yếu tố hết sức bền vững. Tất nhiên trong thời kỳ mới cũng có một số mặt thay đổi. Sự thay đổi này là cần thiết, nhưng trong sự thay đổi có những mặt bị phá vỡ. Những điều này nhìn ra bên ngoài ở các nước thì yếu tố gia đình, kết cấu gia đình bị đổ vỡ. Sự liên kết gia đình, sự hỗ trợ nương tựa giữa các thành viên trong gia đình không còn bền chặt. Qua đó chúng ta thấy được những mặt tích cực để kế thừa, những mặt tiêu cực không còn phù hợp nữa để điều chỉnh.
Hội nhập với quốc tế là chúng ta tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời cần có sức đề kháng đối với văn hóa dân tộc để những gì không phù hợp với văn hóa Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm văn hóa độc hại, không lành mạnh từ bên ngoài, chúng ta phải có sức đề kháng.
Để tăng cường sức đề kháng thì không có gì khác là tăng cường sức mạnh nội sinh; phải có nội lực về văn hóa đủ mạnh, đủ tự tin để hội nhập với bên ngoài. Chúng ta thường nói, đi ra bên ngoài để nhận ra đây là con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam thì phải có “căn cước văn hóa của dân tộc”. Tuy nhiên, vẫn phải tiếp thu văn hóa tinh hoa của nhân loại, nhận được điểm tốt và không tốt. Ngay cả việc xây dựng hệ giá trị như một thước đo nhưng không phải ai cũng nhận thức được một cách đúng đắn. Lớp trẻ rất thích những điều mới lạ trong lối sống, ứng xử, thời trang, âm nhạc… nhưng có những điều chưa phải là giá trị thực, mà có khi đó chỉ là những biểu hiện mang tính ảo, phù phiếm. Cần phải nhận ra đâu là trân, đâu là giả, đâu là thực, đâu là ảo để chúng ta đi theo những chuẩn mực của đất nước, của văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam.
Thuật ngữ “sức mạnh mềm”, “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Để phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam hiện nay, chúng ta cần chú trọng những vấn đề gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: “Sức mạnh mềm” thực chất là bản sắc văn hóa, bản lĩnh văn hóa để chúng ta không chỉ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam mà còn đi ra thế giới. Để quảng bá văn hóa Việt Nam thì không chỉ là tuyên truyền mà cần phải qua những kênh khác nhau. Đơn cử như kênh công nghiệp văn hóa. Ở đây chúng ta có những bài học từ một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… qua phim ảnh, thời trang, âm nhạc, quảng cáo, du lịch đã quảng bá đất nước, kinh tế, văn hóa, bản sắc của đất nước mình ra bên ngoài rất tốt. Qua đó đã tạo ra những giá trị tinh thần và vật chất lớn lao.
Đất nước ta cũng mới khởi xưởng công nghiệp văn hóa 10 năm trở lại đây và mấy năm gần đây có sự phát triển mạnh hơn. “Sức mạnh mềm” của dân tộc, gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Những giá trị văn hóa của Việt Nam đã được hun đúc, gìn giữ qua hàng nghìn năm. Những giá trị văn hóa của dân tộc cũng được thể hiện trong phim ảnh, văn hóa nghệ thuật để quảng bá với thế giới. Sức mạnh này sẽ thuyết phục, hấp dẫn thu hút bạn bè quốc tế đến với Việt Nam, kể cả trong hoạt động văn hóa, kinh tế, đối ngoại, chính trị. Đây chính là “sức mạnh mềm” của chúng ta.
Diệp Anh (thực hiện)