Theo đó, E-HSMT được lập theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT. Liên quan đến ưu đãi hàng hóa, có 3 nhà thầu A, B, C đều chào hàng hóa có xuất xứ Việt Nam nhưng khác nhau.
- Nhà thầu A điền đầy đủ thông tin vào mẫu 20, cột tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước là 80%; E-HSDT có kèm theo các tài liệu của nhà sản xuất là bảng tính tỷ lệ % chi phí nội địa, nhà thầu có kê khai chi tiết xuất xứ, bảng tính có ký đóng dấu của nhà sản xuất.
- Nhà thầu B, C không điền (để trống) thông tin về hàng hóa ưu đãi trong mẫu 20 và không kèm theo tài liệu gì liên quan đến chi phí sản xuất trong nước.
Ông Hưng hỏi, việc đánh giá ưu đãi hàng hóa trong tình huống này xử lý như thế nào?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Theo hướng dẫn tại mẫu số 20 Chương IV Mẫu E-HSMT mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nhà thầu phải kê khai chi phí sản xuất trong nước đối với hàng hóa được hưởng ưu đãi theo mẫu này.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Thông tư số 05/2018/TT-BKHĐT ngày 10/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với việc đánh giá về tài chính, trường hợp nhà thầu không kê khai các thông tin về hàng hóa hoặc không đính kèm các tài liệu về nhân sự trong E-HSDT để làm cơ sở tính toán ưu đãi thì nhà thầu sẽ không được hưởng ưu đãi.
Theo đó, đối với gói thầu đã tổ chức lựa chọn nhà thầu theo Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017 và Thông tư số 05/2010/TT-BKHĐT ngày 30/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi tham dự thầu, nhà thầu phải chọn một trong hai trường thông tin "không có hàng hóa ưu đãi" hoặc chọn "mô tả hàng hóa ưu đãi" trên Hệ thống. Trong trường hợp này, nếu nhà thầu chọn "không có hàng hóa ưu đãi" thì sẽ không được hưởng ưu đãi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Thông tư số 05/2018/TT-BKHĐT nêu trên.
Ngoài ra, Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT hết hiệu lực từ ngày 16/9/2022 và việc lựa chọn nhà thầu qua mạng được thực hiện theo quy định của Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT.
Chinhphu.vn