In bài viết

Phải phân bổ chi phí dự phòng vào giá dự thầu

(Chinhphu.vn) – Đơn vị của ông Nguyễn Hải (TPHCM) đang tổ chức đấu thầu rộng rãi, một giai đoạn hai túi hồ sơ cho gói thầu xây lắp, nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Dự toán gói thầu được duyệt là 55 tỷ đồng, trong đó, 5 tỷ đồng dự phòng.

26/12/2017 09:02

Sau khi đánh giá kỹ thuật, có 3 nhà thầu trúng thầu với số điểm bằng nhau. Khi đơn vị của ông Hải mở túi tài chính thì xảy ra trường hợp như sau:

- Nhà thầu A dự thầu xây lắp là 49 tỷ đồng, dự phòng là 5 tỷ đồng. Tổng giá dự thầu là 54 tỷ đồng.

- Nhà thầu B dự thầu xây lắp là 53 tỷ đồng, dự phòng là 0 tỷ đồng. Tổng giá dự thầu là 53 tỷ đồng.

- Nhà thầu C dự thầu xây lắp là 51 tỷ đồng, dự phòng là 2 tỷ đồng. Tổng giá dự thầu là 53 tỷ đồng.

Ông Hải hỏi, trường hợp trên nhà thầu nào sẽ được xem xét xếp hạng 1 để vào thương thảo hợp đồng? Nếu gói thầu này không phải là gói thầu xây lắp mà là gói tổng thầu EPC (gói thầu bao gồm toàn bộ các công việc thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) thì như thế nào?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định, việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 và Điều 5 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chi phí dự phòng bao gồm: Chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng và chi phí dự phòng cho các khoản tạm tính (nếu có).

Việc xác định chi phí dự phòng trong giá gói thầu căn cứ theo tính chất từng gói thầu nhưng không được vượt mức tối đa do pháp luật chuyên ngành quy định. Trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn, không phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng được tính bằng không.

Đối với trường hợp của ông Hải, câu hỏi không nêu rõ loại hợp đồng áp dụng cho gói thầu. Tuy nhiên, đối với hợp đồng trọn gói, khi tham dự thầu, nhà thầu phải tính toán và phân bổ chi phí dự phòng vào trong giá dự thầu; khi đánh giá về tài chính, bên mời thầu không tách riêng phần chi phí dự phòng mà nhà thầu đã phân bổ trong giá dự thầu.

Đối với hợp đồng theo đơn giá, hồ sơ mời thầu phải quy định rõ nội dung và nguyên tắc sử dụng chi phí dự phòng để làm cơ sở cho nhà thầu chào thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng, trong đó phải nêu rõ giá trị cụ thể bằng tiền hoặc tỷ lệ phần trăm (%) các khoản chi phí dự phòng tính trên chi phí xây dựng của gói thầu để nhà thầu chào thầu.

Nhà thầu phải chào các khoản chi phí dự phòng theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu và việc đánh giá hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định đã nêu trong hồ sơ mời thầu.

Chinhphu.vn