In bài viết

Phải xây dựng, ban hành nội quy lao động theo Bộ luật Lao động 2019

(Chinhphu.vn) – Công ty của bà Trần Hồng Anh (Hà Nội) là Công ty TNHH một thành viên, 100% vốn đầu tư nước ngoài, hiện có hơn 200 lao động. Năm 2015, công ty lập nội quy lao động bằng văn bản và nhận được thông báo đăng ký nội quy lao động của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

01/08/2022 14:01

Sau khi Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 có hiệu lực, một số nội dung của nội quy lao động đã đăng ký của công ty không còn phù hợp với quy định, cũng như thực tế vận hành của doanh nghiệp. Do vậy, công ty tiến hành sửa đổi một số nội dung của nội quy lao động.

Tuy nhiên, công ty không tìm thấy căn cứ pháp luật hiện hành nào quy định trực tiếp về việc đăng ký lại nội quy lao động khi có sửa đổi, bổ sung.

Bà Trần Hồng Anh hỏi, khi sửa đổi, bổ sung nội dung của nội quy lao động, người sử dụng lao động có bắt buộc phải đăng ký lại nội quy lao động hay không? Nếu việc đăng ký lại nội quy lao động là bắt buộc thì cần những thủ tục gì? Nếu không bắt buộc thì nội quy lao động có hiệu lực áp dụng từ thời điểm nào, có được dùng làm căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp lao động không?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) thay thế Bộ luật Lao động 2012, trong đó, quy định trách nhiệm xây dựng, ban hành, đăng ký và hiệu lực của nội quy lao động bằng văn bản của người sử dụng lao động khi sử dụng từ 10 người lao động trở lên tại Điều 118, Điều 119, Điều 121 của Bộ luật Lao động.

Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động chưa xây dựng, ban hành nội quy lao động theo Bộ luật Lao động 2019 thì phải xây dựng, ban hành nội quy lao động cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động 2019 và đăng ký với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật Lao động.

Chinhphu.vn