Thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 6 triệu người mỗi năm và là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn mà thế giới từng phải đối mặt.
Trên 11% số ca tử vong vì bệnh tim thiếu máu cục bộ, 70% ca tử vong vì ung thư phổi, khí quản và phế quản là do sử dụng thuốc lá. Nếu xu hướng này tiếp diễn, sử dụng thuốc lá sẽ giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm vào năm 2030. Khoảng 1/2 trong số trên 1 tỉ người hiện đang hút thuốc sẽ chết sớm vì một căn bệnh liên quan đến thuốc lá gây ra.
Để duy trì và tăng doanh số bán thuốc lá và lợi nhuận, ngành công nghiệp thuốc lá không ngừng thu hút, lôi kéo các khách hàng mới thông qua quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá nhằm thay thế những người hút thuốc đã chết sớm hoặc đã bỏ hút thuốc lá.
Hiện sản phẩm thuốc lá vẫn nằm trong danh sách các mặt hàng được quảng cáo nhiều nhất trên thị trường và trong thực tế, các công ty thuốc lá nằm trong số những công ty sớm xây dựng và thực hiện chiến lược marketing tích hợp hiệu quả nhằm quảng cáo thuốc lá.
Các hình thức quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá rất phong phú và đa dạng, như quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bảng quảng cáo ngoài trời, tranh áp phích, trên vỏ bao thuốc lá; quảng cáo thông qua phim ảnh, tại các điểm bán hàng; khuyến mại sản phẩm miễn phí, giảm giá, quà tặng, bốc thăm trúng thưởng; tài trợ cho các hoạt động trách nhiệm xã hội…
Quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá cản trở người hút thuốc bỏ thuốc và làm tăng số lượng người hút thuốc mới, nhất là giới trẻ. Do vậy, việc cấm các hoạt động này là cần thiết.
Thông qua việc đánh giá tổng quan các bằng chứng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát hiện ra rằng, quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá làm tăng tiêu thụ thuốc lá, tăng khả năng mọi người bắt đầu hoặc tiếp tục sử dụng thuốc lá.
Đánh giá cũng chỉ ra, ngành công nghiệp thuốc lá sử dụng nhiều chiến thuật để lôi kéo người chưa hút thuốc bắt đầu hút, đặc biệt là nhóm tuổi trẻ và phụ nữ.
Khoảng 1/3 giới trẻ bắt đầu thử hút thuốc là do tác động của quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá.
Quảng cáo nhắm tới giới trẻ thông qua việc thúc đẩy hình ảnh “kiểu cách”, làm cho giới trẻ tin rằng hút thuốc sẽ làm cho họ “sành điệu”, “độc lập”, “nam tính”…
Khảo sát cho thấy, trên toàn thế giới, 78% học sinh trong độ tuổi 13-15 tiếp xúc thường xuyên với một số hình thức quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá và ở người lớn, tỉ lệ tiếp xúc khoảng 31%.
Quảng cáo thuốc lá đánh lừa công chúng rằng thuốc lá cũng là một sản phẩm tiêu dùng bình thường. Điều này làm tăng mức độ chấp nhận xã hội với thuốc lá và làm giảm tác dụng của truyền thông về tác hại thuốc lá.
Đồng thời, các khoản ngân sách quảng cáo lên tới hàng chục tỉ USD trên phạm vi toàn cầu đã tăng cường ảnh hưởng của các công ty thuốc lá đối với các cơ quan truyền thông, cơ quan thể thao và các công ty trong lĩnh vực giải trí.
Theo các nghiên cứu của WHO, việc cấm hoàn toàn quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá có thể giúp giảm tỉ lệ hút thuốc khoảng 0,8% mỗi năm.
Vì vậy, WHO khuyến cáo, cần cấm hoàn toàn các hoạt động này, đồng thời thực hiện các biện pháp hiệu quả khác như tăng thuế thuốc lá, cấm hút thuốc ở nơi công cộng và nơi làm việc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh…
Quảng cáo thuốc lá tại điểm bán vẫn phổ biến
Trong Công ước khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam đã phê chuẩn cũng có quy định việc cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá.
Ở Việt Nam, việc cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá đã được quy định trong một số luật như, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các công ty thuốc lá chỉ được phép tài trợ cho một số hoạt động nhân đạo và không được thông báo về các hoạt động này trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong khi việc tuân thủ quy định cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng và các bảng quảng cáo lớn ngoài trời khá tốt thì hiện tượng quảng cáo tại điểm bán vẫn diễn ra rất phổ biến (theo một số khảo sát gần đây của Đại học Y tế công cộng).
Nghiên cứu trong các năm 2011, 2014, 2015 đều cho thấy, tỉ lệ vi phạm trưng bày quá một bao hoặc một tút của mỗi nhãn thuốc lá chiếm khoảng 90% số điểm bán.
Các vi phạm khác như khuyến mại giảm giá, quà tặng; sử dụng các hộp trưng bày có chiếu sáng, các tủ bày, xe đẩy có màu sắc, logo nhãn hiệu thuốc lá và sử dụng các cô gái trẻ bán thuốc lá tại các nhà hàng, quán nhậu cũng thường gặp. Nhìn chung mức độ vi phạm cao ở các thành phố lớn và tỉ lệ thấp hơn ở các địa bàn khác.
Phải xử nghiêm vi phạm về quảng cáo thuốc lá
Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao vẫn tồn tại dai dẳng các vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá ở các điểm bán?
Có thể thấy 2 nguyên nhân chính, đó là thiếu sự thực thi nghiêm từ các cơ quan chức năng và nhận thức còn hạn chế của những người bán thuốc lá.
Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chịu trách nhiệm cần thực hiện nghiêm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá, đặc biệt chú trọng xử lý những vi phạm trưng bày tại các điểm bán hàng.
Nếu các đoàn thanh, kiểm tra tiến hành kiểm tra thường xuyên, tịch thu các công cụ quảng cáo, xử phạt nghiêm các vi phạm thì chắc chắn chúng ta sẽ không còn phải chứng kiến vi phạm phổ biến tại các điểm bán thuốc lá như hiện nay.
Đồng thời, cần có các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người bán hàng, khuyến khích việc tự nguyện tuân thủ các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá. Công chúng cũng cần được thông tin về các chiêu thức quảng cáo của các công ty thuốc lá để tránh bị tác động.
Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam