Theo bà Phương tham khảo, Điểm h Khoản 2 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 59/2020/QH14 quy định thẩm quyền của Hội đồng quản trị như sau: "Thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác và hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 138, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 167 của Luật này".
Điểm h Khoản 2 Điều 27 Điều lệ mẫu của công ty cổ phần được hướng dẫn tại Thông tư số 116/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 quy định thẩm quyền của hội đồng quản trị như sau: "Thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ (35%) tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, (trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác) và hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền quyết định của đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 138, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 167 Luật Doanh nghiệp".
Bà Phương hỏi, trường hợp công ty cổ phần không có quy định mức tỷ lệ khác mức 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty thì cách hiểu nào sau đây là đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp và Thông tư số 116/2020/TT-BTC:
- Cách 1: Hội đồng quản trị có quyền thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty và hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 138; Khoản 1 và Khoản 3 Điều 167 của Luật Doanh nghiệp.
- Cách 2: Hội đồng quản trị có quyền thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, loại trừ hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 138; Khoản 1 và Khoản 3 Điều 167 của Luật Doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Điểm h Khoản 2 Điều 153 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định Hội đồng quản trị có quyền và nghĩa vụ: "h) Thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác và hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 138, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 167 của Luật này".
Điểm d Khoản 2 Điều 138 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định Đại hội đồng cổ đông có quyền và nghĩa vụ: "d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp điều lệ công ty quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác".
Khoản 1 Điều 167 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định: "1. Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan sau đây:
a) Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và người có liên quan của họ;
b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;
c) Doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 của Luật này".
Khoản 3 Điều 167 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định: "3. Đại hội đồng cổ đông chấp thuận hợp đồng, giao dịch sau đây:
a) Hợp đồng, giao dịch khác ngoài hợp đồng, giao dịch quy định tại Khoản 2 Điều này;
b) Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó".
Căn cứ các quy định nêu trên và trong trường hợp điều lệ công ty không có quy định cụ thể hơn về nội dung này, Hội đồng quản trị thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, loại trừ các hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 138; Khoản 1 và Khoản 3 Điều 167 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14.
Về thẩm quyền giải thích quy định tại Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, Điều 159 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định:
"1. Chủ tịch nước, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận và đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội quy định tại Khoản 1 Điều này quyết định việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh".
Mai Chi