Đơn vị bà Kiều Nguyên (Phú Thọ) đang chấm hồ sơ dự thầu một công trình, giá gói thầu được phê duyệt là 10 tỷ đồng (chi phí các hạng mục 9,5 tỷ đồng; phí dự phòng 0,5 tỷ đồng). Đơn vị dự thầu đưa ra giá dự thầu 9,9 tỷ đồng (chi phí các hạng mục 9,7 tỷ đồng, dự phòng 0,2 tỷ đồng).
Bà Nguyên đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, giá gói thầu dự thầu vẫn nhỏ hơn giá gói thầu được duyệt nhưng giá trị dự thầu các hạng mục lại lớn hơn giá trị các hạng mục được phê duyệt, các điều kiện khác nhà thầu đều đáp ứng; giá dự thầu là thấp nhất, vậy có được xét trúng thầu không?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Điểm c, Khoản 1, Điều 62 Luật Đấu thầu quy định đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn đơn giản; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ phải áp dụng hợp đồng trọn gói. Gói thầu quy mô nhỏ là gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng; gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng (Điều 63 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP).
Theo hướng dẫn tại Khoản 3, Điều 5 Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì đối với hợp đồng trọn gói, nhà thầu phải tính toán và phân bổ chi phí dự phòng vào trong giá dự thầu; không tách riêng phần chi phí dự phòng mà nhà thầu đã phân bổ trong giá dự thầu để xem xét, đánh giá trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu về tài chính, thương mại.
Đối với vấn đề nêu trong văn bản của bà Nguyên, trường hợp gói thầu xây lắp áp dụng loại hợp đồng trọn gói (gói thầu xây lắp quy mô nhỏ có giá gói thầu là 10 tỷ đồng) thì nhà thầu phải tính toán và phân bổ chi phí dự phòng vào trong giá dự thầu theo quy định nêu trên.
Tuy nhiên, khi xây dựng giá gói thầu, chủ đầu tư phải bảo đảm giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng (chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng và chi phí dự phòng cho các khoản tạm tính, nếu có), phí, lệ phí và thuế.
Đối với các gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn, không phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng được tính bằng không. Chi phí dự phòng do chủ đầu tư xác định theo tính chất từng gói thầu nhưng không được vượt mức tối đa do pháp luật chuyên ngành quy định.