Tiêu chí phân bổ ngân sách phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, kiểm tra và giám sát; bảo đảm công bằng, công khai và minh bạch; từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế; đưa tối đa các khoản chi thường xuyên vào định mức chi quản lý hành chính của các bộ, cơ quan Trung ương với yêu cầu triệt để tiết kiệm; giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, các đoàn đi công tác nước ngoài; ưu tiên mức phân bổ kinh phí cho khối các cơ quan tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ.
Nghị quyết quy định, đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khó khăn, hoặc có dân số thấp, được phân bổ thêm theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số như sau: Các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được phân bổ thêm 15%; các địa phương có dân số dưới 550.000 dân được phân bổ thêm 20%; các địa phương có dân số từ 550.000 dân đến dưới 700.000 dân được phân bổ thêm 18%; các địa phương có dân số từ 700.000 đến 1 triệu dân được phân bổ thêm 16%. Trường hợp địa phương đáp ứng từ hai tiêu chí trở lên, chỉ được phân bổ theo tiêu chí hỗ trợ cao nhất.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ chế chính sách đặc thù, hoặc có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương, được phân bổ thêm theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số như sau: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được phân bổ thêm 80%; các thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ được phân bổ thêm 70%; các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45%.
Các tỉnh có tỉ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương từ 40% trở lên được phân bổ thêm 60%. Các tỉnh có tỉ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương từ 15% đến dưới 40% được phân bổ thêm 50%. Các tỉnh có tỉ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương còn lại được phân bổ thêm 40%.
Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết định mức phân bổ đối với từng tiêu chí, các mốc thời gian, cơ quan cung cấp số liệu làm căn cứ xác định dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 và các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới, bắt đầu từ năm ngân sách 2022.
Vũ Phương Nhi