Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận các nội dung, vấn đề lớn. Cụ thể, những quy định, cơ chế, chính sách trong Dự thảo Nghị định chưa rõ thì cần thảo luận, thống nhất cách hiểu, cách thực hiện; rà soát, phát hiện những vấn đề trong Dự thảo Nghị định khác với Luật; những nội dung còn ý kiến khác nhau trong phân cấp, phân quyền cho địa phương trên tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
"Mục tiêu là tìm ra phương án tốt nhất, theo nguyên tắc một việc không giao cho 2 người", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Nghị định phải chi tiết, rõ ràng những vấn đề cần hướng dẫn về thi hành, mà doanh nghiệp, cơ quan quản lý thống nhất về cách hiểu, cách làm, không cần có thêm văn bản - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Dự thảo Nghị định bao gồm 11 chương với 155 điều để quy định chi tiết 66 nội dung Luật giao và bổ sung 6 biện pháp thi hành.
Các thủ tục hành chính (TTHC) hiện hành được rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa theo hướng giảm thiểu các đối tượng, tổ chức cá nhân phải thực hiện thủ tục hoặc mở rộng các đối tượng tổ chức, cá nhân được thực hiện; đơn giản hóa thành phần hồ sơ; đa dạng hóa hình thức thực hiện; giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục; cắt giảm phí, lệ phí; phân cấp thực hiện TTHC…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, xuất phát từ việc phân nhóm khoáng sản thành 4 nhóm, Nghị định đã lập cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, kiểm soát hoạt động khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản.
Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản. Theo đó, UBND cấp tỉnh được phân cấp tối đa trong quản lý khoáng sản nhóm IV, nhóm III. Đối với khu vực có khoáng sản đã được khoanh định, công bố khu vực phân tán, nhỏ lẻ, UBND cấp tỉnh cấp giấy phép thăm dò, công nhận kết quả thăm dò khoáng sản, cấp giấy phép khai thác khoáng sản không phụ thuộc vào quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản. Trong quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản có phát hiện khoáng sản đi kèm là khoáng sản nhóm I, nhóm II (trừ khoáng sản là đối tượng dự trữ), phân cấp UBND cấp tỉnh công nhận kết quả thăm dò khoáng sản, cấp hoặc điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản.
"Tinh thần xây dựng Dự thảo Nghị định là phân cấp hơn nữa, thông thoáng hơn nữa, thuận lợi hơn nữa cho địa phương", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, thảo luận nhằm thống nhất đối với một số nội dung còn ý kiến khác nhau.
Cụ thể là, tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên (thuộc khoáng sản nhóm IV) chỉ dùng để ngâm tắm, trị bệnh, dịch vụ du lịch được xác định trong dự án đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng, khu đô thị; khu vực khoáng sản nhóm III được xác định trong hồ sơ vật liệu xây dựng phục vụ dự án đầu tư công trọng điểm, quốc gia, khẩn cấp; thăm dò mở rộng xuống sâu đối với tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản hợp pháp…
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất Chính phủ giao các Bộ Công Thương, Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung mang tính kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản… có thể thay đổi theo thời gian.
Lãnh đạo UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, An Giang, Kiên Giang, Đắk Nông cho rằng địa phương có thể đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với những nội dung phân cấp mạnh trong Dự thảo Nghị định, nhất là phân cấp quản lý đối với khoáng sản nhóm IV, một số loại khoáng sản nhóm III, mỏ khoáng sản quy mô nhỏ lẻ, hoặc chưa có trong quy hoạch, chưa thực hiện điều tra, đánh giá trữ lượng…
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn quy định về khai thác khoáng sản đi kèm, nhất là trong trường hợp có giá trị cao hơn khoáng sản chính; thống nhất một đầu mối ở Trung ương thực hiện quy hoạch khoáng sản; linh hoạt trong đóng cửa mỏ sau khỉ đã hoàn thành khai thác tuỳ thuộc vào từng loại khoáng sản; quy định rõ thẩm quyền cơ quan, cá nhân ở địa phương trong công tác quản lý khoáng sản…
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao các ý kiến đóng góp thẳng thắn, cụ thể, sát thực tiễn; cho biết sẽ làm rõ và tiếp thu tối đa các nội dung về lập, điều chỉnh quy hoạch điều tra, thăm dò, khai thác; khoanh định khu vực khoáng sản không đấu giá; phân cấp quản lý đối với một số loại khoáng sản nhóm II; điều chỉnh giấy phép để thực hiện khai thác khoáng sản đi kèm; thiết kế quy định phương án đóng cửa mỏ theo hướng kết thúc khai thác đến đâu thực hiện hoàn nguyên đến đấy…
Các đại biểu đánh giá cao tinh thần phân cấp, phân duyền mạnh mẽ trong Dự thảo Nghị định - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Nghị định phải đi vào chi tiết, rõ ràng những vấn đề cần hướng dẫn về thi hành, mà doanh nghiệp, cơ quan quản lý thống nhất về cách hiểu, cách làm, không cần có thêm văn bản".
Cơ quan soạn thảo tiếp thu triệt để, giải trình rõ các ý kiến góp ý; rà soát kỹ các quy định để điều chỉnh bao quát toàn bộ phạm vi của Luật Địa chất và khoáng sản, nhất là công tác quản lý nhà nước về địa chất, vốn có ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ mọi lĩnh vực từ quốc phòng an ninh cho đến việc phát triển kinh tế, đô thị, vấn đề an ninh, an toàn biến đổi khí hậu…
Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh áp dụng công nghệ, giảm bớt TTHC, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp. "Nếu phân cấp, phân quyền mà TTHC cứ giấy tờ và đi lại nhiều lần thì rất là gay go, phải thực hiện một cửa, một đầu mối, một hồ sơ", Phó Thủ tướng nói.
Về định hướng phân cấp, phân quyền cho địa phương, phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành, Phó Thủ tướng đề nghị bám sát quy định trong Luật Địa chất và khoáng sản, "một việc không giao cho hai người", vừa đơn giản hoá thủ tục nhưng rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng lợi dụng, tuỳ tiện.
Theo đó, cấp Trung ương quản lý về chiến lược, quy hoạch, thanh tra, kiểm tra; có cơ chế đầu tư khảo sát, thăm dò, điều tra trữ lượng các khoáng sản chiến lược, thiết yếu, có quy mô và giá trị mang tầm quốc gia.
Các địa phương, ngoài việc được phân cấp quản lý khoáng sản nhóm IV, nhóm III, có thể thực hiện khảo sát, thăm dò, điều tra, đánh giá bổ sung, báo cáo cập nhật vào quy hoạch đối với khoáng sản nhóm I, nhóm II chưa thực hiện thăm dò, điều tra cơ bản, chưa được đưa vào quy hoạch quốc gia.
Quy định về cấp phép, đánh giá trữ lượng khoáng sản từ kết quả thăm dò của doanh nghiệp phải bao gồm cả khoáng sản chính lẫn khoáng sản đi kèm; bảo đảm không thất thoát; khuyến khích đầu tư công nghệ khai thác khoáng sản đi kèm, "công khai, minh bạch để doanh nghiệp yên tâm thực hiện".
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến định hướng tiếp thu cho cơ quan soạn thảo đối với một số nội dung quan trọng khác như: Khu vực khoanh định không đấu thầu, đấu giá khai thác khoáng sản; tiêu chí chế biến làm giàu khoáng sản khai thác trước khi xuất khẩu; bảo đảm an toàn và môi trường khi thực hiện khai thác đất, đá thải ở mỏ như khoáng sản đi kèm; thủ tục đóng cửa mỏ, thực hiện hoàn nguyên linh hoạt, phù hợp với môi trường, địa hình thực tế; phương pháp xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên; thu hồi khi phát hiện khoáng sản chiến lược, thiết yếu, có trữ lượng lớn trong thực hiện dự án, công trình xây dựng…
Minh Khôi