In bài viết

Phân cấp UBND tỉnh quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu

(Chinhphu.vn) - Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư quy định về phân cấp quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.

22/09/2022 16:14
Phân cấp UBND tỉnh quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu - Ảnh 1.

Phân cấp UBND tỉnh quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu

Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay, theo quy định, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên tuyến đường thủy nội địa địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có những khó khăn, vướng mắc, cụ thể: Thời gian qua, để huy động nguồn nhân lực của các địa phương trong công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện ủy quyền công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa cho một số địa phương, cụ thể như: Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Nam thực hiện. Tuy nhiên, phương án này chưa thực sự phát huy hiệu quả khi chưa phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật về tổ chức Chính phủ, tổ chức chính quyền địa phương, ngân sách, cụ thể là các tỉnh miền Trung (trừ Đà Nẵng) chưa thành lập Tổ chức cảng vụ để thực hiện nhiệm vụ được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền, còn Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn trong công tác thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ đường thủy nội địa. Việc thực hiện ủy quyền công tác quản lý cảng, bến vẫn mang tính xử lý sự vụ, chưa phát huy được vai trò trách nhiệm, tính chủ động của địa phương, chưa đồng bộ trong phạm vi cả nước.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2022/NĐ-CP ngày 22/8/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa. Tại Điều 2 của Nghị định quy định việc phân cấp cho địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật tổ chức chính quyền địa phương thì việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp.

Nhằm phát huy nguồn lực, trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm việc phân cấp quản lý phù hợp với các quy định pháp luật và tình hình thực tiễn, điều kiện, năng lực thực hiện của các địa phương, đem lại hiệu quả hơn trong công tác quản lý và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, việc xây dựng Thông tư quy định về phân cấp quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu là hết sức cần thiết.

Tiêu chí phân cấp

Theo dự thảo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phân cấp tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu khi bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau:

1- Có tổ chức, bộ máy cảng vụ đường thủy nội địa theo quy định tại Thông tư số 18/2021/TT-BGTVT ngày 14/9/2021 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thuỷ nội địa.

2- Đảm bảo số lượng viên chức cảng vụ có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm được phê duyệt theo quy định.

3- Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết khác để tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu được phân cấp theo quy định.

Phân công trách nhiệm

Dự thảo nêu rõ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong nội dung, phạm vi được phân cấp; được phân cấp tiếp cho cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân cấp; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ Giao thông vận tải trong thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân cấp; duy trì bộ máy và các nguồn lực khác để đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân cấp; chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ báo cáo trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân cấp.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phân cấp tiếp chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.

Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp. Kết thúc phân cấp trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phân cấp hoặc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khi trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân cấp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hoặc việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân cấp không hiệu quả.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn