Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (Điều 624).
Người lập di chúc có quyền sau đây: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản (Điều 226).
Hình thức của di chúc, di chúc hợp pháp, di chúc bằng văn bản, nội dung của di chúc được quy định tại các Điều 625, 627, 628, 629, 630 của Bộ luật này.
Trở lại vấn đề bà Phan Thị Kim Dung hỏi, cha mẹ bà Dung đã lập di chúc, để thừa kế căn nhà cho hai người em bà Dung.Trong di chúc có ghi: “Một trong hai người chết đi, người còn lại toàn quyền quyết định căn nhà của mình”. Nếu nội dung của bản di chúc đúng như bà Dung phản ánh, có thể sẽ phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau:
- Cách hiểu thứ nhất, khi cả vợ, chồng cùng chết thì, kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm vợ, chồng cùng chết), những người thừa kế theo di chúc (hai người con được chỉ định hưởng thừa kế trong di chúc) có các quyền hưởng tài sản do người chết để lại.
- Cách hiểu thứ hai, khi một bên vợ, chồng chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng; nếu khi người còn lại chết, thì hai người con được chỉ định hưởng thừa kế trong di chúc mới được nhận di sản thừa kế theo di chúc.
- Cách hiểu thứ ba, nếu một bên vợ, chồng đã chết thì bên còn sống có quyền sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình (phần tài sản của bên còn sống). Cụ thể, trường hợp bố bà Dung đã chết, mẹ bà Dung muốn sửa đổi, bổ sung di chúc, thì chỉ được sửa đổi, bổ sung liên quan đến phần tài sản của vợ, bằng ½ khối tài sản chung của vợ chồng. Nếu mẹ bà Dung không muốn để thừa kế phần tài sản của mình cho một người con trong số hai người con có tên ở bản di chúc chung của vợ chồng, thì người con đó vẫn được hưởng một phần di sản của người bố theo bản di chúc chung của vợ chồng.
- Cách hiểu thứ tư, nếu một bên vợ, chồng đã chết thì bên còn sống được hưởng thừa kế phần tài sản của bên đã chết trong khối tài sản chung của vợ, chồng; trở thành chủ sở hữu toàn bộ khối tài sản (bao gồm tài sản của người còn sống và người đã chết); có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt toàn bộ tài sản đó. Cụ thể, trường hợp bố bà Dung chết, mẹ bà Dung được thừa kế phần tài sản của bố bà Dung trong khối tài sản chung vợ chồng. Sau khi thực hiện thủ tục khai nhận thừa kế, đăng ký biến động quyền tài sản, mẹ bà Dung có quyền lập di chúc định đoạt toàn bộ khối tài sản chung của vợ chồng sau khi chết.
Về vấn đề này, Điều 648 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định việc giải thích di chúc như sau: Trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực.
Theo luật sư, nếu hiện nay cả bố, mẹ bà Dung còn sống, còn minh mẫn, sáng suốt thì nên lập lại di chúc mới, có nội dung rõ ràng dễ hiểu hơn, thay thế bản di chúc chung vợ chồng đã lập.
Trường hợp bố bà Dung đã chết không thể lập di chúc chung của vợ chồng mới để thay thế bản di chúc đã lập, mà bản di chúc đã lập có phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau thì, những người thừa kế theo di chúc phải căn cứ quy định tại Điều 648 Bộ Luật Dân sự để giải quyết vướng mắc, tranh chấp (nếu có).
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.