In bài viết

Phân chia tài sản khi sống chung nhưng không đăng ký kết hôn

(Chinhphu.vn) - Từ năm 1988, bố mẹ bà Nguyễn Thắm (thachtrungan1306@...) đã chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Trước đó, bố bà Thắm đã lập gia đình, có 5 người con, sau đó ly hôn, bố bà nuôi 2 người con, vợ cũ nuôi 3 người con.

02/11/2013 08:11
Ảnh minh họa

Năm 2005, bố bà Thắm làm nhà mới trong mảnh đất chung của gia đình để sống với 1 người phụ nữ khác. Bà và mẹ bà sống ở căn nhà cũ. Trong sổ hộ khẩu ghi mối quan hệ của mẹ bà với chủ hộ (bố bà) là vợ.

Bà Thắm hỏi, quyền lợi của bố, mẹ, anh chị em của bà như thế nào? Những người không có tên trong sổ hộ khẩu có quyền được hưởng hay thừa kế tài sản không?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Thắm như sau:

Theo thông tin bà Nguyễn Thắm cung cấp, cách đây 25 năm (năm 1988) bố mẹ bà đến chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Vào thời điểm đó, theo quy định tại Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, việc kết hôn do UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú của một trong hai người kết hôn công nhận và ghi vào sổ kết hôn theo nghi thức do Nhà nước quy định. Mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị pháp lý. Theo đó, nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Tuy nhiên, tại điểm b, khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 về thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã hướng dẫn vấn đề này như sau: Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 3/1/1987 đến ngày 1/1/2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày 1/1/2001 (ngày Luật này có hiệu lực) cho đến ngày 1/1/2003. Từ sau ngày 1/1/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.

Trường hợp bố, mẹ bà Thắm cho đến nay không thực hiện việc đăng ký kết hôn theo các quy định nêu trên, do đó không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Căn cứ xác định quan hệ vợ chồng là Giấy chứng nhận kết hôn được UBND cấp xã cấp khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Việc trong sổ hộ khẩu ghi mối quan hệ của mẹ bà với chủ hộ (bố bà) là vợ, là có sai sót trong quá trình đăng ký nhân khẩu thường trú, không dùng làm căn cứ xác định quan hệ vợ chồng hợp pháp.

Về tài sản, đối với trường hợp chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn thì theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.

Trong thư bà Thắm không nêu rõ mảnh đất và căn nhà cũ mà bà và mẹ bà đang ở là tài sản riêng của bố bà, hay là tài sản chung của bố bà và người vợ cũ chưa chia; hay là tài sản riêng của mẹ bà; hay là tài sản chung của bố mẹ bà Thắm... Do vậy, mẹ bà cần có tài liệu, chứng cứ chứng minh tài sản nào là tài sản riêng, tài sản nào là tài sản chung do hai người đóng góp trong quá trình bố mẹ bà sống chung. Chứng cứ chứng minh việc đóng góp công sức, tiền bạc của mỗi bên là căn cứ quan trọng để xác định tỷ lệ phần mỗi bên được hưởng trong khối tài sản chung.

Về vấn đề thừa kế, hiện nay bố bà Thắm còn sống, bố bà có quyền định đoạt tài sản riêng và phần tài sản theo công sức đóng góp trong khối tài sản chung của bố mẹ bà, bằng các hình thức như chuyển nhượng, tặng cho, để thừa kế... với bất cứ người nào.

Khi chết, nếu bố bà để lại di chúc, thì di sản thừa kế được thực hiện theo di chúc. Trường hợp khi chết mà bố bà không để lại di chúc, thì theo quy định tại điểm a, khoản 1 và khoản 2 Điều 676, Bộ luật Dân sự những người ở hàng thừa kế thứ nhất của bố bà gồm: Vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi được hưởng phần di sản bằng nhau.

Vì bố mẹ bà Thắm không được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp, nên mẹ bà không phải là người thừa kế theo pháp luật của bố bà. Năm người con riêng của bố bà Thắm với người vợ cũ, cùng các con chung của bố mẹ bà Thắm và những người khác ở hàng thừa kế thứ nhất (như: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi, nếu có) sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau đối với tài sản là nhà ở, đất ở của bố bà.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật