Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phân công các Bộ, ngành, cơ quan liên quan chủ trì soạn thảo 130 văn bản quy định chi tiết thi hành 17 luật, 3 nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 8.
17 luật trên gồm: 1- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; 2- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; 3- Luật Đầu tư công (sửa đổi); 4- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; 5- Luật Điện lực (sửa đổi); 6- Luật Công chứng (sửa đổi); 7- Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); 8- Luật Dữ liệu; 9- Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 10- Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); 11- Luật Phòng không nhân dân; 12- Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; 13- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; 14- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; 15- Luật Địa chất và khoáng sản; 16- Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); 17- Luật Công đoàn (sửa đổi).
3 nghị quyết gồm: 1- Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; 2-Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; 3- Nghị quyết của Quốc hội về tổ chúc chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm đầy đủ nội dung giao quy định chi tiết, đúng thẩm quyền và thời hạn ban hành văn bản để có hiệu lực đồng thời với luật, nghị quyết hoặc nội dung giao quy định chi tiết. Trường hợp cần thay đổi, bổ sung đề xuất thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo Lãnh đạo Chính phủ phụ trách ngành, lĩnh vực xem xét, quyết định.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công chủ trì soạn thảo, trình văn bản để xảy ra tình trạng chậm ban hành hoặc ban hành văn bản không đảm bảo chất lượng...
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao trong việc rà soát, đề xuất các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Tư pháp người chưa thành niên, đưa vào Kế hoạch triển khai thi hành Luật, bảo đảm đầy đủ nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chi tiết và thời hạn ban hành văn bản để có hiệu lực đồng thời với Luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thẩm định, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xử lý các hồ sơ dự thảo văn bản được các Bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phương Nhi