Đó là mục tiêu chung Bộ Y tế đặt ra trong Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023.
Theo Bộ Y tế, trong những năm gần đây tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, các đại dịch nói chung đang tăng dần tần suất xuất hiện. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa và di dân gia tăng là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát.
Do đó, trong kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu chung là giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình năm giai đoạn 2016-2020; khống chế kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.
Đồng thời, cập nhật, hoàn thiện, ban hành phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống công bố dịch kết thúc khi WHO có khuyến cáo, các hướng dẫn giám sát và phòng chống các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ… Hướng dẫn phân vùng dịch tễ các bệnh do ký sinh trùng thường gặp; Hướng dẫn giám sát dựa vào sự kiện; Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm...
Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt ≥ 95% quy mô cấp xã; 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, phát hiện sớm và kịp thời xử lý các trường hợp mắc bệnh theo quy định, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan...
Để đạt được những mục tiêu trên, Bộ Y tế tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và chỉ đạo điều hành; đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật Phòng bệnh theo kế hoạch.
Nâng cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bố trí kinh phí, đảm bảo nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng, chống dịch.
Củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm từ Trung ương đến địa phương, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức để đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Thúc đẩy việc nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động y tế dự phòng và y tế cơ sở; đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.../.