Ảnh minh họa |
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, thị trường lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL trong tháng 2 có dấu hiệu sôi động hơn, giá lúa tăng so với tháng 1. Các doanh nghiệp (DN) chế biến gạo XK tập trung gom hàng để trả hàng cho các đơn hàng XK đã ký kết với những thị trường truyền thống và chuẩn bị đơn hàng vào nhiều thị trường mới. Bên cạnh đó, lúa Đông Xuân tại một số địa phương bắt đầu thu hoạch, nhu cầu mua vào của các DN chế biến gạo XK tăng.
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa các phương, giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL như sau: Tại Kiên Giang, giá lúa tăng 200 đ/kg. Cụ thể, lúa IR50404 lên mức 5.900 - 6.100 đ/kg; lúa OM 4218 lên mức 6.400 - 6.500 đ/kg; lúa OM 6976 lên mức mức 6.400 - 6.600 đ/kg; lúa Jasmine ở mức 6.600 đ/kg. Tại Vĩnh Long, lúa Đông Xuân giống IR50404 tại thị xã Bình Minh ổn định ở mức 5.200 đ/kg (lúa ướt). Tại Bạc Liêu, lúa tài nguyên mới tại huyện Vĩnh Lợi ổn định ở mức 6.800 - 7.000 đ/kg; giá bán buôn lúa OM 5451 của Công ty Lương thực Bạc Liêu ổn định ở mức 6.500 đ/kg.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Gạo là mặt hàng XK truyền thống và duy trì đà tăng trưởng ổn định trong 3-4 năm trở lại đây. Năm 2016, Việt Nam XK 4,8 triệu tấn, tương đương 2,1 tỷ USD. Năm 2017, sản lượng và giá trị XK gạo lần lượt là 5,8 triệu tấn và 2,6 tỷ USD. Với đà XK trong hai tháng đầu năm nay, có thể khẳng định, ngành lúa gạo Việt Nam đang có nhiều thuận lợi.
“Tuy nhiên, những kết quả đạt được cũng khiến ngành lúa gạo Việt Nam vừa mừng vừa lo. Hiện, ngay tại một số tổng công ty lớn, khâu chế biến sản phẩm gạo còn thấp so với thế giới. Tháng 5/2017, khi tham gia hội chợ tại Thái Lan, điểm dễ nhận thấy là gạo Việt còn kém xa gạo Thái Lan về mức độ đa dạng hóa sản phẩm. Chất lượng, mẫu mã cũng còn nhiều vấn đề phải bàn”, ông Toản nói.
Liên quan tới câu chuyện thúc đẩy XK gạo thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nêu rõ: Năm 2018, mục tiêu hướng tới là XK đạt khoảng 6,5 triệu tấn với cơ cấu XK chủ yếu là gạo chất lượng tốt. Loại gạo thường IR50404 vẫn giữ tỷ lệ nhất định trong cơ cấu hàng XK, song không quá 20%. Hiện nay, dù giá loại gạo này khá tốt nhưng không phải vì cái lợi trước mắt mà đẩy tăng gieo trồng trở lại.
“Về lâu dài, XK gạo cần tiếp tục kiên trì theo con đường nâng cao chất lượng. Sau khi đảm bảo chất lượng, phải làm tốt hơn vấn đề thương hiệu, như vậy lâu dài sẽ giữ được giá cao”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Hiện nay, vấn đề xây dựng thương hiệu cho gạo Việt đang được Bộ NN&PTNT nỗ lực hoàn thành. Logo thương hiệu gạo quốc gia đã được phê duyệt và tới đây sẽ có cơ chế quản lý. Thời gian qua, tổng thể chung để phát triển ngành gạo đã có nhiều giải pháp được đưa ra, xuất hiện những khu vực tư nhân quan tâm đến lĩnh vực chế biến gạo.
Đỗ Hương