Tuy nhiên, theo Nghị định số 01/2025/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/3/2025), việc ủy thác này sẽ chỉ được thực hiện giữa các thương nhân cùng có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Điều này đồng nghĩa với việc công ty bà Huyền không thể tiếp tục hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh doanh và đời sống của nhân viên.
Bà Huyền đề nghị cơ quan chức năng có các hướng dẫn, chính sách cởi mở hơn để các công ty như công ty của bà được tiếp tục công việc xuất khẩu gạo.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định số 01/2025/NĐ-CP ngày 01/01/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo: "Thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo chỉ được ủy thác xuất khẩu hoặc nhận ủy thác xuất khẩu từ thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo".
Quy định về ủy thác xuất khẩu gạo và nhận ủy thác xuất khẩu gạo nêu trên được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu gạo trong bối cảnh thị trường gạo thế giới ngày càng có yêu cầu cao hơn về truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và kiểm soát chuỗi cung ứng.
Việc giới hạn đối tượng được phép ủy thác hoặc nhận ủy thác chỉ trong phạm vi các thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo góp phần: Bảo đảm sự đồng bộ trong thực hiện các tiêu chuẩn về kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến gạo, theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; ngăn ngừa tình trạng lợi dụng cơ chế ủy thác để né tránh điều kiện kinh doanh, gây rủi ro cho hoạt động kiểm soát chất lượng và xuất xứ gạo xuất khẩu; bảo vệ thương hiệu và uy tín gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, qua đó hỗ trợ nâng cao vị thế cạnh tranh và ổn định thị phần xuất khẩu.
Bên cạnh đó, quy định này cũng bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống kho bãi, xay xát và đáp ứng đầy đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận, tránh tình trạng doanh nghiệp đầu tư bài bản bị cạnh tranh không lành mạnh bởi các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện nhưng vẫn tham gia thị trường thông qua cơ chế ủy thác.
Trong quá trình xây dựng Nghị định số 01/2025/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục lấy ý kiến theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, Bộ đã lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng; đồng thời đăng tải toàn bộ nội dung dự thảo Nghị định trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi. Kết quả tổng hợp ý kiến cho thấy không có phản hồi phản đối quy định tại khoản 1 Điều 1 liên quan đến hoạt động ủy thác và nhận ủy thác xuất khẩu gạo.
Do đó, việc duy trì quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 01/2025/NĐ-CP là cần thiết.
Bộ Công Thương ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp và sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ phù hợp trong khuôn khổ pháp luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi xuất khẩu gạo.
Chinhphu.vn