Phát biểu tại phiên họp, ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết: nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính đã được chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Trong giai đoạn 2023-2025, đã có 12 ĐVHC cấp huyện là thị xã/ thành phố dự kiến sắp xếp với toàn bộ hoặc một phần ĐVHC cấp huyện liền kề; 03 thị xã/thành phố dự kiến thành lập mới trên cơ sở sắp xếp ĐVHC; 04 thị xã/thành phố đã có quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu; 48 thị trấn thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến sắp xếp với toàn bộ hoặc một phần ĐVHC xã liền kề.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, tình hình tiến độ triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, khó khăn liên quan đến quy hoạch đô thị và đánh giá phân loại đô thị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là đô thị.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn một số nội dung liên quan đến quy hoạch đô thị, đánh giá phân loại đô thị để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã là đô thị giai đoạn 2023-2025 là cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời, Nghị quyết sẽ xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm các cấp trong việc hoàn thiện các hồ sơ văn bản theo thẩm quyền về quy hoạch đô thị, đánh giá chất lượng đô thị sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là đô thị phù hợp với quy định hiện hành của Luật Quy hoạch đô thị và pháp luật về phân loại đô thị.
Góp ý tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Tú Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) nêu những khó khăn trong sắp xếp ĐVHC giai đoạn này khi vừa phải bảo đảm chất lượng, tiến độ và đúng trình tự quy hoạch đô thị đã được quy định chặt chẽ tại Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản có hướng dẫn.
Trong trường hợp sắp xếp ĐVHC là thị trấn, đại diện Vụ Chính quyền địa phương bày tỏ nhất trí quy định về việc thị trấn dự kiến hình thành sau sắp xếp phải phù hợp quy hoạch chung đô thị hoặc nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp ĐVHC.
Bà Tú Thanh đề xuất bộ hồ sơ đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình Chính phủ, hồ sơ thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không bao gồm hồ sơ đề án phân loại đô thị đối với thị trấn dự kiến hình thành sau sắp xếp. Các hồ sơ tài liệu khác thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Đối với trường hợp sắp xếp ĐVHC đô thị cấp huyện, bà đề nghị chỉnh lý theo hướng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản báo cáo việc rà soát cụ thể tiêu chí phân loại đô thị đối với thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập phường; kế hoạch, lộ trình hoàn thiện việc công nhận loại đô thị, công nhận đạt tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của đơn vị hành chính đô thị sau sắp xếp.
Ông Nguyễn Duy Linh, Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội) nhấn mạnh: Việc lập, thẩm định, công nhận kết quả đánh giá tiêu chí phân loại đô thị đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau sắp xếp, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập phường sẽ thực hiện theo quy định pháp luật về phân loại đô thị và phải hoàn thành trước khi Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Thượng tá Lê Phúc Đôn, Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng đánh giá việc sắp xếp ĐVHC chưa thấy ảnh hưởng đến nghiệp vụ quốc phòng, đồng thời lưu ý tới việc xây dựng thế trận phòng thủ tại các địa phương. Do đó, việc sắp xếp ĐVHC cần phù hợp theo tổ chức của mỗi địa phương.
Về hình thức tờ trình dự thảo Nghị quyết, bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo điều chỉnh, hoàn thiện Tờ trình theo đúng mẫu. Cùng với đó, hồ sơ đề nghị mới chỉ có ý kiến góp ý của 01 Bộ và 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, bà đề nghị cơ quan chủ trì bổ sung đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để có đánh giá tổng thể về sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định; đồng thời nhất trí với việc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành Nghị quyết. Về dự thảo Tờ trình, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát và chỉ liệt kê các cơ sở pháp lý có liên quan trực tiếp; đánh giá thêm tình hình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là đô thị trong thời gian qua, từ đó làm rõ các vướng mắc gặp phải và đề xuất giải pháp. Cùng với đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì chỉnh lý tên gọi của Nghị quyết và các điều khoản để thể hiện rõ nội dung thực hiện điều chỉnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì lưu ý một số nội dung khác như: bổ sung phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, làm rõ đối tượng áp dụng và trách nhiệm thực hiện của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan,…
Lê Sơn