Chị Nguyễn Thị Huyền, cán bộ Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hướng dẫn chị em phân loại rác. Ảnh: Bộ TN&MT |
Buổi truyền thông đã cung cấp các thông tin, kiến thức về hiện trạng môi trường Việt Nam và tỉnh Hòa Bình; hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn và sử dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải nông thôn. Các thông tin này được truyền tải tới cán bộ, hội viên hội phụ nữ tại địa phương để vận dụng vào giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại địa phương cũng như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ gia đình về tầm quan trọng của việc phân loại và xử lý rác thải nông thôn.
Chất thải rắn sinh hoạt (hay còn gọi là rác thải sinh hoạt) sinh ra từ hoạt động hằng ngày của con người. Dựa vào tính chất, có thể chia chất thải rắn sinh hoạt thành 2 loại là chất thải rắn hữu cơ và chất thải rắn vô cơ. Chất thải rắn hữu cơ là các thực phẩm thải, chất thải làm vườn, chăn nuôi như đồ ăn thừa, rau quả hư hỏng, phân chăn nuôi… và phần lớn đều là chất thải dễ phân hủy. Ngược lại, chất thải rắn vô cơ là những chất thải không có khả năng phân hủy trong điều kiện tự nhiên hoặc có thể phân hủy nhưng trong thời gian rất dài như thủy tinh, sành sứ, cao su, nhựa...
Theo đó, mỗi gia đình nên có 2 thùng rác riêng để phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ; đồng thời, rác thải hữu cơ cần được được thu gom hằng ngày để tránh thối rữa. Sau khi thu gom, rác thải vô cơ được bán lại cho các cơ sở tái chế còn rác thải hữu cơ có thể được xử lý bằng phương pháp hố chôn rác thải. Rác thải hữu cơ được chôn vào hố được rắc chế phẩm sinh học, bỏ đất hoặc tro/trấu rải lên và đậy nắp. Lợi ích từ phương pháp này là đơn giản, dễ thực hiện; giải quyết tại chỗ rác thải sinh hoạt hữu cơ và không gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, có thể sử dụng rác đã phân hủy để làm phân bón, trồng cây.
Chia sẻ về sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ nông thôn tại nguồn, chị Sầm Thị Kim Quý, cán bộ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đưa ra giải pháp chế phẩm sinh học giúp giảm mùi khó chịu của hố chôn rác thải hữu cơ; đồng thời, giúp rác thải hữu cơ phân hủy nhanh hơn, có độ dinh dưỡng cao hơn.
Chị Kim Quý cũng chia sẻ những kết quả thực tế của một số hộ gia đình khi sử dụng giải pháp chế phẩm sinh học nêu trên để làm phân bón cho cây trồng, thức ăn chăn nuôi, xử lý chuồng trại, chất thải chăn nuôi… tạo nên các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ khép kín, không chất thải và bảo vệ môi trường.
Các chia sẻ và hướng dẫn tại buổi truyền thông đã được các chị, em Hội Phụ nữ xã Tú Sơn quan tâm và hưởng ứng. Nhiều chị, em mong muốn sẽ tiếp thu các kinh nghiệm về phân loại và xử lý rác thải tại nguồn bằng chế phẩm sinh học để áp dụng ngay tại gia đình, góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương.
Lâm Hoàng