In bài viết

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên toàn thể Hội nghị GMS

(Chinhphu.vn) – Sáng 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 6. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng.

31/03/2018 13:00
Thưa Ngài Săm-đec Te-chô Hun Sen, Thủ tướng Vương Quốc Cam-pu-chia,

Thưa Ngài Thoonglun Si-su-lit, Thủ tướng Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào,

Thưa Ngài Pra-ut, Chan-ô-chan, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan,

Thưa Ngài Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,

Thưa Ngài U Hen-ry Van Thi-o, Phó Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma

Thưa Ngài Ta-kê-hi-cô Na-ka-ô, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á,

Thưa Ngài Lim Jock Hoi, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á,

Thưa Ngài Joaquim Levy, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Tài chính Ngân hàng Thế giới,

Thưa tất cả Quý vị và các bạn,

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi vui mừng chào đón các nhà Lãnh đạo và toàn thể Quý vị tới Hà Nội tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 6. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển của GMS - cơ chế hợp tác đầu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại khu vực Mê Công.

Thưa tất cả Quý vị,

Dòng nước Mê Công ngàn đời nay vẫn uốn lượn hiền hòa qua những vùng đất trù phú của chúng ta, dòng sông chính là mạch nguồn kết nối tự nhiên cuộc sống, giao lưu văn hóa và sự thịnh vượng của muôn triệu người dân đất nước GMS. Trong 1/4 thế kỷ vừa qua, hợp tác GMS đã không ngừng mở rộng về quy mô, đi sâu về nội dung, khẳng định được bản sắc riêng là một cơ chế hợp tác khu vực có uy tín với chiến lược 3C "Kết nối, Cộng đồng và Cạnh tranh". Hàng trăm dự án với tổng vốn trên 21 tỷ USD đã được triển khai trong nhiều lĩnh vực từ giao thông, năng lượng, viễn thông đến thương mại, nông nghiệp và môi trường. Nhiều chiến lược hợp tác tổng thể với tầm nhìn dài hạn, như hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Bắc-Nam (NSEC) và phía Nam (SEC).

Từng là khu vực của những quốc gia nghèo khó, chậm phát triển và biệt lập trong thế kỷ trước, đến nay GMS đã vươn lên và tự hào có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, mở cửa, tích cực hội nhập và có các thị trường rộng lớn, sôi động với tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Thành công của GMS minh chứng cho khát vọng và quyết tâm xây dựng khu vực Mê Công hoà bình, thịnh vượng, phát triển bền vững, vì người dân.

Tôi chân thành cảm ơn sự nỗ lực quý báu, hiệu quả của Ngân hàng phát triển Châu Á ADB, Ngân hàng Thế giới WB,các đối tác phát triển đã dành cho khu vực Mê Công nói chung, Việt Nam nói riêng và mong quý vị tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trên con đường xây dựng tương lai khu vực Mê Công.

Trong 25 năm qua, Việt Nam luôn coi trọng và tích cực tham gia hợp tácGMS, nỗ lực thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, bảo vệ môi trường, tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu. Đã có nhiều công trình kết nối hiệu quả bước đầu giữa Việt Nam với các nước GMS (hành lang kinh tế Đông - Tây EWEC, hệ thống cầu đường kết nối ĐBSCL, hành lang ven biển phía Nam SEC,cao tốc Nội Bài - Lào Cai – Vân Nam…). Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác thúc đẩy GMS hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy hơn nữa tiềm năng của khu vực Mê Công.

Thưa tất cả Quý vị,

GMS đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức chưa từng có, đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận sáng tạo và tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhằm phát huy nội lực của từng quốc gia đồng thời liên kết hiệu quả tạo nên sự cộng hưởng về sức mạnh của cả khu vực GMS trong tăng trưởng nhanh, phát triển đồng đều cả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Tôi đánh giá cao việc xây dựng Kế hoạch hành động Hà Nội 2018-2022 cùng với Khung đầu tư khu vực 2022 RIF-22 (với tổng mức hơn 220 chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật với tổng trị giá khoảng 66tỷ USD). Đề nghị khởi động việc xây dựng Tầm nhìn Hợp tác GMS đến 2030, với nhiệm vụ chính là (i) nâng cao năng lực cạnh tranh, (ii) hỗ trợ các nước GMS tham gia ngày càng sâu, hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, (iii) tăng cường phối hợp ứng phó với thách thức chung của khu vực, đặc biệt là biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Tôi xin nhấn mạnh một số nội dung hợp tác lớn cần chú trọng như sau:

Thứ nhất,phát triển hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh kết nối khu vực, bảo đảm thông suốt trong khu vực GMS và giữa GMS với các khu vực bên ngoài, bao gồm 3 nội dung chính là:

(i) Xây dựng cơ sở hạ tầng "chất lượng, xanh và thông minh", sử dụng nguyên vật liệu và công nghệ tiên tiến thân thiện môi trường; gắn yếu tố môi trường, xã hội vào thiết kế và xây dựng; bảo đảm bền vững về tài chính; ứng dụng tiến bộ khoa học vào vận hành và quản lý.

(ii) Phát huy tối đa hình thức kết nối đa phương thức kết hợp hài hòa vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy để các hành lang kinh tế của GMS đạt hiệu quả cao nhất trong giai đoạn mới.

(iii) Chú trọng kết nối thông tin – viễn thông và năng lượng để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và quản lý sản xuất kinh doanh. Theo Ủy ban kinh tế xã hội Châu Á – TBD của Liên hợp quốc (UNESCAP), khi đạt 10% tăng trưởng về thông tin viễn thông sẽ tăng thêm khoảng 1,34% giá trị GDP bình quân đầu người. Kết nối hiệu quả mạng lưới truyền tải điện và sử dụng công nghệ mới về lưu trữ điện sẽ giảm sức ép phải xây nhà máy điệnmới.

Thứ hai,thúc đẩy "kết nối tương hỗ" về thương mại - đầu tư. Các quốc gia trong khu vực GMS khá tương đồng về nhiều mặt hàng, sản phẩm, nhất là nông lâm thủy sản, đây là cơ sở để kết nối tốt hơn giữa các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh để giảm sự cạnh tranh lẫn nhau, nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực GMS.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực. Đây là yêu cầu cấp bách trongbối cảnh lan tỏa của Cách mạng công nghiệp 4.0; trong khi lực lượng lao động giản đơn, năng suất thấp vẫn chiếm tỷ lệ cao trong khu vực GMS; phải tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực để khu vực GMS có thể nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Thứ tư,xây dựng GMS thực sự là một cộng đồng cùng chung lợi ích, cùng nhau ứng phó, giải quyết các thách thức chung. Điều này rất cần sự hợp tác chân thành, thẳng thắn, từ đó tạo niềm tin để cùng nhau hành động hiệu quả hơn.

Tôi xin đề nghị một số hướng hợp tác cụ thể sau: (i) Tăng cường chia sẻ thông tin, tiến hành nghiên cứu chung về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn nước sông Mê Công; (ii)các nước GMS và các đối tác phát triển mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; (iii) Lồng ghép chiến lược tăng trưởng xanh vào chính sách phát triển quốc gia của từng nước thành viên; thực hiện tốt Chương trình Môi trường trọng điểm 2018-2022 của GMS; (iv) Thúc đẩy việc Lượng giá dịch vụ hệ sinh thái để làm rõ lợi ích của một môi trường sinh thái khỏe mạnh cho phát triển bền vững và nhiệm vụ cùng nhau bảo vệ môi trường.

Thứ năm,GMS cần phát huy cơ chế hợp tác mở với sự tham gia của quốc gia, các đối tác phát triển, các định chế tài chính quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta. Hơn thế, sự phối hợp giữa GMS với các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác (Hợp tác Mê Công Lan Thương MLC, Ủy hội Mê Công quốc tế MRC, Sáng kiến Hạ nguồn Mê Công LMI,…), và với ASEAN, Liên Hợp Quốc,.. sẽ giúp chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, tối ưu nguồn lực phát triển.

Thưa Quý vị,

Với những thành tựu đáng tự hào mà GMS đã đạt được bên dòng Mê Công trong 25 năm qua, với quyết tâm của các Chính phủ và sự đồng lòng người dân, cùng sự đồng hành của ADB, WB và các đối tác phát triển, nhất là sự tham gia chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, GMS hoàn toàn tự tin tiếp tục tiến bước với vai trò là cơ chế hợp tác đầu tiên, có vai trò chủ chốt ở khu vực Mê Công vì hòa bình, phát triển bền vững mang lại thịnh vượng cho mọi người dân chúng ta.

Chúc Quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Trân trọng cảm ơn./.