In bài viết

Phát biểu của Thủ tướng phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Hôm nay, 27/2, tại Bộ Y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng.

27/02/2019 19:15

Thủ tướng phát biểu phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân cũng như của toàn xã hội. Bác Hồ kính yêu nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe”. “Dân cường thì nước thịnh”.

Muốn giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thì cần phải đồng thời thực hiện tốt cả 3 yêu cầu cốt lõi là: vệ sinh phòng bệnh, ăn uống điều độ, đảm bảo dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên. Việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe phải là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Với sự nỗ lực của ngành y tế, các ban ngành, đoàn thể và của toàn xã hội, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là tăng tuổi thọ và thực hiện thành công nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và nhiều tổ chức quốc tế, các chỉ số về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam như tuổi thọ, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh tật, hiệu quả khám chữa bệnh cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Một số chỉ số đạt mức các nước đang phát triển có thu nhập khá.

Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân nhưng cũng thực sự đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới về sức khỏe của người dân trong quá trình phát triển, đó là những mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu,... đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đó là ô nhiễm môi trường sống, các yếu tố về hành vi lối sống,... đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mãn tính về đường hô hấp. Những căn bệnh này đang chiếm hơn 70% số tử vong hằng năm. Trong khi đó, việc phòng, chống các yếu tố gây bệnh, việc phát hiện sớm và quản lý, chăm sóc người bệnh ở tuyến y tế cơ sở vẫn chưa được chú trọng. Mặc dù người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nhưng trung bình có tới gần 10 năm phải sống với bệnh tật, vì thế đã làm giảm rất nhiều chất lượng cuộc sống. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam cũng chưa được cải thiện nhiều trong những năm qua (chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ, sau hơn 25 năm mới tăng được 3cm).

 Thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, ngày 02 tháng 9 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Nhằm huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức cùng xây dựng môi trường, điều kiện thuận lợi, huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng và toàn xã hội, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Để thực hiện Chương trình, thời gian tới, cần tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, phải nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Cần vận động, hướng dẫn người dân có kiến thức và biết tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; tuyên truyền các hành vi lối sống có lợi cho sức khỏe nhằm tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư. Mỗi người mỗi ngày cần vận động ít nhất 10 ngàn bước chân, điều này nên trở thành thói quen hàng ngày.

Hai là, cùng với làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, cần cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại tuyến cơ sở, để mọi người dân được kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật; được tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc, điều trị, quản lý liên tục tại nơi sinh sống, nhất là đối với người mắc các bệnh mạn tính và người cao tuổi. Mọi người phải được chăm sóc, quản lý sức khỏe ngay từ khi trong bụng mẹ.

 Ba là, thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe, trong đó chú trọng giảm tiêu thụ thuốc lá, đồ uống có cồn, nước ngọt có đường, thực phẩm chế biến sẵn và các sản phẩm có nguy cơ gây bệnh; cải thiện và bảo vệ môi trường sống (đất, nước, không khí, rác thải, tiếng ồn, nhà vệ sinh, sóng điện từ...); phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đuối nước trẻ em...

Bốn là, khuyến khích tổ chức sản xuất, kinh doanh cung cấp thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng cho từng lứa tuổi; đặc biệt lưu ý thực hiện tốt chương trình dinh dưỡng học đường, sữa học đường, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nhất là thể thấp còi.

Năm là, phát triển thể dục thể thao và tăng cường rèn luyện thân thể, trước hết là trong hệ thống giáo dục. Phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh giáo dục thể chất trong nhà trường; tạo sự lan tỏa sâu rộng, phát triển thể dục thể thao trong các cơ quan xí nghiệp và toàn xã hội.Tạo điều kiện, khuyến khích người dân tiếp cận, sử dụng không gian công cộng, cơ sở luyện tập thể dục, thể thao.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị:

Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan thông tấn báo chí theo chức năng, nhiệm vụ triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả chương trình này.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đưa các chỉ tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành tại địa phương triển khai thực hiện Chương trình.

Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội chỉ đạo, triển khai và phối hợp để tuyên truyền, vận động, huy động toàn dân tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động của Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở, các cơ quan đơn vị cần có chương trình cụ thể để kiên quyết thực hiện chương trình sức khỏe Việt Nam được tổ chức phát động hôm nay.

Chương trình sức khỏe Việt Nam chỉ có thể thành công khi có sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân. Mỗi người dân hãy bắt đầu ngay việc thực hiện và duy trì những hành vi, lối sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe để tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cho cộng đồng xã hội. Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, thực hiện đúng các hướng dẫn của bác sỹ, thầy thuốc. Có chế độ ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, giảm muối trong bữa ăn hằng ngày, ăn nhiều rau xanh. Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia, và điều quan trọng là thương xuyên vận động thể lực, rèn luyện thể dục. Đây cũng chính là thực hiện lời dạy của  Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ cũng nên làm và ai cũng làm được”. Điều này càng có ý nghĩa khi năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chân thành cám ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác giúp đỡ có hiệu quả của các quốc gia, tổ chức quốc tế đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội nói chung và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam nói riêng.

Chúc Chương trình Sức khỏe Việt Nam thành công tốt đẹp. Chúc các thế hệ thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế luôn hoàn thành tốt trọng trách cao cả trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ tuyên bố chính thức phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam./.