Thưa đồng bào, đồng chí, quý vị đại biểu
Hôm nay, tôi rất vui mừng dự Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2015 và tổng kết Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thay mặt Chính phủ, tôi thân ái gửi đến các đồng chí, quý vị đại biểu và đồng bào cả nước lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất.
Cách đây tròn 2 năm, ngày 9/11 được công bố chính thức là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội. Với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong 2 năm qua, Ngày Pháp luật đã được các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương tích cực triển khai thực hiện với trọng tâm là triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, chúng ta đã thu được những kết quả quan trọng bước đầu, góp phần thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, Người từng viết trong “An Nam yêu cầu ca” (1920): “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” (1). Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh ngày 20/9/1945 thành lập Ban dự thảo Hiến pháp. Tại phiên họp tháng 10/1946, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nhà nước Việt Nam. Phát biểu trước Quốc hội, Người nhấn mạnh “Chính phủ sẽ cố gắng làm theo đúng 3 chính sách: dân sinh, dân quyền và dân tộc" (2) trong thực hiện Hiến pháp 1946.
Theo tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua đã mở ra không gian hiến pháp mới để chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với tinh thần thượng tôn pháp luật; mọi quyết định của Nhà nước đều phải minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật; Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm, bảo vệ quyền dân chủ, tự do, quyền con người, quyền công dân; người dân có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và được quyền làm những gì pháp luật không cấm, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đột phá hàng đầu trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020. Trên thực tế, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta ngày càng hoàn thiện, từng bước thực thi có hiệu quả và nhận được sự đồng thuận trong xã hội. Thể chế về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền công dân có sự chuyển biến khá cơ bản, toàn diện, hài hòa giữa quyền và trách nhiệm, bảo đảm thực thi của Nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đã trở thành nội dung chủ yếu trong hoạt động của Chính phủ nhằm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền hành pháp của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, gìn giữ hòa bình và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế.
Tinh thần thượng tôn pháp luật và năng lực vận động Nhân dân chấp hành Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức có những chuyển biến tích cực. Người dân có ý thức pháp luật cao hơn, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của mình; các quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Từ những kết quả bước đầu này, có thể khẳng định, Ngày Pháp luật đã từng bước đi vào cuộc sống, trở thành một sự kiện chính trị-pháp lý quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và giai đoạn 2011-2015, cũng như thành công của Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; đồng thời cũng đã góp phần xây dựng hình ảnh Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thực thi quyền làm chủ, quyền tự do của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nghiêm túc nhìn nhận rằng việc xây dựng, nhận thức, thực thi cũng như việc triển khai Ngày pháp luật trong thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế; đó là tính hình thức, phong trào; còn nhiều trường hợp, pháp luật chưa được đề cao, chưa được tôn trọng; hiện tượng “đói pháp luật”, “nhờn luật”, coi thường pháp luật vẫn còn khá phổ biến. Tình trạng này là nghịch lý, là sự cản trở khi mà việc tìm hiểu pháp luật, sử dụng đúng pháp luật, thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, đã trở thành nhu cầu tất yếu, thiết thân và bắt buộc trong đời sống xã hội cũng như đối với mỗi người chúng ta.
Cuộc thi viết Tìm hiểu Hiến pháp là hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật thiết thực, được đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực hưởng ứng. Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, đã có tới gần 5 triệu bài dự thi. Cuộc thi đã góp phần phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung, nhất là những nội dung mới, tiến bộ của Hiến pháp năm 2013, trở thành một phong trào sổi nổi học tập, tìm hiểu và thực hiện Hiến pháp, góp phần xây dựng đồng thuận xã hội trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân, đồng chí, đồng bào ta cả trong nước và ngoài nước. Tôi hoan nghênh Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan đã có sáng kiến tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp và hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2015.
Buổi lễ hôm nay được tổ chức trong không khí phấn khởi hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; đất nước ta đang bước sang giai đoạn phát triển mới, ổn định vững chắc hơn, tăng trưởng cao hơn; dân tộc ta tự tin hội nhập vào một thế giới mà quá trình toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng; khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh; kinh tế thị trường và tiến bộ công bằng xã hội; dân chủ và pháp quyền; hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia, vì hoà bình và phát triển, đồng thời cùng chung tay giải quyết những vấn đề toàn cầu là xu hướng chung của nhân loại. Đặc biệt, việc chúng ta chủ động tích cực tham gia Cộng đồng ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác lớn, các khối kinh tế toàn cầu, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU)… đang mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng sự tùy thuộc lẫn nhau cũng tăng lên và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao, với một thể chế tiên tiến, chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh, bền vững và ngược lại.
Nhìn lại gần 30 năm đổi mới vừa qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, mà bản chất là bảo đảm và tăng cường dân chủ. Dân chủ và pháp quyền gắn bó chặt chẽ, biện chứng, không tách rời nhau. Dân chủ phải đi liền với kỷ luật, kỷ cương. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Quyền dân chủ tự do của người dân phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân mà trước hết là phải tuân thủ pháp luật. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tích cực hơn nữa trong hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách lập pháp, cải cách tư pháp, cải cách hành chính và đẩy mạnh triển khai thực hành Hiến pháp năm 2013, bảo đảm dân chủ, pháp quyền, quyền con người, quyền công dân.
Để Ngày Pháp luật năm 2015 và các năm tiếp theo thực sự thiết thực, hiệu quả, đồng thời phát huy hiệu ứng tích cực của Cuộc thi viết Tìm hiểu Hiến pháp, tôi đề nghị Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật tập trung vào một số định hướng sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm cụ thể hóa đúng nội dung, tinh thần của Hiến pháp; bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; bảo đảm quyền dân chủ, tự do của người dân và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Triển khai tốt các luật, bộ luật mới, đặc biệt là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp... Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến sâu sắc trong xã hội về ý thức chấp hành pháp luật. Trước hết cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu tuân thủ, chấp hành pháp luật; tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu và nắm vững pháp luật để hướng dẫn, tư vấn, giải thích, thuyết phục và vận động nhân dân chấp hành pháp luật; tuân thủ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ; thực sự thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Thứ ba, tập trung đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực pháp luật, pháp chế, tư pháp; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và hội nhập quốc tế.
Bộ Tư pháp cần phối hợp với các bộ, ngành, trong đó hợp tác chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao trong việc việc đào tạo thẩm phán, tuyển chọn thẩm phán, với Liên đoàn luật sư Việt Nam trong việc đào tạo đội ngũ luật gia, luật sư giỏi, am hiểu pháp luật quốc tế, thành thạo ngoại ngữ, có đủ năng lực hoạt động trên trường quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và công dân Việt Nam.
Thưa đồng bào, đồng chí, quý vị đại biểu
Ngày Pháp luật năm 2015 với chủ đề: “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” có ý nghĩa rất quan trọng. Chúng ta phải phấn đấu để mỗi ngày trong năm đều là ngày pháp luật, để thực sự “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi người chúng ta bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội tạo nên sức mạnh tổng hợp, khối đại đoàn kết của toàn dân tộc vì một nước Việt Nam - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chúc các quý vị đại biểu, đồng chí, đồng bào sức khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công.
Xin trân trọng cảm ơn.
1. Việt Nam yêu cầu ca - Nguyễn Ái Quốc 1920
2. Báo điện tử Đảng CSVN, http://123.30.190.43/tiengviet/tulieuvankien/4lanhtu/details.asp?topic=3&subtopic=91&leader_topic=11&id=BT29100332162