![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Campuchia Ngài Samdech Techo Hun Sen
Thưa các đồng chí, các quý vị và các bạn!
Hôm nay, Tôi rất vui mừng cùng với Thủ tướng Hun Sen và các đồng chí, các quý vị, các bạn tại buổi lễ trọng thể kỷ niệm “40 năm con đường cứu nước của Thủ tướng Hun Sen”; trong không khí vui mừng của nhiều sự kiện có ý nghĩa trọng đại: Mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1968-2018); chúc mừng Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia và Thủ tướng Hun Sen đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hội đồng xã, phường ngày 4/6/2017, tạo tiền đề cho bầu cử Quốc hội năm 2018, đưa Campuchia vững bước trên con đường xây dựng đất nước hòa bình, phồn vinh.
Cùng đi với Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen lần này, tôi vui mừng thấy có nhiều đồng chí, bạn bè thân quen là Thượng nghị sĩ, Đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cao cấp, Bộ trưởng và Quốc vụ khanh các bộ, các tướng lĩnh... Đó là biểu hiện rất có ý nghĩa của mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia.
Thưa quý vị,
Người dân Việt Nam có câu nói: “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”. Theo truyền thống đó, hôm nay chúng ta cùng nhớ lại lịch sử quan hệ đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Campuchia, lúc khó khăn, hoạn nạn cũng như trong hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc.
Cuối năm 1945, tuyên bố chung về đoàn kết Việt - Myanmar - Lào được kí kết, nhiều đơn vị quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Campuchia xây dựng “Bộ đội Ít-xa la”, tiền thân của Quân đội cách mạng Campuchia và phối hợp với quân, dân Campuchia đẩy mạnh chiến tranh du kích. Trong Hội nghị 3 nước Đông Dương tháng 9 năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam hết lòng thành thật giúp đỡ nhân dân Lào, nhân dân Khơ me một cách vô điều kiện”; “Việt Nam đoàn kết chặt chẽ, Lào đoàn kết chặt chẽ, Khơ me đoàn kết chặt chẽ... Đoàn kết ở đây là đoàn kết trong tinh thần, đoàn kết trong hành động, đoàn kết trong đấu tranh, chứ không phải đoàn kết ngoài miệng”.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, 3 nước Đông Dương tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chia xẻ máu xương chiến đấu chống kẻ thù chung. Tháng 3/1963, Chính phủ theo đường lối trung lập tích cực do Ngài cố Quốc vương Norodom Sihanouk làm Thủ tướng đã công nhận Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Nhân dân và quân đội Campuchia tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng cơ sở hậu cần, lương thực, tuyến vận tải cung cấp cho chiến trường Nam Bộ và xây dựng chỗ đứng cho một số đơn vị và cơ quan chỉ huy Quân giải phóng miền Nam trong những buổi ban đầu đầy khó khăn, gian khổ.
Luôn chân thành đoàn kết anh em, quân và dân Việt Nam sát cánh chiến đấu cùng với quân và dân Campuchia. Năm 1970, Đế quốc Mỹ hậu thuẫn đảo chính lật đổ Quốc trưởng Norodom Sihanouk, lúc này một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiến công địch, giải phóng nhiều vùng thuộc các tỉnh Krachiê, Tà keo, Campốt. Tháng 4/1970, hai bên đã phối hợp giải phóng 5 tỉnh vùng Đông Bắc. Từ năm 1971 - 1973, quân đội hai nước đã phối hợp chiến đấu, đập tan kế hoạch của Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia; mở rộng vùng giải phóng và căn cứ cách mạng; giúp cách mạng Campuchia phát triển nhảy vọt.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 của Quân và dân Việt Nam đã tác động mạnh mẽ để Quân giải phóng Campuchia liên tục tiến công làm chủ Phnom Penh ngày 17/4/1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến của nhân dân Campuchia. Đây cũng là thắng lợi chung của tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân 3 nước Việt Nam, Campuchia và Lào.
Năm 1975, ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Campuchia chưa kịp hưởng hòa bình, lại rơi vào bi kịch lớn của dân tộc. Tập đoàn phản động Pol Pot đặt dân tộc Campuchia trước “thảm họa diệt chủng khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử loài người”. Chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày, chúng đã sát hại hơn 3 triệu người dân vô tội Campuchia; thanh trừng, sát hại nhiều đảng viên, cán bộ quân đội… Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đứng trước tình thế vô cùng khó khăn, như lời của Thủ tướng Hun Sen: “Chúng ta chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết”.
Tập đoàn phản động Pol Pot đã chà đạp lên những giá trị tốt đẹp của mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc. Chúng đưa quân đánh chiếm các đảo Phú Quốc (3/5/1975), Thổ Chu (10/5/1975). Triển khai 19/23 sư đoàn dọc tuyên biên giới; huy động 10 sư đoàn gây chiến tranh biên giới Tây Nam - Việt Nam, giết hại hàng vạn dân thường, phần lớn là cụ già, phụ nữ, trẻ em, đốt cháy hàng vạn ngôi nhà, giết hàng ngàn trâu bò…
Lúc đó, Việt Nam mặc dù có quyền đánh trả và đủ khả năng tiêu diệt hoàn toàn quân xâm lược, nhưng vẫn hết sức kiềm chế để giữ gìn hòa bình giữa hai nước, tránh một cuộc chiến tranh không mong muốn, gây tổn thất cho nhân dân. Việt Nam lúc này rất cần thông tin về sự thật đang diễn ra ở Campuchia; muốn lắng nghe tiếng nói của những người cách mạng chân chính và ý nguyện của nhân dân Campuchia. Một số cán bộ yêu nước của Campuchia, trong đó có Trung đoàn trưởng Hun Sen đã quyết định sang Việt Nam trao đổi tình hình, bày tỏ ý nguyện của nhân dân Campuchia và tìm kiếm sự giúp đỡ từ Việt Nam.
Trước nguy cơ diệt vong của dân tộc, những người con ưu tú của nhân dân Campuchia đã đứng lên, tập hợp lực lượng để tìm con đường giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu mình. Nhiều cuộc nổi dậy của lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchi diễn ra ở Quân khu Trung tâm, Đông Bắc, Quân khu 203... Tuy nhiên, do chênh lệch về lực lượng và vũ khí trang bị, nên lực lượng cách mạng Campuchia gặp rất nhiều khó khăn, chịu nhiều tổn thất.
Trong nguy nan, khó khăn nhất của cách mạng Campuchia, Trung đoàn trưởng Hun Sen và nhiều cán bộ Campuchia lại chọn Việt Nam là nơi có thể đặt niềm tin về sự giúp đỡ, gây dựng lực lượng cứu nước, trên cơ sở của mối quan hệ hai nước đã được thử thách. Như khẳng định của đồng chí Hun Xen: “Căn cứ vào tình hình chính trị trong nước và quốc tế lúc đó, không còn con đường nào khác... Nước mà có khả năng giúp đỡ và có thể giúp đỡ chỉ có Việt Nam là duy nhất...”. Quân và dân Việt Nam đã chia xẻ khó khăn, giúp đỡ, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ Campuchia trở thành cốt cán cho cách mạng; đồng thời móc nối, giúp đỡ và từng bước phối hợp với lực lượng nổi dậy trong nước đấu tranh chống Tập đoàn phản động Pol Pot.
Mặc dù Việt Nam còn chưa kịp khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh và vẫn bị bao vây cấm vận, nhưng hiểu rõ tình thế khó khăn của cách mạng Campuchia, theo sự kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: ‘’Giúp Bạn là tự giúp mình”, Lãnh đạo Việt Nam một lần nữa quyết tâm sát cánh cùng nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, xây dựng chính quyền cách mạng và tiêu diệt lực lượng vũ trang phản động gây chiến tranh tàn bạo xâm chiếm biên giới Việt Nam.
Với nỗ lực gây dựng lực lượng của các cán bộ cốt cán Campuchia và sự giúp đỡ hiệu quả của Việt Nam, ngày 12/5/1978, Campuchia đã thành lập “Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia”, đơn vị tiền thân của Quân đội cách mạng Campuchia, do đồng chí Hun Xen làm Chỉ huy trưởng. Ngày 2/12/1978, thành lập Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, đồng chí Heng Somrin làm chủ tịch, đồng chí Hun Sen là Ủy viên. Đây là nòng cốt của lực lượng cách mạng và lực lượng vũ trang cách mạng, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Campuchia.
Sau khi chặn đứng hành động gây chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam Việt Nam của Tập đoàn phản động Pol Pot, theo yêu cầu của cách mạng Campuchia, Việt Nam đưa quân tình nguyện sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng, khôi phục, xây dựng đất nước. Quân tình nguyện Việt Nam gồm các đơn vị bộ binh, không quân, hải quân cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiến hành các chiến dịch, trận đánh, tiêu diệt nhiều lực lượng vũ trang phản động diệt chủng, giải phóng các tỉnh, thành phố. Đến ngày 7/1/1979 đã hoàn toàn làm chủ thủ đô Phnom Penh. Đây là Chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, từ nay nhân dân Campuchia hoàn toàn thoát khỏi chế độ diệt chủng, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Thủ tướng Hun Sen đã đánh giá: “Thắng lợi có được là do lực lượng cách mạng và nhân dân Cam puchia kết hợp với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam”. Ngày 8/1/1979, Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia thành lập và yêu cầu Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục phối hợp với lực lượng vũ trang Campuchia truy quét tàn quân Pol Pot, củng cố chính quyền cách mạng.
Cùng với hoạt động quân sự, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia giúp Campuchia xây dựng chính quyền cơ sở, hỗ trợ vật chất giúp phục hồi kinh tế từ đống đổ nát do chế độ diệt chủng để lại. Qua quá trình sát cánh chiến đấu, xây dựng với biết bao gian khổ, hy sinh anh dũng của nhiều chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, lực lượng cách mạng và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đủ khả năng tự lực bảo vệ đất nước. Từ thực tiễn đó, theo thỏa thuận giữa hai Đảng, hai Nhà nước, năm 1989, Việt Nam rút hết quân tình nguyện về nước hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.
Và thật vinh dự khi người dân Campuchia đã trìu mến gọi những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật”. Ngày Quân tình nguyện về nước (29/6/1989), báo Pro-chia-chuôn (Nhân dân) của Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia ra xã luận viết: "Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi".
Có thể nói, Campuchia là một trong số rất ít nước trên thế giới, sau khi được nước khác giúp đỡ, lực lượng cách mạng và lực lượng vũ trang cách mạng đã vươn lên tự lực gánh vác sứ mệnh bảo vệ và dựng xây đất nước mình.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia và Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Campuchia đã tiến hành công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo 5 ngọn cờ do Thủ tướng Hun Sen khởi xướng: (i) Chống diệt chủng; (ii) hòa bình, hòa hợp dân tộc; (iii) phát triển kinh tế, nước và ruộng đất cho nhân dân, nông dân; (iv) mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế, đoàn kết hữu nghị với các nước, đặc biệt là với láng giềng, trong đó sống còn là quan hệ với Lào, Việt Nam; và (v) giương cao ngọn cờ dân tộc, tôn giáo, Hoàng gia... đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Trong giai đoạn Campuchia xây dựng, phát triển đất nước, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam tiếp tục đoàn kết, hợp tác với Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Campuchia trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Ngày nay Campuchia là một quốc gia độc lập, tự chủ, hòa bình, là một nước láng giềng tốt của khu vực, một thành viên tích cực của ASEAN và cộng đồng quốc tế, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ với GDP liên tục tăng trên 7% trong nhiều năm qua, đời sống nhân dân được cải thiện ấm no, hạnh phúc. Việt Nam là nước đầu tư lớn thuộc Nhóm đầu tại Campuchia, thương mại hai nước không ngừng tăng lên nhất là những năm gần đây.
Thưa quý vị,
Hôm nay, nhìn lại quá khứ, chiêm nghiệm những giá trị lắng sâu của thời gian, chúng tôi thấy rằng:
Vận mệnh của hai dân tộc là không thể tách rời nhau, đó là một chân lí từ thực tiễn lịch sử hai nước. Trải qua biết bao thử thách, cam go, mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam – Campuchia là tài sản quý báu mà hai nước cần nỗ lực xiết chặt tay nhau, đoàn kết giữ gìn và phát triển. Cùng nhau xây dựng một biên giới hòa bình, hữu nghị đoàn kết và phát triển trong tình anh em đồng chí thân thiết.
Việt Nam mãi mãi là người Bạn láng giềng thủy chung, trước sau như một với đất nước và nhân dân Campuchia; ủng hộ Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, Thủ tướng Hun Sen và Chính phủ Hoàng gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ngày nay, mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều thay đổi, quan hệ giữa hai nước đã có những phát triển mới, nhưng bản chất và giá trị của mối quan hệ hai nước, hai dân tộc vẫn không thay đổi và sẽ không thay đổi. Chính phủ hai nước có trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ hiểu rõ ý nghĩa, tiếp tục gìn giữ, phát huy quan hệ truyền thống Việt Nam – Campuchia trong thời đại mới bằng những chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể, hiệu quả trên các lĩnh vực.
Thưa quý vị,
Dù 40 năm đã đi qua, nhưng trong không khí trang trọng của buổi lễ hôm nay, tôi tin rằng những người lính quân tình nguyện Việt Nam vẫn luôn trân trọng những kỷ niệm sẻ chia, sâu sắc cùng đồng đội Campuchia anh dũng chiến đấu để gìn giữ những ngôi đền cổ Angkor uy nghi và để điệu múa Apsara huyền diệu được hòa quyện cùng với câu hát dân ca Việt chan chứa yêu thương "Yêu nhau cởi áo cho nhau”.
Nhân dịp này, Tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Đảng Nhân dân Cách mạng, Chính phủ Hoàng gia và nhân dân Campuchia trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Thay mặt Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, chúc “Quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” mãi mãi như dòng Mekong nối liền hai nước.
Chúc Thủ tướng Hun Sen mạnh khỏe, hạnh phúc, cùng với Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia và Chính phủ Hoàng gia lãnh đạo đất nước Campuchia không ngừng phát triển, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc, góp phần vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực.
Chúc sức khỏe các đồng chí và các bạn.
Xin trân trọng cám ơn.