In bài viết

Phát động cuộc thi ý tưởng kiến trúc Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(Chinhphu.vn) - UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL, "một nơi xứng đáng để tôn vinh sự đóng góp của người nông dân vùng ĐBSCL và cũng để giáo dục cháu con sau này".

12/06/2024 15:27
Phát động cuộc thi ý tưởng kiến trúc Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 1.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời phát biểu tại buổi lễ phát động - Ảnh VGP/Bá Dũng

Ngày 12/6, tại Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức cuộc thi "Thi tuyển ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long". Đến dự có Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm…

Công trình thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của Vĩnh Long

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, cho biết: "Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất trọng điểm về sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, hình thành và phát triển từ lâu đời. Việc phát hiện hàng loạt các di tích, di chỉ khảo cổ học, địa chất, địa mạo, cổ sinh địa tầng ở Nam bộ cho thấy nghề làm nông nghiệp nơi đây đã hình thành và phát triển cách đây 3.000 – 4.000 năm như: Di tích An Sơn (Long An), Giồng Nổi (Bến Tre), Gò Cây Tung (An Giang)…

Hiện nay, gần 75% dân số ở Đồng bằng sông Cửu Long sống dựa vào nông nghiệp. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp ở khu vực này nhằm nâng cao số lượng và chất lượng nông sản. Cho nên một số phương thức và dụng cụ sản xuất nông nghiệp truyền thống có nguy cơ bị biến mất theo thời gian.

Theo Quyết định số 195 ngày 16/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và Quyết định số 194 ngày 23/1/2015 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án "Xây dựng sản phẩm đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long", địa điểm xây dựng Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là tại tỉnh Vĩnh Long.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó Dự án Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuộc danh mục công trình thiết chế văn hóa được ưu tiên đầu tư của Tỉnh.

Bên cạnh đó, lúc sinh thời, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt từng nói: "Để có được Đồng bằng sông Cửu Long thành khoảnh như ngày hôm nay thì công sức và sự sáng tạo của người nông dân cũng quan trọng như vai trò của khoa học kỹ thuật và sự đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, phải có một nơi xứng đáng để tôn vinh sự đóng góp của họ và cũng để giáo dục cháu con sau này".

Phát động cuộc thi ý tưởng kiến trúc Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 2.

Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam Tô Văn Động trao bảng tượng trưng 2 tỷ đồng hỗ trợ giải thưởng cho cuộc thi - Ảnh VGP/Bá Dũng

Chính vì thế, Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng ở tỉnh Vĩnh Long - quê hương của cố Thủ tướng, hết sức ý nghĩa với việc thực thi di nguyện của ông lúc sinh thời.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển cho biết, khi nói về Đồng bằng sông Cửu Long thì bạn bè trên thế giới đều rất tò mò và mong muốn đến tìm hiểu những sự phát triển đặc sắc của vùng nông nghiệp này. "Một vùng mà hiện nay đang trở thành vùng xuất khẩu lúa gạo có tiếng vang trên thế giới và đạt nhiều thành tựu phát triển thời gian vừa qua rất là vượt bậc", ông Phan Đăng Sơn nói.

Với sự phát triển này thì vai trò của cộng đồng nhân dân vùng miền đã có sự đóng góp rất là chuyên môn, truyền thống. Từ cây lúa cho đến các loài hoa quả đến tất cả các hoạt động đánh bắt trong lĩnh vực nông nghiệp đều được phát triển mang tính đặc thù của vùng miền…

Trong điều kiện biến đổi khí hậu mà chúng ta đang đối diện phát triển ngành nông nghiệp này có những thách thức mới. Những thách thức đó tạo nên những sức phấn đấu mới và sự thích nghi mới, nương nhờ vào thiên nhiên người dân trong sự phát triển về nông nghiệp.

Công bố kết quả vào tháng 10/2024

Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, tỉnh Vĩnh Long có nền văn hoá lâu đời và là nằm ở vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vĩnh Long đang có nhiều khởi sắc và có xu hướng đột phá cho nền kinh tế hướng phát triển mới. Với tinh thần như vậy, cuộc thi xây dựng về kiến trúc của bảo tàng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại Vĩnh Long như lời di nguyện của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt lúc sinh thời. Đây là một điều hết sức cần thiết và quan trọng, tạo rất nhiều cảm xúc cho các nhà tư vấn, nhà chuyên môn cùng bàn luận và thiết kế ý tưởng cho cuộc thi này.

Phát động cuộc thi ý tưởng kiến trúc Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 3.

Đại biểu tham gia lễ phát động - Ảnh VGP/Bá Dũng

Tại buổi lễ, Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam đã trao bảng tượng trưng 2 tỷ đồng hỗ trợ cho giải thưởng của cuộc thi ý tưởng Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam Tô Văn Động bày tỏ hy vọng Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành di sản văn hoá Việt Nam trong tương lai, được nhiều người biết đến.

Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long dự kiến xây dựng tại ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Vĩnh Long làm chủ đầu tư. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa.

Cuộc thi tuyển phương án ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng được tổ chức nhằm lựa chọn phương án tối ưu, làm cơ sở triển khai lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và lập dự án đầu tư xây dựng công trình.

Theo đó, đơn vị tư vấn tổ chức thi tuyển là Tạp chí kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Sau khi phát động, đến tháng 7/2024 các đơn vị sẽ đăng ký dự thi.

Đến tháng 10/2024, Ban tổ chức sẽ Trưng bày triễn lãm và tổ chức chấm thi, công bố kết quả.

Cơ cấu giải thưởng và giá trị thưởng gồm 1 giải nhất trị giá 800 triệu đồng, 1 giải nhì trị giá 500 triệu đồng và 1 giải ba trị giá 300 triệu đồng. 

Ngoài ra, các đơn vị dự thi có phương án dự thi hợp lệ, được hội đồng thi tuyển chấp thuận, sẽ được ban tổ chức hỗ trợ chi phí ở mức 50 triệu đồng cho một đơn vị dự thi.

Bá Dũng