Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch phát động phong trào xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Sự kiện nhằm phổ biến về kế hoạch thực hiện, logo nhận diện nhà vệ sinh dành cho khách du lịch tới công chúng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, những năm gần đây, du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển khá toàn diện, trở thành một trong những hoạt động kinh tế quan trọng của Thành phố. Đà Nẵng được biết đến là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn với sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng và chuyên nghiệp.
“Với sự tăng trưởng của khách du lịch, việc đáp ứng những nhu cầu cần thiết và cơ bản cho khách du lịch là điều vô cùng quan trọng. Từ năm 2015, Hội Doanh nghiệp Hải Châu đã đề xuất dự án nhà vệ sinh cộng đồng “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home” triển khai trên địa bàn quận Hải Châu. Đến nay, đã có hơn 400 đơn vị đăng kí tham gia dự án, tạo điểm nhấn cho quận và lan tỏa toàn Thành phố, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch và xây dựng hiệu quả nếp sống văn hoá văn minh đô thị của Đà Nẵng. Đây cũng là mô hình được nhiều tỉnh/thành học hỏi kinh nghiệm để phát triển”, ông Dũng cho biết.
“Thành phố đề nghị UBND các quận, huyện phối hợp với Hội Doanh nghiệp các quận, huyện tập trung vận động các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn phấn đấu đạt 1.000 nhà vệ sinh công cộng “Thoải mái như ở nhà” trên toàn TP. Đà Nẵng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, năm 2017, ngành du lịch đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1% so với năm 2016; khách du lịch nội địa là 73,2 triệu lượt khách, tăng 18,1% so với năm 2016.
Tổng thu từ khách du lịch đạt 541.000 tỷ đồng, tăng 29,7% so với năm 2016. 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đón 9,1 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Cùng với những kết quả trên, năm 2017 cũng là năm ghi nhận những dấu ấn lịch sử của ngành du lịch. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quốc hội thông qua Luật Du lịch (sửa đổi); Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững của các nuớc châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch cao nhất thế giới. Nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam được vinh danh bằng cảc giải thưởng danh giá hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, quá trình phát triển của ngành du lịch Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế yếu kém, mà trong đó việc thiếu nhà vệ sinh dành cho khách du lịch hoặc có nhà vệ sinh nhưng không đạt chuẩn là một thực tế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự hài lòng của khách du lịch, làm giảm chất lượng sản phẩm du lịch cũng như hình ảnh du lịch Việt Nam.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ, nhằm từng bước khắc phục những khó khăn, giải quyết vấn đề này, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao và không phù hợp với điều kiện của các địa phương.
Lễ ra quân phát động phong trào xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng dành cho khách du lịch - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
“Trước thực trang đó, năm 2015, Phòng Kinh tế - Hội doanh nghiệp quận Hải Châu đã có sáng kiến xây dựng đề án “Xã hội hoá nhà vệ sinh cộng đồng trên địa bàn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng”. Đề án nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn. Đề án đã khuyến khích, động viên các khách sạn, nhà hàng, cơ sở mua sắm, nhà dân mở cửa cho công chúng, trong đó có khách du lịch vào sử dụng nhà vệ sinh miễn phí.
Từ tính khả thi và hiệu quả của đề án, từ thực tiễn thành công của quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch nhận thấy, đây là mô hình tốt nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhà vệ sinh cho khách du lịch hiện nay của du lịch Việt Nam.
Sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ VH&TTDL, Tổng cục Du lịch đã xây dựng Kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình nhà vệ sinh xã hội hóa này, trước hết tại một số địa bàn du lịch trọng điểm.
“Mong rằng sau lễ phát động này, các địa bàn du lịch trọng điểm sẽ học tập, xem xét để vận động sự tự nguyện hưởng ứng của các tổ chức trên địa bàn. Hy vọng với sự hưởng ứng của các địa phương, chúng ta sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ của du lịch Việt Nam, góp phần xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn với khách du lịch và bạn bè quốc tế”, ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.
Lưu Hương