In bài viết

Phát động thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao

(Chinhphu.vn) - Việc thay đổi căn cơ nhận thức của người sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam, sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự hợp tác công - tư nhịp nhàng cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế là "chìa khoá" bảo đảm sự thành công của Đề án.

12/12/2023 12:29
Phát động thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu dự Lễ phát động thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao - Ảnh: VGP/Hải Minh

Sáng ngày 12/12, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dự Lễ phát động thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" tại xã Vị Trung, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang.

Tham dự buổi lễ còn có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Festival Lúa gạo quốc tế 2023 tại Hậu Giang với chủ đề "Gạo xanh-Sống lành".

Phát động thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu cho giống vào máy gieo xạ - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh nếu ngành nông nghiệp được xác định "là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế" thì sản xuất lúa gạo được xem là ngành sản xuất trọng điểm không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm quốc tế.

Việt Nam nằm trong nhóm các nước sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới và là một trong số các nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Vị thế của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đang ngày càng được củng cố và nâng cao hơn, không chỉ là những con số ấn tượng về sản lượng và giá trị xuất khẩu trong những năm gần đây mà còn thể hiện ở những phản hồi tích cực của người tiêu dùng thế giới. Gạo của Việt Nam cũng liên tiếp được vinh danh trên trường quốc tế.

Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo với kim ngạch ước đạt 4,7 tỷ USD, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục tăng và tiến dần tới nhóm cao nhất thế giới.

Đồng bằng Sông Cửu Long với diện tích tự nhiên 4.092 nghìn ha, trong đó 2.575 nghìn ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24 -25 triệu tấn chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và sản lượng gạo xuất khẩu chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Thời gian gần đây, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó có việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải. Bên cạnh đó, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025.

Phát động thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao- Ảnh 3.
Phát động thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao- Ảnh 4.
Phát động thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao- Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham quan các loại máy sản xuất nông nghiệp của Việt Nam - Ảnh: VGP/Hải Minh

Trước bối cảnh trên, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Trong quá trình triển khai Đề án, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.

Từ thí điểm thành công, mô hình này tại Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa "Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao" trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh sự thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh lúa gạo, hợp tác công-tư hiệu quả, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á… sẽ là chía khoá cho thành công của Đề án.

Là đối tác đồng hành với Việt Nam trong chuyển đổi ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk đánh giá cao Chính phủ Việt Nam phê duyệt và triển khai Đề án, nhấn mạnh Đề án cùng lúc nhằm ba mục tiêu: Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sống.

Bà Carolyn Turk khẳng định, Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai đề án này; hỗ trợ Việt Nam tham gia thị trường carbon tự nguyện để có được nguồn tài chính bền vững cho phát triển kinh tế./.

Hải Minh